Sắc màu tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhìn những học sinh nghèo với đầu tóc màu nắng cháy, mặc chiếc áo sơ mi mỏng cũ kỹ đang chơi đùa giữa sân trường trong tiết trời mùa đông, tôi chợt thấy chạnh lòng.



Tôi có duyên với nghề giáo và đã gắn bó với nghề hơn 12 năm. Những đứa trẻ khóa đầu tiên tôi dạy giờ đã đi làm, có em đã lập gia đình, xây dựng cuộc sống riêng.

Những bức vẽ sinh động của học trò vùng ven. Ảnh: L.V.T



Trường tôi nằm ven thành phố, được xếp vào nhóm trường thuận lợi nhưng chủ yếu là học sinh nghèo đến từ làng Kép, Làng trẻ em SOS Pleiku và những xóm tạm cư. Những đứa trẻ thiếu đi sự quan tâm của gia đình, em thì mất bố, em mất mẹ, em thì bố mẹ đi làm xa…, mỗi em một hoàn cảnh khác nhau nhưng đôi mắt lúc nào cũng đen lay láy chăm chú tiếp thu từng lời giảng của thầy cô.

Là giáo viên dạy Mỹ thuật nên tôi không bị áp lực như những giáo viên khác về chuyện các em phải biết giải Toán, biết đọc biết viết và không sai chính tả… Học vẽ là một cách giải tỏa stress, một cách vui chơi với màu sắc mà qua đó các em sẽ vẽ nên những ước mơ, những khát vọng của chính mình. Tôi không áp đặt lên các em đường nét, màu sắc của cá nhân mình, ngược lại thường để các em tự khám phá, thể hiện cá tính riêng. Với những đứa trẻ Jrai, màu sắc chúng thể hiện thường rất mạnh mẽ, dữ dội và lạ. Các tông màu nóng như đỏ, cam, vàng, nâu hoặc các tông màu lạnh mạnh mẽ như xanh lam, xanh lá cây… được các em sử dụng rất nhiều. Có hôm thấy một học sinh vẽ hoa màu xanh da trời, tôi hỏi em sao lại chọn màu này thì em bảo do bụi đường và nhớt xe làm hoa có màu xanh cô ạ! Rồi có em vẽ chân dung mẹ nhưng chỉ một màu đen, tôi hỏi thì em giãi bày rằng em chưa bao giờ thấy mẹ, không hình dung được nên em vẽ màu đen. Tôi lặng người nhìn em, rồi nhẹ nhàng bảo em hãy vẽ về người em gần gũi nhất. Cô bé lại tíu tít kể về bà của mình cho tôi nghe. Đâu đó trong tim mình, tôi thấy nỗi buồn ngang qua.

Có hôm cúi xuống chỉ bài cho một em khác thì thấy mùi sữa chua chua kèm theo mùi ngai ngái của mái tóc mấy ngày không gội xộc vào mũi. Hỏi ra mới biết, ba mẹ em đi làm xa, em ở nhà với bà ngoại đã hơn 70 tuổi. Hôm trước, em pha sữa cho em trai không may bị đổ lên áo, không có áo thay nên em mặc đi học tiếp ngày hôm sau. Bảy tuổi, có đứa trẻ còn chưa biết mang giày, mặc áo quần cho đúng mà em đã thay bố mẹ cáng đáng công việc của một người trưởng thành.

Thiếu đi sự chăm sóc của mẹ cha, nhiều em thường ít nói, ngỗ nghịch, đồ dùng học tập không có. Nếu tức giận các em mà la mắng thì hầu như phản tác dụng, khiến các em càng ngỗ nghịch thêm. Vậy nên, tôi thường khích lệ các em bằng cách, nếu em nào làm bài tốt sẽ được thưởng giấy vẽ, bút chì, đôi khi là bút màu. Các em vui lắm, đến tiết Mỹ thuật, bạn nhỏ nào cũng háo hức mong chờ.

Sự giúp đỡ sẻ chia của tôi chỉ là nhỏ nhoi trong vô vàn sự thiếu thốn của các em. Đông về mà các em chỉ có những chiếc áo mỏng, co ro trong cái rét đầu mùa, tèm lem nước mũi. Các em như chú mèo nhỏ cần được ôm ấp và cưng chiều, nhưng vì hoàn cảnh nên không được hưởng điều đó. Những chiếc áo ấm được các bạn cùng lớp sẻ chia chỉ là sự giúp đỡ tạm thời. Nhưng tôi tin rằng, với sự quan tâm của thầy cô và bạn bè, các em sẽ như loài cỏ dại ven đường vươn lên mạnh mẽ dù cho cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt đến nhường nào. Như những bức tranh các em vẽ luôn rực rỡ, ấm áp. Đó cũng chính là ước mơ của các em về một tương lai tươi sáng...

 LÊ VI THỦY

Có thể bạn quan tâm