(GLO)- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến sân chơi dành cho thanh thiếu nhi bị thu hẹp. Tuy vậy, nhiều cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn linh động tổ chức các hoạt động phù hợp, đảm bảo cho các em có một mùa hè lý thú, bổ ích, an toàn. Các sở, ngành liên quan cũng tích cực trong công tác chỉ đạo, phối hợp chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Nhiều hoạt động lý thú từ cơ sở
Chỉ vừa “tuyển sinh” và đi vào hoạt động vài buổi nhưng lớp học tiếng Anh miễn phí ở thôn 1 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) đã thu hút 14 em nhỏ tham gia mỗi tuần 2 buổi (thứ hai và thứ sáu, từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút). Đứng lớp là một nhóm gồm 5 bạn trẻ, trưởng nhóm là chị Nguyễn Đức Hiền-sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
Ghé thăm lớp mới thấy các em nhỏ háo hức, mong đợi như thế nào. Chưa đến giờ học nhưng nhiều em đã tề tựu đông đủ tại hội trường thôn 1. Sau khi cùng “khởi động” bằng 1 bài hát tiếng Anh vui nhộn, các em tập trung vào bài học với chủ đề trái cây. Những cặp mắt trẻ thơ bị thu hút bởi nhiều hình ảnh đẹp mắt, sinh động được thiết kế slide trên máy tính. Với phương pháp dạy học trực quan, vừa học vừa vẽ, tô màu, luyện âm, chia cặp rèn kỹ năng giao tiếp…, các em thuộc từ mới khá nhanh. Cuối buổi, những em học tốt, tương tác tốt còn được tặng quà.
Chia sẻ cùng P.V, chị Nguyễn Đức Hiền cho biết, trong thời gian chờ hoàn thành một số nội dung tốt nghiệp, chị nảy ra ý tưởng mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ. Chị kể: “Qua trò chuyện, tôi thấy các em không thích, thậm chí sợ môn này. Vì vậy, tôi mong muốn mở một lớp học giúp các em yêu thích hơn môn Tiếng Anh, qua đó còn tạo sân chơi bổ ích trong dịp hè”.
Để tổ chức tốt các buổi học, nhóm bạn trẻ dành thời gian thống nhất về phương pháp giảng dạy với các chủ đề cơ bản: gia đình, đồ vật, đồ chơi, trái cây, các bộ phận trên cơ thể, giao tiếp… “Tôi cũng tham khảo thêm ý kiến những người bạn từng dạy học tình nguyện để giúp các em tiếp thu kiến thức càng nhiều càng tốt, rèn kỹ năng nói trước đám đông. Nhưng tôi không dám tự nhận là cô giáo, chỉ đơn giản là chia sẻ lại kiến thức mình đã học được”-chị Hiền khiêm tốn cho hay.
Hè này, nhiều em nhỏ được gia đình cho học bơi nhằm phòng tránh đuối nước. Ảnh: Phương Duyên |
Sau 2 buổi học, em Nguyễn Hương Thảo (học sinh lớp 3) thích thú bày tỏ: “Từ đầu hè đến giờ, em ở nhà mấy tháng rồi, xem ti vi hoài. Em thích học lớp cô Hiền vì cô dạy vui, dễ hiểu, vừa được học lại vừa được vẽ”. Biết thông tin về lớp, chị Nguyễn Thị Phương Lan (thôn Chư Hậu 5) cũng đăng ký cho 2 con tham gia. “Thời gian vừa rồi, do dịch bệnh nên các con chỉ quanh quẩn ở nhà. Giờ được đến lớp cô Hiền, các con thích lắm. Phụ huynh chúng tôi rất ủng hộ”-chị Lan kể.
Thực trạng thiếu sân chơi dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em là điều khiến xã hội bất an. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Chư Sê là đơn vị thực hiện tốt nhất công tác phòng tránh tai nạn đuối nước liên quan đến học sinh. Thầy Lê Tuấn Nhu-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện-nhận định: Đó là nhờ sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành, công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các bể bơi cũng như sự phối hợp của phụ huynh với nhà trường nhằm trang bị kỹ năng cho con em. Ngoài 3 bể bơi thông minh tại các trường THCS Chu Văn An, Cù Chính Lan, Nguyễn Chí Thanh, trên địa bàn còn có 1 bể bơi tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện cùng 2 bể bơi tư nhân.
Cũng theo thầy Nhu, năm học vừa qua là năm thứ 2 huyện mời chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo về mở lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng bơi cho 88 cán bộ quản lý, giáo viên thể dục, viên chức Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện. Từ đầu hè, nhiều lớp dạy bơi đã đi vào hoạt động, nhưng sau khi phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 thì buộc phải tạm dừng. Em Siu Nhung-học sinh lớp 8 Trường THCS Cù Chính Lan (xã Ia Blang), huy chương bạc Giải Bơi học sinh phổ thông cấp tỉnh-chia sẻ: “Trường em có 1 bể bơi thông minh. Em thấy môn bơi rất cần thiết nên rủ bạn đi học cùng. Em mong mau hết dịch, mong có thêm nhiều hồ bơi để các bạn học bơi thuận lợi”.
Trang bị đa dạng kỹ năng sống
Tại TP. Pleiku, một trong những sân chơi thu hút khá nhiều em nhỏ năng động là Câu lạc bộ Mr Bình ở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Chủ nhiệm là thầy giáo Lê Văn Bình-ThS. Giáo dục thể chất, giảng viên nhà trường, từng là “chiến binh” đạt nhiều thành tích tại gameshow “Không giới hạn-Sasuke Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Hiện nay, sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, Câu lạc bộ đã hoạt động trở lại, tiếp nhận hơn 20 học viên từ 4 tuổi trở lên theo học các trò chơi vận động Sasuke và kỹ năng tự vệ-thoát hiểm. Anh Bình cho hay, với trò chơi vận động Sasuke, học viên được rèn luyện để thực hiện những bài tập liên hoàn như: vượt chướng ngại vật, đu dây, leo núi, đu vòng… Các em còn được trang bị nhiều kỹ năng tự vệ-thoát hiểm như: phòng tránh bắt cóc, xâm hại, thoát khỏi hỏa hoạn hoặc thiên tai… Tham gia Câu lạc bộ, nhiều em rất thích thú vì không khí học tập thoải mái, được tự do vận động, leo trèo mà không bị… la mắng.
Không khí vui tươi tại lớp học vẽ ở Trung tâm Vietskill Gia Lai (116 Nguyễn Lương Bằng, TP. Pleiku). Ảnh: Phương Duyên |
Vừa khai trương cách đây vài tháng nhưng đã có số lượng học viên khá đông là Trung tâm Vietskill Gia Lai (116 Nguyễn Lương Bằng, TP. Pleiku). Chị Phan Thùy Nhật Hạ-Giám đốc Trung tâm-thông tin: Với sự tham gia giảng dạy của 8 cộng tác viên có chuyên môn vững vàng, hiện Vietskill Gia Lai thu hút khoảng 70 em nhỏ đăng ký các lớp: MC nhí, MC teen, zumba kids, người mẫu nhí, vẽ, chơi rubik, múa ba lê… Nói về lý do mở Trung tâm, chị Hạ bộc bạch: Nhiều em nhỏ có năng khiếu nhưng thiệt thòi so với các bạn ở những thành phố lớn do ít có nơi đào tạo kỹ năng một cách bài bản. Mở Trung tâm, chị có điều kiện kết nối để học viên đăng ký tham gia những cuộc thi tài năng toàn quốc, giúp phát huy tính chủ động, nhanh nhẹn, sáng tạo. Tới đây, từ ngày 24 đến 31-7, Trung tâm tổ chức cuộc thi “Thử tài rubik” và trao thưởng cho người “hóa giải” khối rubik 3x3 nhanh nhất qua 2 vòng thi.
Đang theo học lớp chơi rubik tại Vietskill Gia Lai, em Graechen Melita Phụng (học sinh lớp 2) cho biết em rất vui vì đã giải được rubik 3x3 chỉ sau 4 buổi tập cùng huấn luyện viên. Hiện em đang học cách chinh phục các loại rubik biến thể và luyện sự nhanh nhạy để rút ngắn thời gian giải những khối vuông đầy màu sắc này.
*Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh
Tới đây, Tỉnh Đoàn dự kiến tổ chức 2 lớp tập huấn phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước tại huyện Ia Grai và Mang Yang; 1 lớp tập huấn kỹ năng phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại huyện Chư Prông; 1 lớp tập huấn về quyền trẻ em tại Chư Sê.
*Bà Trần Thị Thu Hà-Phó Trưởng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội): Nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”
Ngoài ra, Sở tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm quy hoạch, đầu tư quỹ đất, kinh phí để xây dựng thêm nhiều điểm vui chơi, giải trí cho trẻ; tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư trang-thiết bị... Sở cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn tạo sân chơi bổ ích, an toàn cũng như trang bị kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em.
*Chị Lê Thị Lệ Thủy (18 Hùng Vương, TP. Pleiku): Phụ huynh nên chủ động trang bị kỹ năng sống cho con
Tôi thấy hoạt động tại Câu lạc bộ rất bổ ích, lành mạnh, thỏa mãn nhu cầu của các bé thích vận động. Phụ huynh nên cho con theo học để chủ động trang bị kỹ năng cần thiết, tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra. Cha mẹ cũng yên tâm vì có cách quản lý con hiệu quả, hạn chế việc xem ti vi, chơi điện thoại quá nhiều.
|
PHƯƠNG DUYÊN