Tấm lòng với trẻ em khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 3 tháng qua, những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai không còn xa lạ với tình nguyện viên Tăng Văn Hồng (SN 1984, trú tại đường Lữ Gia, TP. Pleiku). Dốc tấm lòng yêu thương, ngày ngày, anh Hồng đến đây để dạy kiến thức và kỹ năng sống cho các em cùng cảnh ngộ với mình.
Khi chúng tôi đến thăm, anh Hồng đang hướng dẫn các em nhổ cỏ trong vườn rau. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi sự lễ phép của các em: “Cháu chào cô”, “Cô đến thăm, chúng cháu vui lắm”, “Cô ở đây chơi lâu nhé”... Những câu nói đã cho chúng tôi cảm nhận sự thân thiện từ giây phút đầu tiên.
Từ khi đảm nhận lớp học, cứ 30 phút dạy các em tập đọc, tập viết, anh lại cho giải lao. Anh tận dụng khoảng thời gian nghỉ này tổ chức sinh hoạt ngoại khóa với những hoạt động gần gũi, thiết thực.
Lớp học gồm 9 học sinh với nhiều dạng khuyết tật khác nhau, từ khuyết tật vận động đến thiểu năng trí não. Anh Hồng chia sẻ: “Khó khăn nhất là dạy các em bị thiểu năng trí tuệ, học đâu quên đấy. Tôi luôn kiên trì, nhẹ nhàng, ân cần nên dù mới hơn 3 tháng, có em đã biết đọc, biết viết. Tôi thấy các em tiến bộ rõ rệt”.
Anh Tăng Văn Hồng dạy tin học cho các em ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: Đinh Yến
Đối với từng trường hợp, anh Hồng có phương pháp dạy riêng. Em Puih Păh bị thiểu năng trí tuệ, tỏ ra rất lầm lì, không chịu học và ít giao tiếp. “Tôi thường gần gũi, nhẹ nhàng cầm tay nắn nót từng nét chữ đầu tiên, dạy đi dạy lại nhiều lần để em biết rõ mặt chữ. Những giờ sinh hoạt ngoại khóa, tôi ngồi bên cạnh cùng chơi, cùng giúp em làm việc. Nhờ thế, Păh mạnh dạn hơn, không còn xa lánh các bạn, biết cách nhận biết con số, chữ cái”-anh Hồng cười tươi khoe.
Tương tự, em Nguyễn Văn Tú Hưng bị khuyết tật tay và thiểu năng trí tuệ. Dù đã 12 tuổi nhưng Hưng vẫn như một đứa trẻ ngô nghê, dễ tủi thân, hay khóc. Anh Hồng vừa dạy, vừa động viên, khích lệ em vượt qua mặc cảm. Bây giờ, Hưng đã biết đọc, viết chữ đẹp, biết làm toán. Hưng tâm sự: “Em chỉ mong được học thầy Hồng thật nhiều. Thầy yêu quý chúng em nhiều lắm!”.
Không dừng lại ở đó, anh Hồng còn dạy các em học tin học. Đầu tiên, anh dành 45 phút hướng dẫn các em tiếp xúc với bàn phím. Đứng sau một cậu học trò đang loay hoay tìm phím để đánh chữ, anh Hồng hướng dẫn chung: “Muốn đánh chữ o, các em lấy ngón tay gõ vào chữ o; muốn đánh chữ ê các em gõ chữ e 2 lần liên tiếp”. Nói rồi, anh Hồng chăm chú nhìn theo những ngón tay đơ cứng đang rà trên bàn phím một cách khó nhọc và xoa đầu động viên các em. Bài học cứ thế tiếp tục, em nào cần hỏi gì, anh Hồng nhiệt tình hướng dẫn.
Anh Hồng cùng các em vui chơi trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Đinh Yến
Để đạt được hiệu quả cao trong mỗi giờ lên lớp, anh Hồng thường xuyên khuyến khích, hỗ trợ, động viên, phân tích tỉ mỉ. Anh chủ động tìm hiểu đặc điểm tính cách, tình trạng sức khỏe của mỗi em. “Sau mỗi buổi học, mình cảm thấy mệt nhoài vì phải nói đi, nói lại nhiều lần. Nhưng nhờ tình cảm yêu thương các em dành cho mà mình có động lực để ngày ngày đến lớp”-anh Hồng chia sẻ.
Nói về cơ duyên đến với các em cùng cảnh ngộ, anh Hồng tâm sự: “Bản thân tôi cũng là người khuyết tật bẩm sinh 2 bàn tay. Ngay từ khi chào đời, 2 bàn tay tôi đã không được lành lặn. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán Trường Trung cấp Nghề Gia Lai, tôi tiếp tục tham gia khóa học công nghệ thông tin. Năm 2010, tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm việc tại một trung tâm chuyên chụp ảnh cưới, lương 4-5 triệu đồng/tháng. Công việc chỉnh sửa ảnh cưới phù hợp với sức khỏe bản thân. Giữa năm 2020, do gia đình có chuyện nên tôi phải về. Thời gian này đang rảnh, tôi muốn làm một việc gì đó để giúp các em kém may mắn”.
Bà Nông Thị Châm-Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh-nhận xét: “Anh Hồng là người có năng lực và nhiệt huyết với công việc. Mặc dù bản thân cũng là người khuyết tật nhưng anh luôn cố gắng hết mình, kiên trì, nhẫn nại dìu dắt từng em khuyết tật biết đọc, biết viết, học tin học. Khi anh đăng ký làm tình nguyện viên để hỗ trợ các em khuyết tật, chúng tôi thấy ái ngại. Nhưng với kết quả mang lại, anh thực sự là tấm gương sáng, là động lực để mỗi em khuyết tật có thêm quyết tâm vượt qua khó khăn”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm