(GLO)- Chỉ còn 3 ngày nữa là 2.251 thanh niên trong tỉnh Gia Lai sẽ lên đường nhập ngũ. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị lễ giao nhận quân đã cơ bản hoàn tất. Đặc biệt, trước diễn biến tình hình dịch viêm phổi do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phương án phù hợp để lễ giao nhận quân diễn ra nhanh gọn, chặt chẽ.
Háo hức lên đường nhập ngũ
Ngay sau khi có lệnh gọi cậu con trai Ksor Thọ lên đường nhập ngũ, gia đình ông Rơ Mah Bang (làng Bang, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) đã dự định tổ chức bữa tiệc chia tay có đông đảo họ hàng, bà con trong làng đến chung vui. Song khi nghe các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền về việc không nên tụ tập đông người để phòng-chống dịch nCoV, tiệc chia tay của gia đình ông Bang chỉ tổ chức đơn giản với vài người thân thiết. Ông Bang bộc bạch: “Thọ là con lớn trong nhà, nó rất ngoan, biết giúp mình làm rẫy điều, ruộng lúa. Nó đi bộ đội, mình cũng thiếu lao động vì vợ mình bị đau ốm suốt không làm được. Nhưng mình vẫn muốn cho con đi và tin rằng môi trường quân đội sẽ giúp nó trưởng thành”.
Các đơn vị gặp gỡ, động viên thanh niên trước lúc lên đường. Ảnh: A.H |
Tranh thủ những ngày trước khi lên đường nhập ngũ, anh Kpă Tiêu (làng Klah Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) nỗ lực phụ giúp cha thu hoạch cho xong vài luống khoai lang ngoài rẫy và giúp mẹ chẻ đống củi sau nhà. Tiêu là con út trong gia đình, trên Tiêu còn có 2 anh trai và 2 chị gái. Điều đặc biệt là cả 2 người anh trai của Tiêu trước đây đều tham gia quân ngũ. “Mỗi lần ngồi nói chuyện, 2 anh đều kể rất nhiều về cuộc sống quân ngũ, điều đó khiến tôi tò mò và rất muốn trở thành người lính. Hơn nữa, chính các anh sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự cũng động viên tôi nên nhập ngũ để được học tập, rèn luyện. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn viết đơn đăng ký và may mắn trúng tuyển”-Kpă Tiêu chia sẻ. Khi nói về 3 người con trai của mình, ông Rơ Lan Tem tự hào: “Cả 2 con sau khi đi bộ đội về đều trưởng thành, cần cù, chịu khó lao động. Kpă Đim đã lấy vợ và hiện đang làm Phó Trưởng thôn Kte (xã Ia Glai, huyện Chư Sê); con trai thứ hai đang làm công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Mình mong muốn Tiêu sẽ học tập các anh, tích cực rèn luyện, học tập để sau này có kiến thức và chững chạc hơn”.
Riêng với anh Nguyễn Hải Đăng (tổ 1, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đang theo học nghề đầu bếp tại Đà Nẵng nhưng ngay khi có lệnh gọi nhập ngũ đã gác lại việc học để vui vẻ lên đường. “Trong thời gian quân ngũ, tôi sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, trau dồi thêm nhiều kiến thức để làm hành trang sau này. Tôi cũng hy vọng trong môi trường quân đội có thể phát huy sở trường, nấu thật nhiều món ăn ngon cho đồng đội”-Đăng trải lòng.
Nhanh gọn, chặt chẽ
Lễ giao-nhận quân năm 2020 sẽ được tổ chức đồng loạt tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố vào sáng 10-2. Có 2.251 thanh niên sẽ lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tại các đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sư đoàn 2, Sư đoàn 315 (Quân khu 5).
|
Trước tình hình dịch nCoV diễn biến phức tạp, công tác giao nhận quân năm 2020 tại các địa phương cũng đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn đảm bảo chỉ tiêu cũng như chất lượng quân. Ông Hoàng Văn Hưng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) thông tin: “Thay vì tổ chức đêm hội trại tòng quân với các tiết mục giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại như mọi năm, năm nay, Ban Chỉ huy tham mưu cho địa phương chỉ tổ chức gặp mặt, tặng quà, động viên 24 thanh niên trước lúc lên đường. Trước đó, chúng tôi cũng tiến hành tuyên truyền lưu động đến quần chúng nhân dân về công tác phòng-chống dịch, tổ chức phun thuốc khử trùng tại hội trường nơi diễn ra buổi lễ gặp mặt và tổ chức cấp phát khẩu trang miễn phí cho thanh niên”.
Về phía huyện Chư Prông, ông Đinh Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng-chống dịch nCoV đến người dân; tuyên truyền, hướng dẫn thanh niên có lệnh gọi nhập ngũ không tụ tập nơi đông người và không đi xa khỏi địa bàn. Để đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng thanh niên, trước khi diễn ra lễ giao nhận quân, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế các xã, thị trấn kiểm tra nhanh thân nhiệt của thanh niên nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp không đảm bảo sức khỏe hoặc có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh để thay thế.
Nói về công tác tổ chức lễ giao nhận quân, Thượng tá Lã Thế Anh-Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku-cho hay: Buổi lễ giao nhận quân được tổ chức tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố chứ không phải Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh và sẽ không có chương trình văn nghệ chào mừng, không rước đuốc truyền thống, thanh niên cũng không đi qua cầu vinh quang. Buổi lễ sẽ được rút ngắn với các hoạt động: thông báo chương trình, báo cáo cấp trên, chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; công bố quyết định chỉ tiêu giao quân; lãnh đạo chính quyền địa phương và đại diện công dân nhập ngũ phát biểu; tiến hành giao nhận quân kết hợp tặng hoa hoặc tặng quà cho thanh niên.
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Xuân Giáp-Phó Tham mưu trưởng phụ trách lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Để đảm bảo phòng-chống và không để sót, lọt trường hợp nhiễm nCoV vào các đơn vị trước, trong và sau lễ giao nhận quân năm 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp nắm chắc số lượng, chất lượng công dân nhập ngũ theo chỉ tiêu được giao; thường xuyên theo dõi diễn biến hàng ngày, cập nhật, báo cáo Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự tỉnh và Ban chỉ đạo phòng-chống dịch nCoV các cấp. “Lễ giao nhận quân năm 2020 sẽ được tiến hành nhanh gọn, chặt chẽ và thời gian không quá 25 phút. Riêng với các đơn vị nhận quân sẽ phối hợp với cơ quan quân sự nắm chắc nguồn công dân nhập ngũ của địa phương, cử đội ngũ đúng thành phần, có kinh nghiệm và chuẩn bị đủ phương tiện vận chuyển sau khi nhận quân, nhanh chóng đưa quân về các đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
ANH HUY