Thời sự - Bình luận

Thiên tai và nhân tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơn bão số 3 tàn khốc đi qua và mưa lũ sau đó đã kéo theo tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương, từ phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh đến các tỉnh miền Trung. Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra ở ĐBSCL.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do thiên tai, thời tiết cực đoan. Khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã xảy ra mưa lớn kéo dài với lượng mưa cao hơn 40%-60% so với trung bình nhiều năm. Mưa lớn trong thời gian ngắn làm tăng trọng lượng và giảm độ bám dính của đất, dẫn đến sạt lở ở nhiều nơi.

Góp sức cùng thiên tai chính là nhân tai. Phát triển đô thị, xây dựng các khu dân cư, nhà ở không đúng quy hoạch, các công trình hạ tầng giao thông tại những khu vực có địa hình dốc mà không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật làm cho cấu trúc địa chất trở nên mong manh, tăng nguy cơ sạt lở. Việc khai thác rừng, khai thác cát - mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - với cường độ cao cũng gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng...

Khi thiên tai và nhân tai cùng tác động trên diện rộng, ở nhiều vùng miền thì rõ ràng đã có sự mất cân bằng trên toàn hệ thống, cần được tiếp cận và giải quyết theo hệ thống chứ không thể làm riêng lẻ.

Để ứng phó với nguy cơ sạt lở và lũ quét ngày càng khốc liệt, rất cần tư duy chủ động với yêu cầu phối hợp liên ngành, chỉ huy thống nhất. Cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng miền, tiểu vùng, địa phương và ngành. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ bảo vệ, phục hồi và phát triển diện tích rừng, bố trí dân cư, đến nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai. Về công nghệ, cần xây dựng bản đồ cảnh báo, lắp đặt hệ thống trạm quan trắc cố định, dùng flycam, drone... cùng các giải pháp khác tại điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai cao.

Phòng chống thiên tai, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển; là tiêu chuẩn trách nhiệm cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. Khoa học - công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy để thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.

Mặt khác, không thể thiếu các giải pháp phi công trình. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Thay vào đó, bài toán cân bằng tổng thể, cân bằng chi phí - lợi ích cần được đặt ra trước tiên.

Song song đó là tăng cường liên kết vùng, liên vùng, cùng hành động thì mới thích ứng được với những biến đổi của tự nhiên và xã hội. Cần đổi mới hoạt động điều phối vùng thông qua thể chế, cơ chế mạnh hơn với mục tiêu thiết lập, vận hành thể chế vùng có tính đại diện và trách nhiệm.

Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất là một thách thức lớn mà Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt. Thực tế này không chỉ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trung ương với chính quyền địa phương, mà còn cần tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia của cộng đồng dân cư gắn liền lợi ích với trách nhiệm của họ.

Theo TS TRẦN HỮU HIỆP (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm