Thổi hồn vào gốc cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ những gốc cà phê sau khi nhổ bỏ, anh Nguyễn Quyết Thắng (thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã khéo léo tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, giàu tính nghệ thuật, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Rẽ hướng vì đam mê
Đến thăm nhà anh Thắng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những chiếc đèn ngủ, đồng hồ, tranh tường… giàu tính nghệ thuật trưng bày ở một góc nhà. Nếu không được anh Thắng chia sẻ, chúng tôi sẽ không thể biết chúng được làm từ gốc cà phê bỏ đi. “Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thể dục thể thao Trường Đại học Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh), tôi xin dạy hợp đồng tại một số trường học trên địa bàn huyện Ia Grai. Tuy nhiên, công việc không ổn định. Năm 2016, tình cờ thấy video về các sản phẩm làm từ keo epoxy resin trên Youtube, tôi thích thú và để tâm nghiên cứu làm ra sản phẩm từ những gốc cà phê có sẵn”-anh Thắng tâm sự.
Qua tìm hiểu, anh Thắng được biết: Ở nước ngoài, những sản phẩm làm từ keo epoxy resin rất thông dụng, trong khi ở Việt Nam thì mới mẻ và giá thành khá cao. Anh Thắng đã tìm mua loại keo epoxy resin ở TP. Hồ Chí Minh và học hỏi cách sử dụng. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm là cả một quá trình đầy thử thách. Thời gian đầu, do chưa biết cách dùng màu, pha keo nên nhiều sản phẩm lỗi phải vứt bỏ. Mày mò khổ luyện trong hơn 4 tháng trời, anh Thắng mới hoàn thiện một chiếc đồng hồ cỡ nhỏ. Tuy chưa đẹp như ý muốn nhưng đó là động lực để chàng trai 9X tiếp tục theo đuổi đam mê. 
Anh Nguyễn Quyết Thắng (bìa phải) giới thiệu sản phẩm được làm từ gốc cà phê với đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Thủy Bình
Anh chọn những gốc cà phê trên 40 năm tuổi có nhiều kiểu dáng, khối u sần sùi để làm ra nhiều sản phẩm lạ mắt, giàu tính nghệ thuật. Vì vậy, khi biết vườn rẫy nhà ai tái canh cà phê, anh Thắng tìm đến mua lại gốc cây chặt bỏ về dự trữ. Nói về quy trình để tạo ra sản phẩm đẹp mắt, anh Thắng cho biết: “Người chế tác nhìn vào thế, dáng của từng gốc cà phê để làm những sản phẩm phù hợp. Để có một sản phẩm hoàn hảo, từng công đoạn đều phải được thực hiện cẩn thận, khéo léo. Nếu sai một chi tiết nhỏ có khi phải bỏ đi cả tác phẩm”.
Theo anh Thắng, bước đầu tiên là phải sơ chế phôi gỗ. Những phần gỗ thừa được cắt bỏ và chà nhám làm sạch. Phôi gỗ sau đó được quét 1 lớp keo epoxy resin mỏng tránh sinh bọt khí. Tùy từng sản phẩm mà anh Thắng pha chế màu cho phù hợp; dùng máy hút chân không để kiểm soát bọt khí trong keo. Sau đó, xếp phôi gỗ vào khuôn rồi đổ keo epoxy resin xung quanh. Để chừng 30 đến 48 giờ đồng hồ thì lấy ra cắt gọt tạo hình sản phẩm, không được để quá thời gian vì khi đó keo epoxy resin bị khô cứng sẽ không thể tạo hình theo ý muốn.  
Xuất khẩu đồ mỹ nghệ
Để tạo ra những sản phẩm giàu tính nghệ thuật từ gốc cà phê và keo epoxy resin, người chế tác phải có óc sáng tạo, gu thẩm mỹ và tay nghề cao. Thời gian hoàn thành tùy vào độ khó của sản phẩm, có sản phẩm chỉ mất vài ngày, nhưng cũng có sản phẩm phải mất hàng tuần. Do làm thủ công nên mỗi sản phẩm đều mang nét độc đáo riêng, giá cả dao động từ vài trăm ngàn cho đến vài chục triệu đồng.
Sau 5 năm gắn bó với nghề, anh Thắng đã chế tác được những sản phẩm tinh xảo như: bình hoa, đèn ngủ, tranh tường, bàn trà, trang sức… mang đến hiệu ứng thị giác thú vị cho người xem. Hiện tại, sản phẩm mỹ nghệ của anh Thắng chủ yếu cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các nước: Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... Khách hàng Nguyễn Văn Vững (thôn 1, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Từ những gốc cà phê già cỗi, anh Thắng đã khéo léo, sáng tạo ra những sản phẩm trang trí nội thất tinh tế, độc đáo. Tôi mua khá nhiều sản phẩm chỗ anh Thắng để trang trí trong nhà và tặng người thân”.
Đồ mỹ nghệ từ gốc cà phê và keo epoxy resin do anh Nguyễn Quyết Thắng chế tác. Ảnh: Thủy Bình
Mỗi tháng, anh Thắng tạo ra khoảng 100 sản phẩm, thu về từ 25 đến 30 triệu đồng. Anh đang tạo việc làm cho 2 nhân công với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Những năm qua, xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của anh Thắng nhận khá nhiều đơn hàng, đặc biệt vào dịp Tết. Tuy nhiên, thay vì chạy theo số lượng, anh Thắng tập trung vào chất lượng. Anh trải lòng: “Sau 5 năm gắn bó, tôi đã tự tin với tay nghề của mình. Lúc đầu, tôi đến với nghề này hoàn toàn tình cờ, nhưng nay đã đam mê thật sự. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tôi không ngại chia sẻ niềm đam mê, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu học và chung niềm đam mê”.  
Anh Trương Nguyên Cang-Bí thư Đoàn xã Ia Tô-nhận xét: Đồ mỹ nghệ từ gốc cà phê và keo epoxy resin của anh Thắng mang tính sáng tạo, độc, lạ. Đoàn xã ủng hộ dự định mở lớp dạy nghề của anh Thắng và sẽ hỗ trợ anh vận động thanh niên địa phương đến học, qua đó, góp phần giải quyết việc làm trong đoàn viên, thanh niên.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm