Thời sự - Bình luận

Thông điệp gì từ thương vụ 2 tấn cà phê có giá 700 triệu đồng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh, Thành phố Hồ Chí Minh, vừa chi 700 triệu đồng để mua 2 tấn cà phê nhân Robusta đạt giải Vietnam Amazing Cup 2023 ở Đắk Lắk. Đây là giá mua "gây sốc" thị trường, bởi giá một tấn cà phê nhân, hiện nay chỉ bán được giá xấp xỉ 50 triệu đồng.

Đơn vị bán là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco Daklak). Hình thức bán là Simexco Daklak phối hợp với Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tổ chức phiên đấu giá. Lô hàng là cà phê đặc sản, vừa đạt giải tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam - Vietnam Amazing Cup” năm 2023.

Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh ở TP Hồ Chí Minh đã trúng đấu giá 2 tấn cà phê Robusta, với giá mua 700 triệu đồng. Đây cũng là giá bán kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay đối với một lô hàng cà phê nhân tại Tây Nguyên. Bởi trung bình giá bán cà phê nhân hiện nay chỉ xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn.

Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh đã chi 700 triệu đồng, mua 2 tấn cà phê nhân Robusta đạt giải Vietnam Amazing Cup 2023. Ảnh: Bảo Lâm

Người mua lô hàng giá kỷ lục - ông Phạm Thanh Hiền, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh cho biết, lý do sẵn sàng chi "phóng tay" là vì lô hàng này được chế biến sạch, thân thiện với môi trường và rất tốt cho sức khỏe người dùng.

Đây cũng là thông điệp mà đơn vị muốn nhắn nhủ đến người nông dân, hãy sản xuất cà phê sạch, bảo đảm các tiêu chí, yêu cầu khắt khe về chất lượng từ thị trường. Khi cà phê có giá cao, người nông dân chắc chắn sẽ được cải thiện thu nhập và quan trọng hơn là giữ gìn, phát huy nghề truyền thống ở trên cao nguyên.

Với việc bán cà phê được giá cao như vậy, không chỉ Simexco Daklak hưởng lợi, mà các nông hộ trực tiếp trồng cà phê sạch này được một lợi nhuận "không tưởng". Nếu như có nhiều doanh nghiệp thu mua, sản xuất, phân phối cà phê sạch, nhiều nông hộ, nhiều vùng trồng cà phê đua nhau tạo ra nông sản sạch, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe con người... thì hẳn nhiên, lợi nhuận về kinh tế sẽ được nâng cao theo mức giá mua kỷ lục như lô "cà phê đặc sản" này.

Nhưng cái lợi lớn hơn, là từng người dân, doanh nghiệp, cộng đồng sẽ chung tay bảo vệ môi trường, cùng giúp nhau tạo ra những loại nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, sẽ góp phần thay đổi dần thói quen sản xuất, bớt dần việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thuốc diệt cỏ, trừ sâu...

Nếu sản xuất sạch theo phương thức của những hạt "cà phê đặc sản Việt Nam 2023" vừa bán được giá này, thì không chỉ người dân được tăng thu nhập, sản phẩm an toàn, mà đất đai thổ nhưỡng sẽ bớt đi vấn nạn bị đầu độc. Các lô hàng nông sản xuất khẩu, sẽ bớt đi cảnh phập phù, bởi "đi" đường tiểu ngạch, bị từ chối, bị trả lại. Sẽ bớt đi những giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân. Sẽ hết dần cảnh giải cứu nông sản.

Nếu sản xuất sạch, an toàn, thì không chỉ "cà phê đặc sản", mà hồ tiêu, ca cao, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, thanh long... Những nông sản của Việt Nam sẽ rộng đường vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Đặc biệt, uy tín về nông sản của Đắk Lắk, của Tây Nguyên, danh tiếng của Việt Nam sẽ dần được nâng cao, vươn xa. Tâm tính của người nông dân ở mọi miền quê sẽ được thay đổi, hướng thiện, nếu luôn chuyên tâm tạo ra các sản phẩm thân thiện, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường và lo cho an toàn sức khỏe của con người.

Có thể bạn quan tâm