Tình nguyện ở vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, người dân xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) vô cùng phấn khởi khi đón đoàn sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Quy Nhơn về sinh hoạt tại địa phương mình. Với phương châm “Cống hiến sức trẻ”, từng hoạt động, từng phần việc ý nghĩa của sinh viên tình nguyện đã mang một màu sắc mới đến từng thôn, làng trong xã.

  Các sinh viên tình nguyện đào hố rác cho bà con.                                  Ảnh: P.L
Các sinh viên tình nguyện đào hố rác cho bà con. Ảnh: P.L

Với khẩu hiệu “Sức trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” và chiến dịch mùa hè xanh “Ngọn lửa vùng cao năm 2017”, những chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh của Trường Đại học Quy Nhơn đã không ngại gian khổ, khó khăn để thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Theo đó, trong thời gian 10 ngày (từ ngày 5 đến 15-7), đoàn tình nguyện đã ra quân làm cỏ vườn cà phê, hồ tiêu, chanh dây cho bà con các làng Dung Rơ, Krai và Klót với diện tích hơn 3,5 ha; đào 11 hố rác tại các nhà rông, trường học; phát quang bụi rậm hai bên đường giao thông nông thôn được 9 km; khai thông 1 km cống thoát nước; san lấp ổ gà và các đoạn đường hư hỏng được 150 mét; dựng 10 trụ điện, trồng 60 cây xanh, dọn dẹp vệ sinh trường học, nhà rông, nhà văn hóa của 8 thôn, làng; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt hè cho thiếu nhi… Bên cạnh đó, đoàn tình nguyện còn tặng 8 phần quà cho gia đình chính sách, 20 phần quà cho trẻ em nghèo hiếu học, 200 đầu truyện tranh cho thiếu nhi…

Từ khi có sinh viên tình nguyện về làng, người dân vui mừng, phấn khởi vì nhiều con đường đã không còn lầy lội, sạt lở; những kênh mương được khơi thông sạch sẽ, trẻ em được tham gia nhiều hoạt động hè bổ ích… Bên cạnh đó, nhờ những hoạt động thiết thực của sinh viên mà thanh niên địa phương ý thức hơn trong công việc chung. Việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm. Bà Thai (làng Đal) cho biết: “Mình rất vui khi thấy các cháu sinh viên tình nguyện đến đây giúp làng. Bình thường các thanh niên ở làng không siêng làm, bây giờ đã có ý thức hơn và cùng các thanh niên tình nguyện làm công việc của làng. Mình mong có nhiều đoàn tình nguyện về giúp làng như thế này”.

Mặc dù thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để các sinh viên tình nguyện dành tình cảm với mảnh đất cao nguyên lộng gió. Đây sẽ là những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ nhất trong quãng đời sinh viên. Chia sẻ kỷ niệm về việc tham gia tình nguyện tại Gia Lai, bạn Đinh Cao Vũ-sinh viên năm 3, bộc bạch: “Tuy không thể hiểu hết những gì người dân nói, nhưng tình cảm dành cho nhau thì chúng em nhớ mãi. Gặp phải nhiều khó khăn về thời tiết nhưng chúng em đã nỗ lực trong từng công việc. Điều khiến em vui nhất là đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về giữ gìn và bảo vệ môi trường sống xung quanh”. Còn bạn Lê Thị Kim Thoa thì cho rằng: “Nếu có lần sau, em cũng muốn lên Gia Lai để tình nguyện. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng mọi người rất thân thiện”.

Đánh giá cao những kết quả đạt được từ những hoạt động tình nguyện, anh Nguyễn Văn Thành-Bí thư Đoàn xã Kon Gang, chia sẻ: “Chúng tôi rất hoan nghênh và chào đón sinh viên tình nguyện về tham gia hoạt động ở xã. Các bạn luôn hoạt bát, nhanh nhẹn, sẵn sàng đảm nhận công việc khó để giúp người dân. Những việc làm thiết thực của sinh viên tình nguyện đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đồng thời có tác động rất lớn đến ý thức người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Đoàn viên thanh niên ở xã sẽ giữ gìn và tiếp tục thực hiện thêm nhiều phần việc, hoạt động ý nghĩa hướng đến bà con”.

“Đi dân nhớ, ở dân thương” và ghi lại dấu ấn tuổi trẻ trên mỗi vùng miền của đất nước là mục tiêu mà lực lượng sinh viên tình nguyện Trường Đại học Quy Nhơn hướng tới. Và với những kết quả các sinh viên đã làm được, hình ảnh màu áo xanh tình nguyện sẽ luôn được bà con xã Kon Gang nhớ mãi.

 Phan Lài-Sơn Nguyên

Có thể bạn quan tâm