Trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, ngành Giáo dục triển khai nhiều phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các chương trình hoạt động tập thể hoặc kết hợp giáo dục kỹ năng sống trong từng môn học, từng đơn vị bài học. Vậy, kỹ năng sống là gì, kỹ năng sống cần thiết như thế nào đối với học sinh? Có rất nhiều câu trả lời nhưng với một giáo viên trực tiếp giảng dạy, tôi hiểu rằng: Kỹ năng sống cần được rèn luyện hàng ngày, tạo thói quen và có những bài học trải nghiệm mà gia đình là nền tảng cho những bài học đó. Và, phụ huynh chính là người thầy đầu tiên dạy kỹ năng sống cho con.

Chị Trần Vũ Thị Thanh Hoa (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) hướng dẫn con gái kỹ năng tự xếp quần áo của mình và em gái. Ảnh: Mộc Trà

Một phụ huynh kể với tôi chuyện một lần có người cháu họ ra nhà chơi. Chị bảo: “Cháu ra lấy cái chậu nhựa ở ngoài sân vào đây ngồi nhặt rau với dì”. Người cháu vâng lời, ra sân mang cái chậu nhựa vào, rồi ngồi ngay lên cái chậu. Thì ra, cậu chàng mới chỉ nghe loáng thoáng lời dì “mang cái chậu vào ngồi” và ở nhà, chưa từng giúp mẹ nhặt rau. Lại có phụ huynh phàn nàn, nhiều khi chị muốn hướng dẫn con làm việc nhà, cũng là một cách để rèn kỹ năng sống. Tuy nhiên, con có phần chểnh mảng, không mấy lưu tâm đến sự chỉ bày của mẹ.

Cá nhân tôi cho rằng, trường hợp học sinh ở câu chuyện thứ nhất là do phụ huynh không cùng con chia sẻ công việc gia đình. Còn trường hợp thứ 2 là cha mẹ đồng hành nhưng con không hợp tác. Cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, có nguyên nhân các em nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại mà quên đi việc thực tế. Việc mà phụ huynh cần làm đối với con em mình là đưa ra những quy định tối thiểu trong việc sử dụng điện thoại như: thời gian bao lâu, tra cứu/đọc/xem những thông tin gì; đồng thời có những yêu cầu cụ thể trong việc giúp đỡ cha mẹ việc nhà, có kiểm tra, đánh giá, động viên, khen thưởng, phê bình... Bên cạnh đó, phụ huynh cho con tham gia các trò chơi và những hoạt động rèn luyện thể chất. Những sinh hoạt lành mạnh ấy giúp các con tự rèn cho mình những kỹ năng cần thiết.

Hy vọng với những nỗ lực đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng sự vào cuộc của các bậc phụ huynh, bằng tình yêu thương của cha mẹ và bằng những lý thuyết nghiên cứu chương trình giáo dục, các em học sinh thời đại 4.0 sẽ trưởng thành bằng cả kỹ năng truyền thống và tư duy hiện đại.

 

 THUẬN ÁNH

Có thể bạn quan tâm