Trẻ trung, năng động, dám nghĩ dám làm là những điều dễ thấy ở nhóm bạn trẻ Ê Ðê trí thức này. Họ trở về buôn làng, áp dụng kiến thức tiếp thu từ các trường đại học để tạo nên những khu vườn rẫy kiểu mẫu, giá trị cao
Bỏ lối canh tác lạc hậu
Chúng tôi theo chân nhóm bạn trẻ Ê Ðê đến thăm vườn cây 3 trong 1 (gồm cà phê, tiêu, bơ) của anh Y Thuyl Niê (SN 1992, buôn Ayun, xã Cư Pơng, huyện Krông Púk, Ðắk Lắk) đúng mùa hoa trái nặng trĩu, ai nhìn cũng trầm trồ “đã mắt”.
Y Thuyl bảo để có vườn cây xanh tốt như ngày hôm nay là cả quá trình anh nỗ lực để thay đổi tư duy canh tác lạc hậu của người thân trong gia đình. Năm 2010, nhà anh tái canh 7 sào cà phê. Y Thuyl khuyên gia đình trồng giống cà ghép thay vì “trung thành” với giống thực sinh còi cọc, kém phát triển. Tuy nhiên, vốn kiến thức học được từ ngành khuyến nông của anh chưa đủ sức thuyết phục gia đình. Hơn nữa, với người dân trong buôn làng, mọi lý thuyết suông đều vô nghĩa, chỉ có mắt thấy, tay sờ mới tin.
Y Thuyl chứng minh lời nói của mình bằng cách lén nhổ đi những cây cà phê xấu trong vườn để trồng giống ghép thử nghiệm. Anh tham gia hội nông dân trên mạng để trau dồi kiến thức nông nghiệp. Thấy vườn cây nào đẹp, anh tìm đến tận nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm về áp dụng. Anh hạn chế sạt cỏ, trồng xen hồ tiêu, bơ vào vườn vừa tạo bóng mát cho cà phê vừa tăng thêm thu nhập. Cách làm khác người của anh tiếp tục bị gia đình phản đối quyết liệt.
Y Thuyl (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê. Ảnh: H.T. |
Lên phố làm thuê cho vườn ươm cây giống, Y Thuyl nhận ra nhu cầu giống cây cà phê rất lớn, bản thân lại biết kỹ thuật nhân giống nên anh trở về nhà, vay vốn mở vườn ươm. Năm 2016, Y Thuyl bắt đầu sản xuất giống cây. Ban đầu vốn ít, anh làm khoảng 6.000 cây giống; 2017 tăng lên 12.000 và 2018 là 48.000 cây giống. Anh chủ yếu nhân giống cây ghép từ gốc cà phê mít với ngọn cà phê vối TR4 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Tây Nguyên, cây sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Vừa bán giống, anh vừa tận tình hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, thậm chí đến tận vườn của khách hàng để theo dõi cây sinh trưởng.
Kết nối, chia sẻ kinh nghiệm
Anh Y Thiên Adrơng (SN 1989, huyện Ea H’leo, Ðắk Lắk) là người đưa ra ý tưởng tập hợp thanh niên Ê Ðê “trở về với nông nghiệp”. Y Thiên là cử nhân kinh tế, từng đi trải nghiệm nông nghiệp tại Isreal. Tận thấy đất nước sa mạc quanh năm xanh tươi hoa lá, vừa cung cấp sản phẩm dồi dào cho nội địa, vừa xuất đi các nước châu Âu, châu Mỹ, anh suy ngẫm: Tây Nguyên đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ , sao buôn làng vẫn bị cái nghèo cái khổ đeo bám ? Ðể thay đổi tư duy, phương thức truyền thống của đồng bào bằng cách làm nông nghiệp hiện đại, bền vững, Y Thiên đã kết nối được 20 thanh niên người Ê Ðê từng học cao đẳng, đại học, làm ở nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có chung đam mê nông nghiệp để các thành viên chia sẻ cho nhau kiến thức, kinh nghiệm làm nông.
Trong nhóm, Y Thuyl có thế mạnh về khuyến nông sẽ giúp nhóm tìm hiểu kỹ thuật nhân giống, chăm sóc cây trồng. Theo Y Thuyl, giống cây là yếu tố quan trọng hàng đầu, nếu trồng phải giống kém chất lượng sẽ vừa tốn tiền, thời gian và công sức vun trồng.
Anh Y Vương Êban (SN 1989, huyện Krông Ana) học chuyên ngành nông lâm, hiện làm nhân viên thị trường trong lĩnh vực phân bón. Ði nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều vườn cây khác nhau, Y Vương đúc kết: Ðất đai, khí hậu mỗi nơi khác nhau, không thể bón theo kiểu rập khuôn mà phải linh hoạt tùy nơi cho phù hợp. Nhà nông nên ưu tiên dùng phân bón hữu cơ giúp cây trồng phát triển cân đối, ổn định, tăng chất lượng nông sản.
Anh Y Thiên cho biết thời gian tới sẽ tổ chức nhiều buổi tham quan mô hình vườn trại năng suất cao, hy vọng sẽ thu hút được nhiều thanh niên Ê Ðê tham gia học hỏi để về làm kinh tế tốt hơn. Anh Y Thiên tin rằng sẽ có nhiều gương điển hình làm giàu thành công, vượt qua rào cản gia đình, trở thành những kỹ sư của buôn làng, như Y Thuyl
Tiếng lành đồn xa, giống cà phê do chính tay Y Thuyl ghép đã “phủ sóng” nhiều buôn làng Tây Nguyên. Y Thuyl tâm sự: “Thuyết phục người lớn thay đổi cách trồng truyền thống khó lắm. Khi nào tận mắt thấy họ mới tin, chứ nói suông không được đâu. Nếu mình không kiên quyết đổi mới cách làm thì gia đình, buôn làng mình vẫn mãi lạc hậu”.
|
Huỳnh Thúy (TP)