Thời sự - Bình luận

Truyền thông góp phần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 3 vừa qua, chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2023-Get on Hanoi 2023” với chủ đề “Hà Nội-Đến để yêu” đã khởi động chuỗi 50 sự kiện du lịch tổ chức tại Thủ đô trong năm. Trong đó, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 đã tăng cường truyền thông các điểm đến di sản của đất Hà thành, kết nối với nhiều tỉnh, thành khác đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, góp phần làm phong phú cho du lịch Thủ đô.

Nhờ đó, sự kiện này thu hút hơn 50 ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến Hà Nội chỉ trong 3 ngày và đón hơn 2 triệu lượt du khách trong tháng 3, đạt 5,88 triệu lượt trong quý I-2023 (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Đó chính là minh chứng rõ nét của hoạt động truyền thông quảng bá, xúc tiến và đầu tư sản phẩm hiệu quả.

Phóng viên Báo Gia Lai phỏng vấn du khách đến thưởng thức Chương trình trình diễn nghệ thuật thổ cẩm “Gia Lai ơi”. Ảnh: Phương Vi

Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong tất cả các lĩnh vực. Nhất là khi công nghệ số toàn cầu đang phát triển như vũ bão, nhiều phương tiện truyền thông mới cũng ra đời. Đất nước, con người, văn hóa, các điểm du lịch của Việt Nam được đông đảo du khách quốc tế biết đến và yêu mến có đóng góp không nhỏ của truyền thông.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Thanh Bình-nguyên Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại (Học viện Ngoại giao) cho rằng: Các hình thức truyền thông không chỉ trở thành phương tiện chính để cung cấp thông tin và kiến thức mà còn tạo ra các khuôn khổ thiết yếu để lưu trữ, tăng cường đối thoại và giao lưu giữa các nền văn hóa. Phương tiện truyền thông mới ngày càng dễ tiếp cận vượt qua giới hạn về không gian, thời gian, góp phần làm đa dạng các kênh giao tiếp của công chúng, cung cấp các loại thông tin và giải trí hấp dẫn, thu hút nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ trên thế giới với các trang và công cụ như: blog, website, fanpage, email, Skype, Facebook, Zalo, YouTube… có khả năng chia sẻ thông tin thuận tiện, nhanh chóng.

Quả vậy, chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi” do UBND tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Việt Mốt (Vietmode) tổ chức ngày 28-10 vừa qua đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về vùng đất, con người và nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Jrai, Bahnar như dệt vải, đan lát, tạc tượng, cồng chiêng… Trước đó, sự kiện này đã được truyền thông một cách bài bản, rộng rãi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng cho đến nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube, TikTok…). Thông qua hình ảnh, video, âm nhạc... những gì đặc sắc nhất, nổi trội nhất của chương trình đã được giới thiệu, quảng bá, tạo sự tò mò, thu hút người dân và du khách đến thưởng thức đêm nghệ thuật.

Dư âm của sự kiện này vẫn còn hiện hữu đến cả tuần sau khi kết thúc. Hình ảnh, video về “Gia Lai ơi” được chia sẻ, đăng tải rầm rộ trên khắp các fanpage, trang cá nhân của người dân khiến Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung như được “hâm nóng”, hấp dẫn bạn bè khắp đất nước. Đáng chú ý, đây chính là sự kiện mang tính truyền thông hiệu quả, mở đầu cho chuỗi hoạt động diễn ra trong Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 từ ngày 11 đến 19-11. Hiện tại, các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh, báo chí địa phương cũng như ngành Văn hóa-Du lịch và Thể thao, các đơn vị truyền thông đang tích cực tuyên truyền, quảng bá cho chuỗi sự kiện đáng đón đợi nhất trong năm. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị đều nỗ lực tận dụng triệt để sức lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội nhằm quảng bá văn hóa, điểm đến của tỉnh.

Ngoài thực hiện tin, bài, ảnh, clip trước, trong và sau các hoạt động, Báo Gia Lai cũng tích cực quảng bá Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 bằng các loại hình báo chí khác như: Infographic, Emagazine, tăng cường giới thiệu nội dung các sự kiện trên các nền tảng mạng xã hội của đơn vị. Đặc biệt, Báo Gia Lai sẽ livestream lễ khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 và Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh trên fanpage vào lúc 20 giờ 10 phút ngày 11-11.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra tại Hà Nội ngày 22-8-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa gồm các giá trị vật thể, phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên “thương hiệu” cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới”.

Và để tạo thương hiệu cho quốc gia như lời của Tổng Bí thư, không chỉ các cơ quan báo chí mà mỗi người dân phải là một “đại sứ” truyền thông, làm chủ công nghệ, sử dụng hiệu quả phương tiện truyền thông mới trong việc nâng cao vốn văn hóa, bồi đắp những hệ giá trị tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao sức mạnh mềm của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm