Truyện tranh giáo dục giới tính cho trẻ em: Công trình nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Qua các phương tiện truyền thông, chúng em biết đến những câu chuyện đau lòng về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Chúng em muốn tạo ra một sản phẩm ý nghĩa, giúp các em nhỏ có đầy đủ kiến thức về giới tính cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại tình dục”-đó là chia sẻ của em Hồ Sỹ Huy (lớp 11A12, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) về truyện tranh giáo dục giới tính cho trẻ em (8-10 tuổi). Sản phẩm đã đạt giải nhì tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 9-2021.
Cùng sáng tác quyển truyện tranh giáo dục giới tính này với Huy còn có các em: Phan Nguyễn Gia Hân, Nguyễn Thị Phương Nga, Lê Ngọc Phương Thảo (đều học lớp 11A12, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm). Theo các thành viên trong nhóm, các nước phát triển đều chú trọng giáo dục giới tính cho con trẻ từ rất sớm. Nhờ vậy, trẻ em có kiến thức, kỹ năng để tránh xa những hiểm họa. Ở Việt Nam, các bài học về giới tính cũng đã được đưa vào chương trình giáo dục cấp tiểu học nhưng chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết, chưa giúp các em nhỏ hiểu thấu đáo một số vấn đề về giới tính để bảo vệ chính mình. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi quan niệm cũ, khi trẻ có những câu hỏi tò mò về giới tính, sinh sản, cha mẹ thường cảm thấy khó nói, lúng túng.
Để đánh giá mức độ hiểu biết về vấn đề giới tính của trẻ em, nhóm đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 300 em trong độ tuổi từ 8 đến 10 trên địa bàn huyện Chư Sê bằng phiếu điều tra. Kết quả, chỉ có khoảng 30-40% trẻ em trả lời được các câu hỏi về giáo dục giới tính. “Qua khảo sát, chúng em thấy các em nhỏ còn thiếu nhiều kiến thức về giới tính và kỹ năng bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại. Nhiều em còn có những câu trả lời rất ngây ngô như “Em được sinh ra từ một quả trứng”, “Con gái khác con trai ở chỗ để tóc dài”… chứng tỏ nhận thức của trẻ em về giới tính còn hạn chế”-em Phan Nguyễn Gia Hân chia sẻ.
Em Lê Ngọc Phương Thảo (bìa trái) và Phan Nguyễn Gia Hân vẽ truyện tranh giáo dục giới tính cho trẻ em. Ảnh: Phan Lài
Dựa trên cơ sở khảo sát, nhóm tác giả đã nghĩ ngay đến việc giáo dục giới tính cho trẻ bằng truyện tranh với hình ảnh, màu sắc sống động và những từ ngữ dễ hiểu. Cấu trúc truyện tranh gồm 23 trang khổ A4 và chia thành 5 câu chuyện chính: “Tớ được sinh ra như thế nào nhỉ?”, “Con gái và con trai”, “Tuổi dậy thì là gì, thật kỳ lạ”, “Chúng mình hãy là những em bé sạch sẽ nhé”, “Chúng mình biết cách bảo vệ bản thân”. Truyện được thiết kế với các nhân vật, hình ảnh sinh động, các tình huống gần gũi với đời sống; nội dung được cụ thể hóa từng phần với câu từ đơn giản, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi 8-10.
Ngoài truyện tranh bằng tiếng Việt, nhóm tác giả còn làm một bản dành cho trẻ em người Jrai với trang phục, hình ảnh đặc trưng của người địa phương và nhờ một thầy giáo dịch sang tiếng Jrai. Em Lê Ngọc Phương Thảo chia sẻ: “Truyện tranh này do chúng em tự thiết kế, lên ý tưởng sao cho nội dung hấp dẫn mà vẫn cung cấp đầy đủ kiến thức. Sau khi hoàn thành, chúng em nhờ cô Đặng Thị Lan Hương (giáo viên Sinh học) và cô Đặng Thị Hồng Uyên (giáo viên Ngữ văn) chỉnh sửa nội dung, kiến thức sao cho chính xác, khoa học”.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 9-2021: “Chúng tôi khá bất ngờ khi ở lứa tuổi học sinh, các em đã thực hiện những mô hình, sản phẩm hết sức nhân văn. Sản phẩm hướng tới trẻ em trong độ tuổi 8-10, cung cấp những kiến thức trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, hướng dẫn những kỹ năng để phòng-chống xâm hại tình dục cho trẻ”.
Sau khi truyện tranh hoàn thành, nhóm tác giả tiếp tục khảo sát đối với 300 em thiếu nhi. Đa số các em đều tỏ ra thích thú với nội dung và hình ảnh, khoảng 61% hiểu được những kiến thức cơ bản về giới tính, trả lời đúng khoảng 80% câu hỏi. Đồng thời, nhóm tác giả khảo sát ý kiến của các thầy-cô giáo ở bậc tiểu học và đều nhận được sự tán thành về nội dung, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Em Nguyễn Ngọc Nhã Vy (lớp 4, Trường Tiểu học Hùng Vương, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Lâu nay, em có nhiều thắc mắc về giới tính. Đọc cuốn truyện tranh này, em có thêm nhiều kiến thức, thông tin bổ ích. Em sẽ chia sẻ quyển truyện này để các bạn trong lớp hiểu hơn về giáo dục giới tính”.
Em Hồ Sỹ Huy (bìa trái) khảo sát sự hiểu biết về giới tính của các em thiếu nhi xã Dun, huyện Chư Sê (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Phan Lài
Cô Đặng Thị Lan Hương chia sẻ: “Hầu hết các bậc cha mẹ đều từng gặp những câu hỏi: Con được sinh ra từ đâu? Tại sao mẹ lại mang bầu? Tại sao con là con trai?… Đây là những câu hỏi rất tế nhị, việc giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của con trẻ không hề đơn giản. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với sản phẩm này của các em học sinh. Truyện ít chữ, hình vẽ sinh động giúp cha mẹ có câu trả lời hợp lý và thật dễ thương với trẻ nhỏ”.
“Truyện tranh giáo dục giới tính cho trẻ em” được nhóm tác giả lên ý tưởng từ cuối năm 2020 và hoàn thành vào tháng 4-2021. Vừa qua, sản phẩm đã đạt giải nhì tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 9-2021 và được chọn tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17. “Đây là lần đầu tiên nhóm chúng em tham gia cuộc thi. Đạt giải nhì và được tham gia cuộc thi cấp toàn quốc, chúng em rất bất ngờ, hạnh phúc. Qua sự góp ý của Hội đồng giám khảo, chúng em đã chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung để tham gia cuộc thi toàn quốc. Dù chưa biết kết quả như thế nào nhưng chúng em rất vui vì có thể lan tỏa ý nghĩa, mục đích của cuốn truyện tranh đến với mọi người”-em Hồ Sỹ Huy bày tỏ.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm