Tuổi trẻ hôm nay không bao giờ quên thế hệ cha anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho dù sinh ra vào giai đoạn trước hay sau ngày 30.4.1975 thì giới nghệ sĩ TPHCM  vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được sống trong một đất nước hòa bình và thống nhất. Vì vậy, nhiều nghệ sĩ đã tự nhắc mình không bao giờ quên một thế hệ cha anh đã ngã xuống để có được hòa bình như hôm nay.
Ca sĩ Sỹ Luân.
Hạnh phúc khi được sinh ra trong thời bình
Ca sĩ Kỳ Phương cho rằng, anh may mắn khi được sinh ra vào thời điểm đất nước vừa thống nhất, non sông thu về một mối. Là người có sở trường nhạc trẻ, nhưng anh vẫn thích hát và thích nghe những ca khúc sáng tác về quê hương đất nước về những người lính.
“Tôi nghĩ là mình đã may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong thời điểm hòa bình và thống nhất đất nước. Sự may mắn được nhân lên gấp bội khi tôi được phát triển sự nghiệp và trưởng thành ở TPHCM, cái nôi của nghệ thuật. Gia đình tôi là gia đình có truyền thống cách mạng, vì vậy tôi luôn ý thức với vai trò là nghệ sĩ thì phải sống tốt để xứng đáng với truyền thống gia đình, xứng đáng với những gì mà thế hệ ông cha đã hy sinh” - ca sĩ Kỳ Phương chia sẻ.
Theo ca sĩ Kỳ Phương, để có được những thành quả trong sự nghiệp ca hát như ngày hôm nay, bản thân anh luôn phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghệ thuật. Đất nước hòa bình, thống nhất đã làm anh có điều kiện để phát triển sự nghiệp và khẳng định bản thân nhiều hơn. Vì vậy,  mỗi khi hát những ca khúc nhạc truyền thống ca ngợi con người Việt Nam anh hùng, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi người lính anh cảm thấy rất đỗi tự hào.
Còn với diễn viên Trường Thịnh, anh sinh ra ở Quảng Trị vùng đất được xem là khói lửa của bom đạn trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Sinh ra và lớn lên sau thời điểm 1975, nên những hiểu biết về cuộc chiến tranh chỉ qua những trang sách và anh chưa cảm nhận hết những đau thương, mất mát mà thế hệ cha anh từng trải. Tuy nhiên, sau này khi tham gia đóng những bộ phim về cách mạng, trong đó có bộ phim “Võ Thị Sáu”, anh mới cảm nhận và thấu hiểu được nhiều hơn những đau thương của cuộc chiến. Từ đó, anh mới thấy hết được ý nghĩa của sự  hòa bình và thống nhất đất nước, mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày 30.4.
“Mình có được diễm phúc là không sinh ra trong thời mưa bom bão đạn, mà sinh ra trong thời bình khi non sông được nối liền, khi tổ quốc không còn tiếng súng. Ý thức được sự may mắn này, nên mình càng phải trân quý những chiến công mà cha ông để lại để mình có được sự bình yên như ngày hôm nay. Mỗi dịp 30.4 hằng năm cũng là dịp để một người hoạt động nghệ thuật như mình cần phải lắng đọng lại thời điểm lịch sử đấy, để luôn khắc ghi trong tâm trí làm hành trang mang theo trên bước đường nghệ thuật, nhất là những tác phẩm điện ảnh gắn liền với lịch sử của dân tộc” - diễn viên Trường Thịnh chia sẻ.
Không bao giờ quên thế hệ cha anh đã ngã xuống
Ca sĩ Sỹ Luân cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại TPHCM trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Vì vậy, bản thân anh cũng có tinh thần cách mạng, khi còn là học sinh đã thích học, tìm hiểu những kiến thức về chính trị và lịch sử của dân tộc.
“Là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, là người của công chúng tôi luôn có ý thức là phải biết hướng về cội nguồn, về lịch sử dân tộc. Vì vậy, ngoài những ca khúc chuyên về thị trường âm nhạc, thì tôi vẫn chọn cho mình những ca khúc truyền thống để phát triển sự nghiệp. Vừa là ca sĩ, nhạc sĩ và cũng vừa đảm nhận vị trí một giảng viên đại học nên tôi có điều kiện để truyền đạt về truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ “ - ca sĩ Sỹ Luân tự hào nói.
Theo ca sĩ Sỹ Luân, khi hát những ca khúc cách mạng và ca ngợi sự hy sinh của cha anh trong mỗi dịp lễ 30.4 luôn mang đến anh những cảm xúc không thể nào quên. Cảm xúc ấy càng dâng trào hơn, khi được sống và phát triển sự nghiệp ở TPHCM, một kinh đô nghệ thuật của cả nước và cũng chính là thành phố ghi dấu ấn lịch sử ngày 30.4.1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 
Ca sĩ Sỹ Luân chia sẻ: “Tôi có vinh dự được tham gia nhiều chương trình nghệ thuật mừng ngày thống nhất đất nước, những lần biểu diễn đấy cũng là những kỷ niệm không bao giờ quên. Khi đứng trên sân khấu hát về những ca khúc cách mạng, làm tôi thêm thấu hiểu những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu để đem lại hòa bình cho hôm nay. Vì vậy, tôi đã truyền cảm hứng này cho các bạn sinh viên, cho các bạn trẻ đừng quên thế hệ cha anh đã ngã xuống để cho chúng ta có cuộc sống hòa bình, ấm no như hôm nay”.
HUÂN CAO (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/tuoi-tre-hom-nay-khong-bao-gio-quen-the-he-cha-anh-801893.ldo

Có thể bạn quan tâm