Tuổi trẻ xã Gào trồng rừng gây quỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 15 năm trước, tuổi trẻ xã Gào (TP. Pleiku) đã cùng nhau trồng rừng gây quỹ. Mô hình trồng rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa phong trào thanh niên ngày một phát triển.

Năm 2005, Chi Đoàn làng A đã tận dụng quỹ đất trống cuối làng để trồng cây tràm gây quỹ. Do gặp thời tiết xấu, vườn tràm bị thiệt hại khi chưa đến thời điểm thu hoạch. Với số tiền 14 triệu đồng thu được từ vườn tràm, lúc đó, Chi Đoàn làng A quyết định chuyển sang trồng bạch đàn lai. Sau 3 năm, vườn bạch đàn lai hơn 1 ha cho thu hoạch gần 100 triệu đồng. Anh Siu Klêh phấn khởi chia sẻ: “Với số tiền này, Chi Đoàn đã mua 1 dàn âm thanh để phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ của đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, Chi Đoàn cho bà con dân làng thuê khi gia đình có tiệc cưới. Ngoài ra, Chi Đoàn còn mua được 1 bộ cồng chiêng trị giá 22 triệu đồng”.

 Đoàn viên, thanh niên xã Gào trồng rừng gây quỹ. Ảnh: Trần Dung
Đoàn viên, thanh niên xã Gào (TP. Pleiku) trồng rừng gây quỹ. Ảnh: Trần Dung


Từ thành công của Chi Đoàn làng A, một số chi Đoàn trong xã cũng đã triển khai mô hình ý nghĩa này. Năm 2010, Chi Đoàn thôn 4 tiến hành trồng cây bạch đàn lai trên diện tích 3 sào. Anh Hồ Duy Quang-Bí thư Chi Đoàn thôn 4-cho hay: “Cây bạch đàn lai không cần chăm sóc quá nhiều, trồng một lần có thể cho thu hoạch nhiều lần. Chi Đoàn đã huy động đoàn viên, thanh niên phát dọn bụi rậm, làm đất, đào hố để trồng cây; hàng tháng luân phiên chăm sóc. Sau 5 năm, vườn cây đã cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch bổ sung vào nguồn quỹ Đoàn hơn 30 triệu đồng”. Theo anh Quang, từ nguồn quỹ này, Chi Đoàn đã cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn theo hình thức xoay vòng. Cũng nhờ việc làm ý nghĩa này mà công tác tập hợp, thu hút đoàn viên, thanh niên của tổ chức Đoàn ngày một hiệu quả.

Trước đây, nguồn quỹ của các chi Đoàn cơ sở trong xã luôn trong tình trạng eo hẹp. Đối với một xã vùng ven thành phố còn nhiều khó khăn như xã Gào thì mô hình trồng rừng gây quỹ không chỉ giải quyết bài toán quỹ Đoàn mà còn thể hiện sự mạnh dạn, sáng tạo và hơn hết là tinh thần đoàn kết của đoàn viên, thanh niên. Anh Rơmah Mang-Bí thư Đoàn xã Gào-cho hay: “Hiện nay, Đoàn xã đang sở hữu gần 2 ha bạch đàn lai được trồng trên một số quỹ đất trống của xã. Đây là loại cây sinh trưởng tốt và cho thu nhập khá cao. Theo đó, tầm 5-7 năm sẽ cho thu 1 lần, mỗi lần khoảng hơn 100 triệu đồng”.

Những năm qua, nhờ cách gây quỹ phù hợp và hiệu quả, ngoài việc mua cồng chiêng và cho các thanh niên khó khăn vay vốn theo hình thức xoay vòng, Đoàn xã Gào còn triển khai nhiều chương trình, phần việc ý nghĩa dành cho cộng đồng như: làm nhà sàn truyền thống, xây nhà tình thương cho đoàn viên nghèo, tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn… “Nhờ có nguồn quỹ để hoạt động nên chất lượng sinh hoạt của các chi Đoàn được nâng cao, các phong trào của Đoàn ngày một sôi nổi, sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của đoàn viên, thanh niên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình này”-Bí thư Đoàn xã Gào thông tin thêm.

 

 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm