Ông Phệnh sống một mình, không vợ không con nhưng người xóm tôi vẫn nói vui rằng ông có một đứa con. "Đứa con" này là Vâu - con chó bị người ta vất ngoài chợ, tình cờ thấy ông đi qua nó lẵng nhẵng bám theo về nhà. Con Vâu ở với ông Phệnh hơn mười năm nhưng cái chứng ghẻ lở vẫn đeo đẳng. Nó ghẻ đến nỗi lông trên lưng trụi lủi, thay vào đó lớp da cóc cáy. Con Vâu xấu xí là vậy nhưng ông Phệnh cưng như trứng mỏng.
Ông Phệnh lầm lì, ít nói, cả ngày quần quật ngoài vườn, nghỉ tay là lại ôm con Vâu mà hôn hít. Trong xóm, người quý ông Phệnh nhất phải kể đến bà tôi. Bà thương ông cái nết hiền lành chăm chỉ. Nhắc tới ông Phệnh, bà có một câu muôn thuở: "Cái thằng hiền lành giỏi giang, đàn bà con gái làng này đứa nào có duyên gặp nó thì sướng một đời".
Lần nào nghe câu đó ông Phệnh cũng cười, mặt cặm xuống chân, vẻ ngại ngần. Ông biết mình xấu, gương mặt khó coi với một bên má lõm vào như cái hốc, khiến con mắt cũng bị kéo xuống để lộ con ngươi nhờ ố, lúc nào cũng như đang trợn trừng người khác. Một sự tàn nhẫn của số phận! Đã vậy, thân hình ông lại đen như củ súng, quanh năm chỉ hai bộ đồ vải thô bạc phếch, giặt xong phơi lên, có khi chưa khô đã lấy xuống mặc tiếp.
Bà tôi thấy ông Phệnh thui thủi một mình thì thương. Trong xóm có cô nào quá lứa chưa chồng, bà cũng mon men ướm hỏi cho ông. Xóm trên có cô Liếng, cô Dành; xóm dưới có cô Nhu, cô Thỏa. Ai cũng xấp xỉ bốn mươi, lại không xinh nhưng nghe bà tôi nhắc đến ông Phệnh, cô nào cô nấy ngúng nguẩy :"Ai mà ưng cái người kỳ dị đó, con ở vậy còn sướng hơn!". Bà tôi riết rồi cũng hết hy vọng kiếm cho ông Phệnh một cô vợ. Ông như hiểu, chỉ cười buồn khi nghe tin bà lại đánh tiếng nhắm nhe mối khác.
Minh họa: Hoàng Đặng |
Bà nấu gì ngon cũng múc một tô biểu tôi bưng qua cho ông Phệnh, khi tô canh khoai mỡ, lúc lại chén chè đậu đỏ. Có vài cái bánh bột mì chiên, bà cũng biểu tôi đem qua. Tôi thích được bà sai qua ông Phệnh để ngồi đong đưa trên cái võng coi ông nựng con Vâu. Ông gọi nó bằng con, xưng ba, cứ như cha con ruột.
… Ánh nắng xiên khoai đến tận hiên, ông tôi qua xóm bên đánh cờ vẫn chưa về. Tôi ngồi trên chiếc giường tre gãy vạt nhổ tóc sâu cho bà, vừa nhổ vừa trông chừng đàn gà mổ nong lúa trong sân. Bên kia, nhà ông Phệnh im ắng, ông đi đâu từ sớm. Bỗng cánh cổng tre ken két mở ra, ông Phệnh lao vào. Trên tay ông, một con vật lông xám rũ xuống, không rõ là con gì. Tôi chạy đến bên hàng rào nhón chân nhìn cho rõ. Thấy tôi, ông kêu lên: "Mau qua đây bác nhờ chút!".
Tôi qua đến nơi đã thấy con vật kia nằm thõng thượt trên cái sân gạch. Hóa ra đó là một con khỉ, hai chân sau bê bết máu, mắt nhắm nghiền, từ miệng nó phát ra tiếng ché ché yếu ớt. "Coi nhà có bông băng, đem qua cho bác!".
Tôi chạy về, đem qua cuộn băng còn sót lại của bà. Ông Phệnh lau rửa vết thương cho con khỉ. Lúc này tôi mới để ý sau lưng ông lấp ló một con khỉ nữa. "Con này bị sập bẫy heo rừng, còn con kia là bạn nó theo về tới đây, đuổi cách gì cũng không đi" - ông giải thích. Băng bó cho con khỉ xong, ông để nó nằm lên tấm áo cũ lót bên trong cái mủng. Con khỉ bạn lúc này mới mon men lại gần, sờ vào con kia, mắt rơm rớm. "Giờ bác tính sao?" - tôi hỏi. "Để nó ở đây, chừng nào lành thì đem hai đứa nó về rừng chứ sao giờ".
Con khỉ bạn mới đó đã dạn dĩ, chạy quanh sân ngó nghiêng rồi lại gần cào vào tay ông Phệnh như muốn cảm ơn. Tôi đến gần, nó lùi lại cảnh giác, chạy nấp sau cái lu đựng nước mưa.
Từ lúc thấy ông Phệnh đem con khỉ về, con Vâu gầm gừ chạy quanh vườn đánh dấu lãnh thổ. Ông thấy vậy biểu nó lại, thầm thì câu gì đó. Lập tức nó lại gần con khỉ bị thương, khẽ liếm láp như bày tỏ tình cảm.
"Con Vâu từ nay được làm anh rồi. Còn hai con khỉ bác đặt tên là gì?" - tôi hỏi. Ông Phệnh cắm cúi cưa mấy tấm ván đóng cho hai con khỉ cái nhà, ngẩng lên chỉ: "Con này sập bẫy gần bụi dủ dẻ, đặt tên Dủ, con kia tên Dẻ cho tiện". Nói rồi ông cười hả hả.
Từ ngày có Dủ và Dẻ, nhà ông Phệnh lúc nào cũng vui như Tết. Tụi con nít trong xóm rảnh lại kéo tới nhà ông coi Dủ, Dẻ làm trò. Chừng hai tuần, chân con Dủ đã lành, nó bắt đầu leo trèo khắp vườn. Buổi chiều, thấy tôi qua nhà, ông Phệnh vẫy lại: "Mai bác cho hai đứa về rừng, chân con Dủ lành rồi". "Để tụi nó ở đây đi bác" - tôi nài nỉ. "Tội nghiệp, chỗ của tụi nó là rừng" - ông cười buồn.
Ông Phệnh sửa soạn cho Dủ, Dẻ lên đường, trước khi đi còn lột hai trái chuối chín cho ăn. Tôi đứng nhìn theo bóng ông xa dần. Sau lưng ông, con Dẻ chạy nhảy thoăn thoắt. Con Dủ chân đã lành nhưng ông vẫn cho nó ngồi trong cái mủng đội đầu. Bên hiên, con Vâu nằm dài, miệng rúc vào hai chân buồn thiu.
Chiều tắt nắng, ông Phệnh trở về, dáng vẻ lầm lũi đi thẳng đến cái nhà gỗ của Dủ, Dẻ đứng bịn rịn một lúc rồi khiêng nó ra để ở góc vườn. Ông đứng nhìn cái nhà thiệt lâu rồi buồn bã quay vào.
Từ ngày Dủ, Dẻ về rừng, con Vâu buồn xo, đứng bên này nghe tôi gọi nó chẳng thèm ngẩng lên. Chiều muộn, ông Phệnh vẫn còn cặm cụi lát lại mấy tấm đanh bên giếng. Tôi ngồi vuốt ve con Vâu, thấy đuôi nó bỗng ngúc ngoắc, bất thần nó lao ra cổng sủa inh ỏi. Tôi chưa kịp nhìn ra đã thấy con Dẻ vào đến hiên, sau lưng nó, con Dủ nhúc nhắc đi như ông cụ.
Nghe tiếng tôi kêu tên Dủ, Dẻ, ông Phệnh đóng tấm đanh cuối cùng vội ngẩng lên, đứng sững nhìn hai đứa nhảy chồm chồm mừng vui. Thả rơi cái bay xuống đất, ông lao vào sân, mắt ngấn nước nhưng vẫn làm bộ nạt vài câu lấy lệ: "Về rừng mà ở đi! Bu chi mà bu quá chừng!".
Dủ, Dẻ ở cùng ông Phệnh bao nhiêu năm, tôi không còn nhớ nữa. Chỉ nhớ, một buổi chiều bà tôi đi về, hớt hải vo gạo bắc nồi cháo rồi quày quả qua nhà ông Phệnh, tay cầm theo chai dầu Nhị Thiên Đường.
Ông Phệnh đột ngột ngã bệnh, nằm chừng một tuần thì qua đời. Ông đi nhẹ nhàng nhưng cũng khiến cả xóm tôi thương xót. Bà tôi qua nhà nấu cho tô cháo, ông tôi xách nước tưới mấy luống rau. Con Vâu không rời ông Phệnh nửa bước, nó ngồi chầu hẫu nhìn ông thiêm thiếp trên tấm phản. Như linh cảm, Dủ, Dẻ cũng thôi leo trèo phá phách, ngồi bên hiên ngơ ngác nhìn mọi người xao xác vào ra.
Ông Phệnh trút hơi thở cuối cùng. Trước khi đi, ông gượng dậy vẫy con Vâu lại gần, run run xoa cái lưng gầy của nó. Dủ, Dẻ thấy vậy cũng lao tới. Ông Phệnh đưa bàn tay về phía tụi nó nhưng không kịp nữa rồi. Ông gục xuống.
Cả xóm đưa ông Phệnh ra đồng vào một buổi chiều cuối đông lạnh ngắt. Vâu và Dủ, Dẻ cũng lẳng lặng theo đoàn người cho đến khi nắm đất cuối cùng lấp lại.
Ông bà tôi ngày ngày qua lại coi sóc căn nhà của ông Phệnh, đợi người thân ông về sẽ giao lại cho họ. Mỗi bữa nấu cơm, bà tôi nấu dư ra một ít cho con Vâu. Trong vườn có trái cây chín, bà lại cất dành đem qua nuôi Dủ, Dẻ.
… Năm ngày rồi, con Vâu bỏ ăn, nó ngồi nhìn chén cơm bằng đôi mắt buồn bã, người gầy rộc đi. Đến ngày thứ sáu, bà tôi vẫn kiên trì đem cơm qua dỗ dành nhưng chẳng thấy nó đâu. Bà chạy quanh xóm tìm nó, gặp ai cũng hỏi nhưng tuyệt nhiên không ai biết con Vâu đi đâu về đâu.
Bên hiên, ông tôi thôi đốt thuốc, chầm chậm đứng lên khoác áo ra ngõ đi về phía đồng trên. Bên nấm mộ ông Phệnh còn tươi mới, con Vâu nằm đó mắt nhắm nghiền, thân hình lạnh ngắt từ bao giờ.
Nó đã chết.
Ông tôi chôn con Vâu bên bụi duối. Chỗ này nhìn xuống là cánh đồng, cách không xa nấm mộ của ông Phệnh. Bà tôi mỗi ngày vẫn vén hàng rào qua nhà, đem cho Dủ, Dẻ trái chuối, chén cơm. Ông tôi nhìn hai đứa, yên lặng không nói gì, chỉ nghe tiếng ông thở dài thật khẽ.
Chiều đã sậm, những tia nắng cuối cùng trong ngày xiên qua vòm lá xuống sân, vẽ thành những vệt sáng lay động khi gió lướt qua. Bên vườn, tiếng Dủ, Dẻ bỗng ché ché liên hồi. Ông bà tôi chạy qua đã thấy Dủ, Dẻ trèo lên cánh cổng tre, đầu cúi rạp xuống như chào tạm biệt. Ông bà chưa hiểu chuyện gì, Dủ, Dẻ đã chạy về hướng đồi trọc, nơi ngày trước ông Phệnh phát hiện thấy hai đứa và đem về nhà. Tôi nhìn theo bóng Dủ, Dẻ lúc này chỉ còn là hai đốm xám nhỏ xíu cho đến khi chúng mất hút vào màu xanh cây cỏ.
Ông Phệnh không còn nữa, con Vâu đã theo ông, Dủ, Dẻ cũng trở về rừng. Căn nhà ông Phệnh, ông bà tôi vẫn qua lại coi sóc nhưng từ bao giờ, khu vườn đã trở thành vườn hoang. Lạnh lẽo. Hoang tàn.
Bà tôi có thói quen mỗi ngày vẫn ra hàng rào đứng ngó mông lung. Ông tôi chiều chiều lại ra ngõ nhìn về đồi trọc khẽ thở dài. Tiếng thở ấm áp, nhẹ tênh như những buổi chiều nhìn qua hàng rào thấy ông Phệnh dọn cơm ra sân gạch. Bên cái mâm nhôm móp méo, ba đứa xúm xít quanh ông như ba đứa con thơ. Vừa ăn, ông vừa đút con Vâu một miếng rồi quay qua bên kia chia thức ăn đều ra cho Dủ, Dẻ...
Tiếng bà tôi đến hôm nay vẫn nồng ấm khi nhắc tới "nhà bên đó": "Ờ, rồi cuối cùng thằng Phệnh cũng có một gia đình".
Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO