Xót lòng phận mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mẹ mất mới được 4 tháng, cha và người chị cả lại cùng tử vong trong vụ tai nạn giữa xe tải và xe công nông tại địa phận thôn Đại An, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah đêm 27-11-2015 khiến chị em Rơ Châm Luyn rơi vào cảnh bơ vơ không nơi nương tựa.

Nhắc lại vụ tai nạn kinh hoàng năm ấy, những người làng Tơn Vơn 2 (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) vẫn còn ám ảnh. Vụ tai nạn khiến 5 người con của làng vĩnh viễn ra đi và nhiều người khác bị thương nặng.

 

Rơ Châm Nhung (thứ 2 từ phải qua) và Rơ Châm Nhạc (ngoài cùng bên phải) đã dần thích nghi với môi trường mới. Ảnh: N.N

Cha và chị cùng mất trong vụ tai nạn đó, khi 3 chị em Rơ Châm Luyn (SN 2007), Rơ Châm Nhạc (SN 2008) và Rơ Châm Nhung (SN 2009) vẫn còn đang say giấc nồng. Mãi sáng ra, các em mới biết chuyện khủng khiếp ấy…

Cha mẹ và người chị cả mất đi, lại thêm bà con dòng tộc đều nghèo nên 3 đứa trẻ bữa no, bữa đói. Trước hoàn cảnh thương tâm đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị gia đình cho các em đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh để được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Sau nhiều ngày đắn đo, suy nghĩ, bà nội của 3 em mới chấp nhận đề nghị này.

Đầu tháng 3-2016, 3 chị em Luyn được đón về Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Hơn một năm ở Trung tâm, các em đã kịp thích nghi với môi trường mới nhưng vẫn còn rụt rè, nhút nhát. Do việc học bị gián đoạn vì liên tiếp những thảm kịch xảy ra nên cả 3 chị em bắt đầu học lại cùng lớp 1 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Pleiku). Trong 3 chị em thì Rơ Châm Luyn học tiến bộ nhất và viết chữ rất đẹp (em đạt giải ba vở sạch chữ đẹp của trường trong năm học vừa qua).

Phải động viên mãi, Luyn mới đem tập vở ra cho tôi xem. Ẩn sâu trong đôi mắt trong veo của Luyn là nỗi buồn khôn tả. Trong suốt buổi trò chuyện, tôi không dám nhắc lại những việc đã qua và phải làm quen một lúc các em mới rụt rè trả lời một số câu hỏi. Từ ngày cha mẹ mất đi, Luyn gánh vác trách nhiệm chăm lo cho các em. Ở Trung tâm, Luyn giặt đồ, phụ cô chăm sóc, tắm rửa cho các em. Biết thân phận mồ côi của mình nên chị em Luyn luôn thương yêu và đùm bọc nhau lẫn nhau. Luyn cho biết: “Ở đây, chúng em rất vui, các cô đều thương 3 chị em. Chúng em được đi học và được quen nhiều bạn mới. Bà nội thỉnh thoảng cũng lên thăm và đón chúng em về thăm làng, thăm họ hàng…”.

Mấy hôm nay trở trời, cái chân của Luyn lại bị bệnh khớp hành hạ, sưng to, đi lại khó khăn. Các cô giáo đang tính nghỉ hè này sẽ đưa Luyn đi khám-chữa bệnh. Khi tôi hỏi về ước mơ sau này, cả Luyn, Nhạc và Nhung đều ngập ngừng. Câu hỏi đưa ra không có lời hồi đáp, chỉ có những ánh mắt buồn sâu thẳm đến tâm can. Có lẽ, nếu ước mơ có thật, các em sẽ mong muốn cha mẹ và người chị vẫn còn sống để gia đình đoàn tụ và các em không phải là trẻ mồ côi…

Cô Hồ Thị Lượng-nhân viên Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh Gia Lai, người trực tiếp chăm sóc cho chị em Luyn tại nhà chung cho biết: “Lúc mới vào đây, các cháu khóc miết và cũng rất rụt rè, nhút nhát. Biết hoàn cảnh thương tâm của các cháu, các cô thường xuyên quan tâm, động viên an ủi, trò chuyện và nắm bắt diễn biến tâm lý để kịp thời giúp đỡ… 3 chị em thương nhau lắm và cũng rất chăm. Các cháu biết phụ giúp các cô những việc vặt trong nhà, phụ cô làm bếp, dọn vệ sinh. Vài tháng gần đây, các cháu dần thích nghi với môi trường mới nhưng khi gặp người lạ thì vẫn còn nhút nhát lắm”.

“Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh Gia Lai hiện nuôi dưỡng 90 cháu mồ côi, trẻ tàn tật, 48 cụ già neo đơn, tàn tật và 2 người lang thang. Riêng với các cháu, đa số đều có hoàn cảnh éo le rất cần được quan tâm giúp đỡ. Chúng tôi làm hết sức trong khả năng cho phép để giúp các cháu sớm thích nghi, hòa nhập với môi trường mới và tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Có nhiều cháu khi đón về đây đã quá tuổi đi học nên không đến trường. Các cô thay phiên dạy chữ để các cháu biết đọc, biết viết. Việc chăm trẻ rất vất vả, với những cháu mồ côi, tàn tật có hoàn cảnh khó khăn lại càng vất vả hơn, đòi hỏi người làm công tác nuôi dạy trẻ không chỉ có kỹ năng, kiến thức mà còn phải có cái tâm, nhiệt huyết với nghề… Vết thương thân thể sẽ lành nhưng những ám ảnh tâm lý mà các cháu đã trải qua sẽ rất khó phai nhạt được. Chính vì vậy, các cô giáo phải có tình thương thật sự và cái tâm để giúp các cháu vượt qua, hòa nhập. Tại đây, nhiều cháu đã trưởng thành và học hành thành đạt”- bà Đoàn Thị Hường-Giám đốc Trung tâm, chia sẻ.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm