8X đam mê sưu tầm đồ cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với hơn 15 năm theo đuổi đam mê sưu tầm đồ cổ, anh Lê Văn Ký (SN 1986, tổ 3, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đang sở hữu hơn 1.000 món đồ thuộc hàng trăm loại khác nhau. 
Sinh ra trong gia đình làm nghề kinh doanh nên anh Ký sớm theo phụ ba mẹ công việc buôn bán. Đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ thú vị, anh Ký được thỏa niềm đam mê “xê dịch” và khám phá. Trong những lần chạy xe chở hàng cho quán tạp hóa ở các làng đồng bào dân tộc Jrai, anh Ký phát hiện nhiều đồ cổ quý giá như: chiêng, ché, nồi đồng… xuất xứ từ Lào, Campuchia. “Thấy đồng bào Jrai có ý định bán chiêng, ché quý cho những người đi buôn, mình rất tiếc. Vì vậy, mình hỏi mua để lưu giữ làm kỷ niệm”-anh Ký chia sẻ.
Từ những lần xuống làng tìm mua đồ cổ hay lục tìm những món đồ độc, lạ tại nơi thu mua đồ cũ, phế liệu, anh Ký dần dà sưu tầm, sở hữu nhiều món đồ quý hiếm như: ti vi đen trắng, máy cassette, đĩa nhạc, điện thoại để bàn, máy đánh chữ, bi đông, cà mèn, ca inox, mũ sắt… Những món đồ sưu tầm được, anh Ký sắp xếp theo từng loại, chia đều hai bên tường lớn của phòng khách nối tiếp nhau tạo nên “bảo tàng thu nhỏ” trông bắt mắt. Những món đồ nhỏ, dễ vỡ như: chén, ly, bình hoa bằng sứ được cất giữ trong tủ nhỏ cạnh cầu thang. Mặc dù đã sở hữu hơn 1.000 món đồ cổ nhưng anh Ký vẫn dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tập thêm những món đồ mà mình chưa có trong bộ sưu tập. Tâm sự về những câu chuyện buồn vui của gia đình liên quan đến sở thích sưu tầm đồ cổ, anh Ký bảo mình và vợ từng xảy lục đục, nhiều lần tranh cãi nảy lửa tưởng chừng hôn nhân “đứt gãy” giữa chừng. Thế nhưng, hiện tại, vợ anh đã hiểu, đồng cảm và chia sẻ với đam mê của chồng.
Anh Lê Văn Ký giới thiệu về máy đánh chữ có xuất xứ từ Hà Lan. Ảnh: KSOR H’YUÊN
Anh Lê Văn Ký giới thiệu về máy đánh chữ có xuất xứ từ Hà Lan. Ảnh: KSOR H’YUÊN
Không chỉ sưu tầm đồ cổ trên địa bàn thị xã Ayun Pa, anh Ký còn chủ động kết giao với nhiều thành viên của Hội Những người yêu thích sưu tầm đồ cổ Việt Nam để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như giới thiệu món đồ cổ mà mình sở hữu. “Đó chính là không gian ý nghĩa để những người cùng đam mê, sở thích trao đổi và chia sẻ nhiều điều thú vị ngoài những món đồ cổ”-anh Ký chia sẻ.
Với anh Ký, sưu tầm đồ cổ không chỉ là niềm đam mê, sở thích đơn thuần hay khẳng định lối sống hoài cổ mà nó còn là phương cách hữu hiệu để tuyên truyền, giáo dục thế hệ sau biết trân trọng những gì mà thế hệ cha ông đã dày công nghiên cứu, sáng tạo. 
Những món đồ dù có giá hơn chục triệu đồng hay chỉ vài trăm ngàn đồng thì đều được anh trân trọng nâng niu. “Nhiều người hỏi mua những món đồ mình sưu tầm được với giá hàng trăm triệu đồng nhưng mình không bao giờ bán lại, bởi vì chúng đã tồn tại, đồng hành với mình như một kỷ vật quý không thể thay thế hay dễ dàng tìm lại được”-anh Ký cho hay.
Không bán đồ cổ do mình sưu tầm được nhưng anh Ký lại sẵn lòng trao tặng một vài món đồ nếu như trong tương lai thị xã Ayun Pa xây dựng bảo tàng trưng bày các hiện vật quý hiếm. Thời gian đến, anh Ký cũng mong muốn có một không gian riêng để trưng bày các món đồ mình sưu tầm, qua đó giúp những người cùng đam mê, sở thích có cơ hội thưởng thức, từ đó khơi gợi niềm đam mê, hướng đến xây dựng câu lạc bộ sưu tầm đồ cổ tại thị xã Ayun Pa.
KSOR H’YUÊN

Có thể bạn quan tâm