An Khê: Tạo môi trường giáo dục trải nghiệm cho trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vườn hoa, vườn rau, khu chợ của bé... đang được các trường Mẫu giáo trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai) chú trọng xây dựng nhằm đẩy mạnh mô hình giáo dục trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, các trường cũng hướng dẫn học sinh tham gia một số hoạt động như: thi làm bánh, làm đồ dùng học tập theo chủ đề. Từ đó, trẻ Mẫu giáo sẽ hình thành kỹ năng giao tiếp, ghi nhớ sự vật, hiện tượng cuộc sống quanh mình dễ dàng hơn.
 Một tiết học tìm hiểu cấu tạo của cây và hoa ở Trường Mẫu giáo Sao Mai (phường An Phú, thị xã An Khê). Ảnh: N.G
Một tiết học tìm hiểu cấu tạo của cây và hoa ở Trường Mẫu giáo Sao Mai (phường An Phú, thị xã An Khê). Ảnh: N.G
Giờ học của gần 300 trẻ từ 3 đến 5 tuổi ở Trường Mẫu giáo Sao Mai (phường An Phú, thị xã An Khê) bắt đầu bằng một phiên chợ với rất nhiều gian hàng như: rau, củ, quả; các loại bánh; trang sức, đồ lưu niệm... Các bạn nhỏ thuần thục trong việc phân vai làm người bán, người mua hàng. Bé đóng vai người bán hàng rất nhanh nhảu mời chào khách, còn các bé làm người mua hàng cũng vui vẻ hỏi han giá cả, màu sắc, kích cỡ các mặt hàng mình muốn mua. Phiên chợ diễn ra sôi nổi mà không cần sự hướng dẫn của cô giáo. “Lý do chúng tôi duy trì hoạt động này thường xuyên là bởi nó giúp trẻ hình thành kỹ năng giao tiếp, mạnh dạn khi tiếp xúc với người lạ và biết cách diễn đạt ý muốn của mình với người khác”-cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Mai-cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo): “Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào xây dựng môi trường giáo dục Mẫu giáo lấy trẻ làm trung tâm. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn các trường tại địa phương này để tổ chức cho các đơn vị khác trên toàn tỉnh tham quan, học hỏi các mô hình học tập trải nghiệm thực tế”.

Bên cạnh đó, trong khuôn viên trường, khu vực trồng rau xanh và vườn hoa cũng được ưu tiên chăm sóc để trở thành nơi học tập trải nghiệm cho trẻ. Cùng cô con gái 4 tuổi đi dạo trong vườn hoa hướng dương, hoa sao nhái... của trường, chị Phan Thị Lệ Thu cảm thấy rất thích thú khi con gái trở thành “hướng dẫn viên” vanh vách kể về các loài hoa cho mẹ. Chị Thu cho hay: Về nhà, bé thường kể về những buổi học ở vườn hoa, vườn rau và tỏ ra rất hứng thú khi đã biết cách phân biệt các loại cỏ, tự tay nhổ chúng đi để nhường chỗ cho  rau, hoa phát triển. “Tôi rất thích và cảm thấy yên tâm khi con mình được học tập trong môi trường chú trọng trải nghiệm thực tế. Qua quan sát tôi thấy các con ngày càng biết yêu thiên nhiên, biết giữ gìn môi trường sống sạch sẽ và đặc biệt là rất thích đến trường”-chị Thu bày tỏ.
Không chỉ các trường vùng thuận lợi, nhiều trường ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã An Khê cũng gây ấn tượng bởi các mô hình học tập thú vị. Tại Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Tú An), trẻ được tham gia 35 hoạt động trải nghiệm theo chủ đề trong suốt một năm học. Hàng tuần, trẻ cùng các cô trải nghiệm góc thiên nhiên thông qua việc chăm sóc vườn hoa, vườn rau; tham gia phiên chợ sáng, thi làm bánh, làm đồ dùng học tập theo chủ đề. Ngoài ra, hàng năm, nhà trường tổ chức 3 ngày hội lớn: Tết cổ truyền, Tết Trung thu và trò chơi dân gian. Cô Nguyễn Tường Thoại-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Trong những ngày hội lớn, nhà trường luôn mời phụ huynh cùng tham gia với tư cách người quan sát để tạo thêm sự hứng thú cho trẻ. Đó cũng là cách để trường làm tốt hơn công tác phối hợp với phụ huynh khuyến khích trẻ tự mình khám phá cuộc sống, xóa bỏ dần tâm lý làm thay mọi việc cho con của nhiều người”.
 Giành giải xuất sắc tại hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2017, Trường Mầm non Họa Mi (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã phát huy hiệu quả mô hình học tập trải nghiệm. Cô Nguyễn Thị Sỹ-Phó Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Thông qua hoạt động trải nghiệm, trẻ được tăng khả năng sáng tạo, phát huy tính năng động và thích ứng. Khi tự mình khám phá cuộc sống và tiếp thu kiến thức thì trẻ cũng sẽ tự tìm ra giải pháp để xử lý tình huống, giúp hình thành năng lực cá nhân và sự tự tin. Với cách học này, cả cô và trò đều hứng thú, giáo viên chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, đánh giá và sửa sai cho trẻ chứ tuyệt đối không làm thay”.
Nhờ chú trọng xây dựng môi trường giáo dục trải nghiệm “Học mà chơi, chơi mà học”, nhiều trường trên địa bàn thị xã An Khê đang làm tốt công tác huy động trẻ ra lớp và duy trì sĩ số. Ông Bùi Anh Tuấn-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã-khẳng định: “Xác định vai trò quan trọng của bậc học tiền đề, chúng tôi đã chỉ đạo 9/9 trường Mẫu giáo tập trung xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, hình thành nhiều mô hình học tập trải nghiệm để tạo sự hứng thú cho trẻ. Sau nhiều năm thực hiện, các trường đã nâng cao được tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 4 tuổi đến trường đạt trên 90%, tỷ lệ duy trì sĩ số ở các lớp 5 tuổi luôn đạt gần 100%”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm