An lành "cơm xanh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh những khái niệm như “kinh tế xanh”, “sống xanh”, thời gian gần đây, một số thực khách tại Phố núi Pleiku còn biết đến “cơm xanh”. Đây chính là những phần cơm chay được chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu hữu cơ, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa giúp tinh thần thoải mái, an tịnh. Thêm vào đó, việc sử dụng thực phẩm sạch còn giúp định hướng thói quen tiêu dùng lành mạnh trong cộng đồng. 
Rời biển về rừng làm đầu bếp thực dưỡng
7 giờ sáng, đầu bếp trẻ Bùi Trịnh Ân đã có mặt trong gian bếp nhỏ quen thuộc đặt tại Cửa hàng Agrita An-rau củ quả sạch Gia Lai (54A Lê Văn Tám, TP. Pleiku). Qua 2 tháng khai trương, “Bếp thuần chay-Sống thuận tự nhiên” của anh và nhóm bạn đã dần được biết đến với những món chay được chế biến theo phương pháp thực dưỡng.
Anh Ân cho biết mình sinh trưởng ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Học xong nghề nấu ăn, năm 2016, Ân trở thành đầu bếp tại Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn. Làm việc tại đây được 2 năm, anh cùng gia đình chuyển lên Gia Lai sinh sống. Là một phật tử thuần thành, anh Ân có duyên gặp một nhóm bạn ăn chay trường và từ đó cũng phát tâm ăn chay. Đó là lý do khiến anh cùng 2 người bạn trong nhóm lập ra “Bếp thuần chay-Sống thuận tự nhiên”.
Anh Bùi Trịnh Ân đang chuẩn bị các phần ăn để ship cho thực khách. Ảnh: Phương Duyên
Anh Bùi Trịnh Ân đang chuẩn bị các phần ăn để ship cho thực khách. Ảnh: Phương Duyên
Đầu bếp trẻ tuổi cho hay, nguyên liệu đặc trưng của phương pháp thực dưỡng gồm: gạo lứt, mè rang, tương miso, tương tamari 3 năm. Tuy nhiên, để phần “cơm xanh” phong phú hơn, dễ ăn hơn, thực đơn được bổ sung nhiều món khác. Hôm chúng tôi đến, ngoài cơm lứt, bún lứt trộn, thực đơn còn có gỏi đu đủ, chả giò, đậu kho dưa, canh ngũ quả, rau mầm ăn kèm và trái cây tráng miệng.
Sau khi hoàn thành công đoạn chế biến, anh Ân nhẹ nhàng, tỉ mẩn sắp xếp từng món ra khay để giao cho khách. Cơm lứt được anh dùng khuôn ép thành hình tròn, trái tim đẹp mắt ăn kèm với mè rang. Bên cạnh là các món ăn đầy đủ dưỡng chất, màu sắc từ các loại rau củ hết sức hài hòa. Tất cả đều sử dụng nguyên liệu và gia vị hữu cơ: gạo lứt đỏ, gạo lứt trắng, bún gạo lứt, dầu phộng tự ép, đậu khuôn tự làm, muối Himalaya, đường organic… Đó là lý do mỗi phần cơm có giá khá cao (35.000 đồng) so với các quán chay khác trên địa bàn thành phố. Để tạo sức hấp dẫn, mỗi tuần, bếp có khoảng 30 món, thực đơn thay đổi theo ngày.
“Chúng tôi muốn truyền cảm hứng chứ không hoàn toàn vì lợi nhuận. Mong rằng “Bếp thuần chay-Sống thuận tự nhiên” gieo duyên để mọi người biết đến nguồn thực phẩm sạch, thay đổi thói quen ăn uống, vừa đảm bảo sức khỏe về thể chất, vừa khiến tinh thần nhẹ nhàng, thoải mái”-anh Ân chia sẻ.
Một phần cơm xanh của Bếp thuần chay-Sống thuận tự nhiên. Ảnh: Phương Duyên
Một phần cơm xanh của Bếp thuần chay-Sống thuận tự nhiên. Ảnh: Phương Duyên
Nói về hướng đi tiên phong và rất riêng này, chị Nguyễn Thị Phương (huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum, hiện thuê trọ tại nhà số 82 Lê Văn Tám, TP. Pleiku, một thành viên của bếp) chia sẻ: Thực dưỡng là phương pháp ăn uống để đưa cơ thể về trạng thái cân bằng, từ đó phục hồi hệ miễn dịch, góp phần đẩy lùi bệnh tật. Trước thực trạng thực phẩm “bẩn” tràn lan, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã có bếp thuần chay theo phương pháp thực dưỡng nhưng tại Tây Nguyên thì chưa. Vì vậy, chị cùng bạn bè lập ra 1 bếp để người dân Phố núi biết đến khái niệm “cơm xanh”.
Một nguyên nhân đặc biệt khác khiến chị Phương quyết định theo đuổi phương pháp thực dưỡng là bởi cách đây vài năm, cô gái trẻ này phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Suy sụp, tuyệt vọng là cảm giác khi đó của chị. Nhưng rồi, từ  việc tìm hiểu và áp dụng các phương pháp thiền định, chuyển hóa tế bào ung thư, thực dưỡng… chị đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng nhất của cuộc đời để trở thành người truyền cảm hứng mạnh mẽ. 
Hãy dinh dưỡng lành mạnh
Mới ra mắt khoảng 1 năm nay nhưng quán chay Vân Sơn (24 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) đã có lượng khách khá ổn định. Với slogan “Dinh dưỡng lành mạnh là cội nguồn của sức khỏe bền vững”, quán cũng chủ trương sử dụng nguyên liệu hữu cơ trong chế biến thực phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Sơn (43 tuổi, chủ quán) bày tỏ: “Thông qua việc mở quán, tôi khuyến khích bà con dùng thực phẩm sạch, đồng thời thay đổi quan niệm về ăn chay. Chế độ ăn thuần thực vật nếu thực hiện đúng cách vẫn đảm bảo sức khỏe”.
Cùng với việc mua nguyên liệu sạch, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, gia đình ông đều tự tay làm các loại nước chấm như: xì dầu, nước mắm chay, kể cả món chả chay. Thực đơn cũng khá phong phú như: cơm tấm, phở đinh hương, bún miến rong biển, bún trộn Bình Định, bún nấm, bún mọc, bún đậu mắm tương (giá dao động 20.000-40.000 đồng/món). Thưởng thức xong, khách còn được thong thả nhấp ngụm trà hoa đậu biếc, nghe cảm giác an tịnh lan tỏa.
Mỗi ngày, quán chay Vân Sơn đón lượng khách khoảng 60-70 người, riêng ngày rằm và mùng 1 Âm lịch thì đông gấp 2, 3 lần. Bà Huỳnh Thị Xanh (tổ 5, phường Hội Thương, TP. Pleiku) ưu ái nhận xét: “Ở đây món nào cũng ngon, nhất là cơm tấm. Nguyên liệu sạch cũng tạo sự yên tâm cho thực khách”. Còn chị Nguyễn Thị Dinh (48/30 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) thì tấm tắc: “Đồ ăn ở đây tươi, ngon, có nhiều món mình thích. Có lúc bận rộn, không kịp nấu nướng, mình ăn sáng và ăn trưa ở đây luôn”.
Chị Nguyễn Thị Phương-thành viên nhóm “Bếp thuần chay-Sống thuận tự nhiên”: Từ việc chấp nhận tiêu dùng những thực phẩm “giàu hóa chất độc hại” nhưng “nghèo dinh dưỡng”, chúng ta đã tiếp tay cho việc sử dụng những thứ không thân thiện với cơ thể và môi trường sống. Mỗi khi bưng 1 chén cơm, gắp 1 đũa rau, đã bao giờ bạn dừng lại “nghiền và ngẫm” chúng đến từ đâu? Phần “cơm xanh” mà chúng tôi mang đến cho các bạn chỉ như một đốm lửa nhỏ, vì vậy cần thêm nhiều hơn nữa sự tiếp sức từ cộng đồng.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm