Bác sĩ trẻ kể chuyện cấp cứu F0 hiện trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Làm ở đội hình cấp cứu cho bệnh nhân F0, nên những tân bác sĩ lúc nào cũng như được lập trình sẵn là trong tâm thế làm việc và sẵn sàng chạy đi hiện trường, đến cả lúc ngủ cũng mơ màng như đang làm việc…
Nhận được cuộc gọi 

Nhận được cuộc gọi là các bác sĩ lập tức đến hiện trường cấp cứu và chuyển F0 đến bệnh viện. Ảnh: NVCC
Nhận được cuộc gọi là các bác sĩ lập tức đến hiện trường cấp cứu và chuyển F0 đến bệnh viện. Ảnh: NVCC
Trong mô hình theo dõi F0 điều trị tại nhà do Khoa Y Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức có 2 đội hình, một đội hình theo dõi sức khỏe và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân F0 từ xa (gọi là đội 1), trong trường hợp bệnh nhân trở nặng thì đội 1 sẽ báo cho đội 2, là đội hình cấp cứu hiện trường đến tận nhà bệnh nhân để đánh giá tình hình, xử trí và cấp cứu hiện trường trước khi đưa đi bệnh viện.
Vì là cấp cứu, nên công việc của những bác sĩ trong đội 2 bất chấp giờ giấc, sáng sớm hay đêm khuya, dù trời nắng hay mưa xối xả cũng chạy thật nhanh đến hiện trường để giành giật sự sống cho bệnh nhân F0.
Có những ngày kiệt sức…
Bác sĩ Trần Quang Huy, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM, là 1 trong 8 tân bác sĩ tham gia đội hình cấp cứu hiện trường, cho biết mô hình theo dõi F0 điều trị tại nhà của trường đầu tiên được tổ chức ở Q.10. Lúc này đội 2 chỉ hoạt động như một trung tâm cấp cứu ngoại viện, nhưng khi nhân rộng qua Q.8 thì mô hình được xây dựng thành bệnh viện dã chiến và đội hình gồm các bác sĩ nội trú, giảng viên và tân bác sĩ của trường đảm nhận nhiệm vụ ở khoa cấp cứu gồm 20 giường bệnh. Tại đây, đội hình sẽ vừa điều trị cho bệnh nhân Covid-19, vừa làm nhiệm vụ cấp cứu hiện trường cho F0.
Cứ ngủ chập chờn 1 - 2 tiếng, lại mơ màng như bệnh nhân đang gọi, đồng nghiệp đang gọi... thế là tỉnh giấc. Cảm giác ngủ mà cứ như đang làm trực tiếp vậy
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Hoa
Bác sĩ Huy cũng giống như 7 tân bác sĩ khác trong đội hình, chỉ vừa thi xong tốt nghiệp hôm nay là ngày mai đã nhận được sự huy động cần lực lượng bác sĩ tham gia chống dịch, thế là các bạn không một phút ngần ngại và lên đường nhận công việc.
“Những ngày đầu, 8 đứa về ai cũng nhìn nhau mà cảm giác mệt nhòa như không còn chút sức lực nào. Đi cấp cứu hiện trường thì tụi mình phải thay phiên nhau đi, vì cứ đi liên tục là không chịu thấu”, Huy nhớ lại những ngày đầu khi nhận nhiệm vụ.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Hoa, thành viên nữ duy nhất trong nhóm 8 tân bác sĩ tham gia ở đội hình này, cho biết những ngày đầu có lúc đã tưởng tượng mình không thể cố hơn được nữa.
“Ngày đầu tiên mặc đồ bảo hộ 7 - 8 tiếng đồng hồ mà tụi mình vừa làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân tại khoa cấp cứu, vừa đi cấp cứu hiện trường, vừa chuyển bệnh... cứ luôn tay luôn chân không nghỉ. Ngày đó, làm được khoảng 5 tiếng thì khi đang ngồi trên xe cấp cứu đi hiện trường, mình cảm thấy kiệt sức và dường như không thể cố được nữa, cảm thấy như rất ngợp trong chiếc xe cấp cứu đó”, bác sĩ Hoa nhớ lại.
Nhưng rồi sau đó, bác sĩ Hoa nghĩ nếu mình thấy mệt như thế này rồi không giúp được gì, không phụ được cho các anh chị thì lượng công việc của mọi người sẽ tăng lên. Nghĩ thế, nên mỗi ngày cứ cố gắng hơn một chút, rồi công việc cũng quen dần, Hoa cũng như các tân bác sĩ trong đội hình đều dần quen với áp lực và mệt mỏi.

Đội hình các bác sĩ, tân bác sĩ của Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham gia điều trị và cấp cứu F0 hiện trường sau một ca trực
Đội hình các bác sĩ, tân bác sĩ của Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham gia điều trị và cấp cứu F0 hiện trường sau một ca trực
Đi ngủ cũng mơ màng như đang làm việc
Bác sĩ Huy kể vào thời gian cao điểm từ giữa đến cuối tháng 8, mỗi ngày các bạn nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi từ đội 1 báo về, cần đến cấp cứu hiện trường cho bệnh nhân F0.
“Cứ nhận được cuộc gọi, đánh giá tình hình bệnh nhân cần phải được cấp cứu gấp, tụi mình chạy đi như bay. Đa phần bệnh nhân ở trong hẻm, mà hẻm nhỏ ngoằn ngoèo xe cấp cứu không thể vào được nên có những hôm vác bình ô xy gần 100 kg vào nhà bệnh nhân, rồi sau đó khiêng bệnh nhân ra xe. Lúc đó trong đầu chỉ nghĩ đến việc làm sao giành giật được sự sống cho bệnh nhân là trên hết nên dù có vác bình ô xy cả tạ trên người mà vẫn lao như bay đến để cứu bệnh nhân, chứ chẳng còn suy nghĩ mệt hay vất vả, nặng nhọc gì nữa cả”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Công việc mỗi ngày mà các bác sĩ trong đội hình phải đảm trách là không kể hết. Ngoài 3 nhiệm vụ chính là điều trị bệnh nhân, cấp cứu hiện trường và chuyển viện thì các công việc của hộ lý, tiêm thuốc, lấy máu, đưa bệnh nhân đi vệ sinh… các bác sĩ cũng phải làm. Bác sĩ Huy kể nhiều lúc không có điều dưỡng hoặc công việc nhiều mà lực lượng không đủ nên mỗi người sẽ luôn cố làm thật nhiều nhất có thể.
Không những thế, bác sĩ Hoa còn kể: “Bệnh này chuyển nặng rất đột ngột, không phải là bệnh mãn tính kéo dài, người nhà đa phần là chưa chuẩn bị được tinh thần nên rất hoảng loạn khi bệnh nhân chuyển nặng. Họ không giữ được bình tĩnh và cứ cầu cứu. Do đó, khi tụi mình đến nhà thì không chỉ cấp cứu bệnh nhân mà còn phải trấn an tinh thần người nhà”.
Công việc nhiều, lại làm ở khâu cấp cứu nên lúc nào các bác sĩ trẻ này cũng đặt bản thân trong trạng thái sẵn sàng, cứ nhận được cuộc là lại chạy ngay đến hiện trường. “Thậm chí trong cả lúc ngủ mà mình vẫn cứ có cảm giác đang làm việc. Nên lúc nào cũng mơ mơ màng màng, chưa bao giờ được ngủ trọn giấc. Cứ ngủ chập chờn 1 - 2 tiếng, lại mơ màng như bệnh nhân đang gọi, đồng nghiệp đang gọi... thế là tỉnh giấc. Cảm giác ngủ mà cứ như đang làm trực tiếp vậy”, bác sĩ Hoa tâm sự.
Mặc dù công việc có vất vả nhưng niềm vui nhận lại của tất cả mọi người là khi tiễn bệnh nhân lành bệnh xuất viện. “Dẫu các cô, các chú bệnh nhân không hề biết mặt mũi tụi mình như thế nào, vì lúc nào tụi mình cũng mặc đồ bảo hộ kín mít, nhưng các cô, các chú mỗi lần xuất viện là hứa hẹn gả dâu, gả rể. Nhìn các cô chú vui mừng và hạnh phúc khi khỏi bệnh, tụi mình như quên hết mệt mỏi và thấy công việc mình làm mỗi ngày ý nghĩa như thế nào”, bác sĩ Hoa bày tỏ.
Theo Nữ Vương (TNO)

Có thể bạn quan tâm