Bầu trời có người tiên phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2019 ghi nhận một sự kiện đặc biệt với Không quân Việt Nam: lần đầu tiên 44 năm sau chiến tranh, Việt Nam có một phi công quân sự học và tốt nghiệp tại Mỹ.
 Thượng úy Đặng Đức Toại trong buồng lái máy bay CASA C295 - Ảnh: MY LĂNG
Thượng úy Đặng Đức Toại trong buồng lái máy bay CASA C295 - Ảnh: MY LĂNG
Bầu tháng 6-2019, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đăng trên trang Facebook của mình lời chúc mừng thượng úy Đặng Đức Toại - "phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo tại Căn cứ không quân Columbus", kèm theo hình ảnh thượng úy Toại chụp cùng hai đồng nghiệp bên chiếc máy bay huấn luyện T-6 Texan II.
Học viên xuất sắc
Trước đó vài ngày, ngày 31-5-2019, tại Căn cứ không quân Columbus (bang Mississippi), chuẩn tướng Edward Vaughan (trợ lý đặc biệt bộ phận huấn luyện tại Lầu Năm Góc) cười tươi bắt tay, chúc mừng thượng úy Toại, một trong những học viên xuất sắc nhất của khóa học. 
Trung tướng Steve Kwast (chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện bay và đào tạo chỉ huy thuộc Không quân Mỹ) khẳng định thành tích của Toại giúp thắt chặt quan hệ hợp tác an ninh Mỹ - Việt, Không quân Việt Nam tăng cường năng lực tác chiến trên không và trên biển.
Toại hiện là phi công phi đội 1 thuộc Lữ đoàn không quân vận tải 918 (Quân chủng phòng không - không quân). Nói về người đồng đội trẻ của mình, thiếu tá Phạm Đức Trung (phi đội trưởng phi đội 1) kể: “Ngoài trình độ bay, Toại có lợi thế lớn là ngoại ngữ tốt, rất khiêm tốn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng đội, học hỏi những thế hệ đi trước”.
Sinh năm 1988, chàng phi công trẻ của Lữ đoàn 918 gây ấn tượng bởi gương mặt rắn rỏi, ánh mắt sắc cương nghị và màu da khỏe khoắn “nhuộm nắng trời”. Bố của Toại là đại tá Đặng Quốc Châm, nguyên chủ nhiệm an toàn bay Lữ đoàn 918. Anh trai của Toại, Đặng Minh Tâm, là cơ trưởng Airbus-321 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
“Giấc mơ bay đến với tôi rất tự nhiên. Đồ chơi từ nhỏ của tôi toàn máy bay. Cùng bố vào đơn vị, càng thích máy bay, màu áo lính”, Toại kể.
Chiến thắng vì lòng tự hào
Tháng 5-2016, Toại lên đường sang Mỹ. Tháng 5-2018, sau khi tốt nghiệp chương trình học tiếng Anh kéo dài 2 năm, anh chính thức tham gia khóa học chương trình lãnh đạo hàng không cùng các học viên quốc tế kéo dài hơn 1 năm tại Căn cứ không quân Columbus.
Thời gian đầu, Toại được học trên máy bay Cessna-172. Sau 4 tháng, Toại tiếp tục được huấn luyện trên máy bay T-6 Texan II với rất nhiều bài bay, nhiều nhiệm vụ. 
“Mỗi ngày chúng tôi học trên lớp 12 tiếng. Thầy nói rất nhanh. Lúc học dưới đất, nghe hiểu đã khó rồi mà khi lên trời học lại càng khó hơn. Mỗi bài bay học viên chỉ được phép thi lại 1 lần. Nếu không qua được sẽ bị dừng bay, về nước”, Toại kể.
Lòng tự hào dân tộc khiến Toại không muốn mình là người bị xách vali về nước: “Lúc đó mình học không phải vì bản thân mình mà còn vì danh dự của người sĩ quan Việt Nam, học vì Tổ quốc nữa”.
30 học viên trong phòng bay của Toại cứ “rơi rụng” dần do bị dừng bay nhiều. Áp lực ngày càng lớn. T-6 Texan II là máy bay huấn luyện hiện đại trên thế giới, những phi công được đào tạo trên máy bay T-6 Texan II sẽ có nền tảng vững chắc để có thể chuyển sang học phản lực, trực thăng, vận tải.
Tổng điểm kiểm tra của Toại ở các bài học dưới mặt đất lẫn trên không đều đạt điểm số trên 85%. “Ngày được tổ chức lễ tốt nghiệp là dấu ấn rất đặc biệt. Hôm đó ngoài 20 bạn người Mỹ, học viên quốc tế chỉ có mình tôi. Khi họ kéo quốc kỳ Việt Nam và mở bài quốc ca lên, tự hào, xúc động lắm”.
Thượng úy Toại nói anh nhớ mãi lời của chuẩn tướng Lầu Năm Góc Edward Vaughan: Chúc mừng bạn đã bay, chiến đấu và chiến thắng.
Toại trong lễ tốt nghiệp khóa đào tạo ALP của Mỹ - Ảnh: CHRIS GALEMORE
Toại trong lễ tốt nghiệp khóa đào tạo ALP của Mỹ - Ảnh: CHRIS GALEMORE
Đến nay, thượng úy Đặng Đức Toại đã có 600 giờ bay tích lũy, trong đó 40 giờ bay trên Cessna-172 và 300 giờ bay trên T-6 Texan II. Ở tuổi 31, anh đã kinh qua 5 dòng máy bay: Yak-52, An-26, Cessna-172, T-6 Texan II và CASA C-295.
Hiện nay, Toại đang thực hiện nhiệm vụ trên CASA C295 - dòng máy bay hiện đại mới với hệ thống điều khiển, thiết bị rất phức tạp, khối lượng học lớn hơn rất nhiều các dòng máy bay thế hệ cũ. Anh nói: “Đã chọn nghề phi công thì phải học cả đời, tích lũy kinh nghiệm cả đời”.
Theo Anh Chi (TTO)

Có thể bạn quan tâm