Lâm chia sẻ, em không học quá nhiều, không tự tạo áp lực cho bản thân mà luôn chủ động, thực sự tập trung khi học. Mỗi ngày em học một ít, tích lũy từng ngày, "không nên để nước đến chân mới nhảy”.
Em Phạm Thanh Lâm chia sẻ kỷ niệm khi tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế với mẹ. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN) |
Vào một ngày đầu tháng 8, các phóng viên TTXVN tìm về căn nhà nhỏ của gia đình em Phạm Thanh Lâm, học sinh lớp 12 chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong (tỉnh Nam Định), người vừa xuất sắc giành huy chương bạc trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 51 tổ chức tại Cộng hòa Pháp.
Lâm sống ở thôn Lê Xá (xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), sát dưới chân núi Gôi nên người dân vẫn quen gọi nơi này là “xóm núi.” Căn nhà cấp bốn của gia đình em trong những ngày này tràn ngập niềm vui và tiếng cười.
Khi biết tin Lâm là một trong bốn học sinh của Việt Nam giành được huy chương tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, bà con lối xóm, người thân đến chúc mừng, chia vui với gia đình.
Sau một thời gian ôn tập và tham gia kỳ thi khá dài và vất vả, cậu học trò vốn cao, gầy trông càng gầy hơn. Sau cặp kính cận dày cộp là đôi mắt sáng lấp lán, Lâm cười rất tươi trong vòng tay của người thân, bạn bè.
Bố Lâm, ông Phạm Thanh Sơn, vui vẻ cho biết, ngay từ nhỏ Lâm đã có ý thức cao trong học tập, cứ đến giờ là tự giác ngồi vào bàn học bài, không để bố mẹ phải nhắc nhở. Lâm ham học, thích đọc sách nên gia đình đã bố trí một phòng riêng để con trai chủ động sắp xếp thời gian, có không gian học bài, đọc sách, nghiên cứu tài liệu mà mình yêu thích.
Với nỗ lực không biết mệt mỏi, cậu học trò trường huyện đã thi đỗ vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong. Trong suốt quá trình học từ tiểu học đến trung học phổ thông, Lâm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Lâm chia sẻ về kinh nghiệm học tập của mình: Nhận thức là một quá trình, do đó phải có phương pháp học phù hợp. Em không phải học quá nhiều, không tự tạo áp lực cho bản thân mà luôn chủ động, thực sự tập trung khi học. Mỗi ngày em học một ít, tích lũy từng ngày, "không nên để nước đến chân mới nhảy.” Đi học về nếu không học bài cũ, không ôn bài, làm bài tập mà đợi đến lúc thi mới học thì sẽ không hiệu quả.
Nói về quyết định lựa chọn chuyên ngành hóa học, Lâm tâm sự, ngay từ khi tiếp xúc với môn học này, em thấy vô cùng hấp dẫn, lý thú, bởi những kiến thức hóa học giúp em lý giải được nhiều hiện tượng xảy ra trong thực tế cuộc sống.
Nhờ sự ham học hỏi, tinh thần tự học, luôn muốn đi đến tận cùng vấn đề mình quan tâm, nghiên cứu mà Phạm Thanh Lâm đã gặt hái được những thành tựu đáng kể trong học tập.
Thầy cô, bạn bè trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong chúc mừng Phạm Thanh Lâm giành được huy chương bạc Olympic Hóa học quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN) |
Trong năm học 2017-2018, Lâm đạt giải nhì học sinh giỏi môn Hóa lớp 11 tỉnh Nam Định, tiếp đến em giành huy chương đồng môn Hóa tại kỳ thi học sinh giỏi Khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ.
Cũng trong năm học này, em giành huy chương bạc kỳ thi học sinh giỏi Olympic chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi học sinh giỏi Hóa học.
Sang năm lớp 12, năm học 2018-2019, Phạm Thanh Lâm giành giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Hóa. Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 51 tổ chức tại Cộng hòa Pháp từ ngày 21-30/7 vừa qua Lâm đã giành huy chương bạc, góp phần vào thành công chung của đoàn học sinh Việt Nam.
Theo Phạm Thanh Lâm, để đạt được kết quả cao tại các kỳ thi, học sinh cần kiến thức tổng hợp; trong đó, kiến thức trong giáo trình, sách giáo khoa được thầy cô trang bị giữ vai trò quan trọng, cùng với đó cũng cần nghiên cứu thêm các tài liệu nâng cao của Việt Nam và quốc tế.
Thời đại công nghệ 4.0 giúp mọi người có thể tiếp cận các tài liệu trên mạng khá dễ dàng. Việc nghiên cứu song song tài liệu trong nước và quốc tế giúp học sinh nắm bắt được xu hướng đề thi, cấu trúc bài thi học sinh giỏi quốc tế, đồng thời bổ sung, hoàn thiện kiến thức chuyên ngành, tìm ra phương pháp giải bài tập, thực hành hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, để “mở” được kho tri thức của nhân loại, học sinh cần thông thạo ngoại ngữ, vì thế em cũng dành thời gian để trau dồi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hóa học là khoa học thực nghiệm nên lý thuyết mới chỉ là điều kiện cần, yếu tố quyết định đó là phải làm thực hành nhiều, bởi chỉ có như vậy mới sử dụng thành thạo các dụng cụ thí nghiệm, phân bố thời gian làm thí nghiệm hợp lý; xử lý tốt các vấn đề liên quan trong khi thi và đạt được kết quả cao.
Với những thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, Phạm Thanh Lâm đã được tuyển thẳng vào đại học và em lựa chọn chuyên ngành Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để thỏa mong ước nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành Hóa-Sinh.
Lâm tâm sự, kết quả em đạt được mới chỉ là khởi đầu trên con đường khám phá tri thức, vì vậy em luôn suy nghĩ rằng bản thân phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin yêu của bố mẹ, thầy cô, bạn bè.
Em dự định sẽ cố gắng học tập thật tốt, đầu tư thời gian học thêm ngoại ngữ để giành học bổng đi du học, có điều kiện tiếp cận những kiến thức, hiểu biết mới, nghiên cứu chuyên sâu hơn về chuyên ngành mình học để sau khi học xong sẽ trở về làm những công việc hữu ích cho quê hương, đất nước.
Thầy Vũ Văn Hợp, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, nhận xét: Phạm Thanh Lâm là học sinh thông minh, có ý thức tự lập cao, có nghị lực vượt khó, không ngừng vươn lên, chăm ngoan, học giỏi. Trong ba năm học trung học phổ thông Lâm luôn đạt điểm trung bình các năm từ 8,4-9,2 điểm; trong đó điểm trung bình môn Hóa học lớp 12 đạt tới 9,9. Em là tấm gương cho các bạn trong lớp học tập, noi theo.
Thầy Vũ Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định kiêm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cho học sinh thể hiện hết khả năng của mình. Trong những năm gần đây trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, nhà trường đều có học sinh đạt giải cao, tiêu biểu là em Phạm Thanh Lâm.
Nguyễn Lành (TTXVN/Vietnam+)