(GLO)- Hiện nay, hoạt động Đoàn ở các thôn, làng, tổ dân phố đang đối mặt với nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp, đội ngũ cán bộ Đoàn thường xuyên biến động. Theo đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, giỏi kỹ năng, nắm bắt được tâm lý của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Nhiều khó khăn
Toàn tỉnh hiện có 2.161 chi đoàn thôn, làng, tổ dân phố. Bí thư chi đoàn là người gần gũi nhất với ĐVTN. Vì vậy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch của Đoàn Thanh niên đến gần hơn với ĐVTN và được áp dụng trong thực tế cũng nhờ đội ngũ này.
Các thí sinh thiết kế mô hình trại tại Hội thi Bí thư chi đoàn giỏi khối địa bàn dân cư do Thành Đoàn Pleiku tổ chức. Ảnh: P.L |
Thế nhưng hiện tại, công tác Đoàn ở một số địa phương đang gặp khó khăn bởi đội ngũ Bí thư chi đoàn thường xuyên biến động. Một số ĐVTN sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm nên đảm nhận công tác Đoàn trong thời gian chờ đợi, nếu tìm được việc làm ổn định, phù hợp thì sẽ nghỉ. Ngoài ra, thanh niên còn tập trung phát triển kinh tế gia đình nên ít dành thời gian cho công tác Đoàn tại địa phương hoặc chỉ tham gia một thời gian rồi xin nghỉ.
Khối lượng công việc nhiều, kinh phí hỗ trợ hạn hẹp, nhiều người phải bỏ thêm tiền túi cho một số hoạt động nên cũng khó lôi cuốn thanh niên tham gia công tác Đoàn. Tại xã Kdang (huyện Đak Đoa), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có 4 Bí thư chi đoàn xin nghỉ vì lý do lập gia đình, đi làm ăn xa, bận việc cá nhân. Chị Văn Thị Thùy An-Bí thư Đoàn xã Kdang-cho biết: “Đội ngũ Bí thư chi đoàn thường xuyên biến động là thực trạng không riêng gì ở xã Kdang. Là thanh niên, ai cũng muốn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực nhưng do kinh phí ít nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có nhiều Bí thư chi đoàn vì yêu công việc mà gắn bó với chi đoàn được 5-6 năm”.
Việc triệu tập ĐVTN tham gia sinh hoạt là điều tưởng đơn giản nhưng kỳ thực lại khá phức tạp. Phong trào Đoàn chỉ thực sự sôi nổi vào dịp hè vì học sinh, sinh viên trở về sinh hoạt ở địa phương. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến phong trào Đoàn. Một số Bí thư chi đoàn hạn chế về năng lực, trình độ, yếu về kỹ năng nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn.
Bồi dưỡng kiến thức cho Bí thư chi đoàn
Để nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Đoàn, thời gian qua, các tổ chức Đoàn đã mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Đồng thời, tổ chức các hội thi Bí thư chi đoàn giỏi khối địa bàn dân cư nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ Bí thư chi đoàn.
Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn: “Để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn ở địa phương, hàng năm, các tổ chức Đoàn trực thuộc đã tổ chức các đợt bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ Bí thư chi đoàn. Mặc dù khó khăn nhưng các Bí thư chi đoàn cần đặt tinh thần nhiệt huyết lên hàng đầu thì hoạt động Đoàn mới có hiệu quả. Những cá nhân tiêu biểu sẽ được Đoàn các cấp tuyên dương để động viên, khuyến khích”. |
Gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí đòi hỏi đội ngũ Bí thư chi đoàn phải chủ động, mạnh dạn đề xuất với các cấp chính quyền giao việc; xung kích đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên để tạo nguồn quỹ hoạt động Đoàn. Sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là sự khích lệ để đội ngũ Bí thư chi đoàn yên tâm, gắn bó hơn với công tác Đoàn. Điển hình như ở làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê), anh Siu Hyur-Bí thư chi đoàn đã mạnh dạn mượn khu đất trống của làng để trồng 5 sào bắp cho thu hơn 15 triệu đồng/năm; mượn của làng 4 sào ruộng để trồng lúa, thu được hơn 10 triệu đồng/năm. Anh Siu Hyur cũng huy động ĐVTN tích cực hái cà phê, nhổ mì thuê để tăng nguồn quỹ. “Nhờ chủ động nguồn quỹ, chi đoàn làng mình đã mua được 1 dàn âm thanh để phục vụ sinh hoạt, có tiền để tổ chức sinh nhật cho đoàn viên. Vì thế, phong trào Đoàn thu hút được nhiều ĐVTN tham gia”-anh Siu Hyur chia sẻ.
Bên cạnh công tác bồi dưỡng kỹ năng, các tổ chức Đoàn cũng cần chủ động phát hiện, giới thiệu những người có năng lực, trình độ như các thanh niên mới xuất ngũ trở về địa phương hoặc các cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan đảm nhận nhiệm vụ Bí thư chi đoàn. Chị Trần Nguyễn Phương Thanh (Đài Truyền thanh-Truyền hình thị xã An Khê) đang là Bí thư chi đoàn tổ dân phố 5 (phường An Tân, thị xã An Khê) chia sẻ: “Vừa phải hoàn thành công tác ở cơ quan, vừa phải tổ chức các hoạt động cho ĐVTN nên tôi có ít thời gian dành cho gia đình. Tuy nhiên, hoạt động Đoàn cũng đã đem đến cho tôi nhiều niềm vui và thấy mình năng động hơn. Vì vậy, tôi đã gắn bó với công tác Đoàn được 6 năm. Ngoài ra, với đặc thù công việc, tôi được tiếp cận nhiều cách tổ chức sinh hoạt hiệu quả ở các tổ chức Đoàn khác để về áp dụng tại địa phương”.
Phan Lài