"Bỏ phố lên rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu nay, người ta râm ran về hiện tượng giới trẻ bỏ công việc đang tốt, bỏ phố thị ồn ào, đầu tư một mảnh đất hoặc một cánh rừng nghèo để sản xuất nông nghiệp, có người còn trồng cây với mong muốn phục hồi thảm xanh đã mất. Nguồn vốn đầu tư của họ khá đa dạng: vay ngân hàng, huy động từ gia đình, thậm chí bán nhà cửa và những gì đang có ở thành phố. 
Tôi không phủ nhận ý tưởng khá độc đáo này, nhưng để thực hiện được không hề dễ dàng nếu không muốn nói rằng thất bại là trong tầm tay. Tôi tìm thông tin về vài trường hợp đã được giới thiệu trên truyền thông nhưng tất cả đã im ắng hết rồi.
Tôi viết về hiện tượng “bỏ phố lên rừng” sau khi một bạn trẻ hỏi tôi khá kỹ để quyết định mua 1 ha đất trống cách TP. Pleiku khoảng 30 km để lập trang trại khởi nghiệp và vợ chồng họ sẽ khăn gói lên dựng nhà ở luôn để trực tiếp làm việc. Trò chuyện rất lâu và tôi đã khuyên bạn ấy bỏ ngay ý định đó, nếu dư dả vốn liếng thì có thể đầu tư một nhà vườn ở ngoại ô, thuê người coi ngó, chăm sóc. Nếu đó chỉ là một nơi nghỉ ngơi, thư giãn với không gian xanh của riêng mình thì hãy làm và chỉ tính khả năng thu nhập sau hơn 5 năm nữa.
Một nông dân thật sự cũng ngần ngại khi chọn cho mình một nơi chốn xa cộng đồng, liên lạc, cung ứng, gặp việc gấp gáp… đều gây bất tiện cho mình. Dân sản xuất nông nghiệp giỏi cũng phải qua vài ba mùa vụ để hiểu đất đai, hiểu thời tiết. Muốn thành công trong nghề canh nông thì phải biết chiều ý đất trời. Cây gì, con gì cũng phải qua kinh nghiệm mới định hình được.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Gần như trong hầu hết trường hợp tôi được thông tin, người trẻ đều đã có kiến thức chuyên môn về một ngành nghề nào đó, thậm chí có bạn là thạc sĩ và đã gặt hái ít nhiều thành công ở phố. Có lẽ không nên vì một phút bốc đồng lại cố nhận một sự phân công mà xã hội chưa sẵn sàng giao cho, e rằng đến lúc lại phải một lần nữa “khởi nghiệp” với chính ngành nghề mà bạn đã được trang bị.
Tôi có kinh nghiệm sau 4 năm “bỏ phố ra ngoại ô” chứ chưa dám lên rừng. Vất vả thì không đến nỗi với 3 sào cây ăn quả, rau sạch và hoa khoe sắc mỗi mùa, nhưng thất bại với giống này giống kia là thực tế phải đối mặt và khi tôi chọn phương thức canh tác sạch và an toàn. Thu nhập và lợi nhuận từ diện tích đất ấy còn xa lắm, có chăng sản phẩm thu được chỉ dành cho con cháu và gửi tặng người thân, bạn bè cùng chia sẻ niềm vui “tự sản tự tiêu” đã có tự thời bao cấp.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm