Bộ sưu tập băng, đĩa nhạc "khủng" của chàng trai 9X

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuổi 25, nhạc công đàn tranh Trương Tài Linh khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi bộ sưu tập hơn 2.000 cuộn băng cassette, 200 đĩa nhựa cùng nhiều tờ nhạc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ...

Anh Linh biểu diễn đàn tranh tại một sự kiện ở Cần Thơ
Anh Linh biểu diễn đàn tranh tại một sự kiện ở Cần Thơ



Anh Linh (ngụ H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) kể từ nhỏ anh đã yêu thích đàn tranh. Sau khi tốt nghiệp và nhận bằng y sĩ, anh xin vào làm việc tại một bệnh viện ở Cần Thơ với mức lương ổn định. Thế nhưng chỉ được hơn 1 năm, nhận thấy công việc không phù hợp nên anh quyết định xin nghỉ để tiếp tục theo đuổi đam mê học đàn tranh.

Anh đăng ký vào ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ. “Tôi yêu thích tiếng đàn tranh bởi nó hội tụ đầy đủ vẻ đẹp và sự hấp dẫn của âm nhạc truyền thống VN: vừa giản dị, mộc mạc, vừa thanh cao, có khí chất”, anh Linh chia sẻ.

Bên cạnh đàn tranh, anh Linh còn có niềm đam mê với các loại “âm thanh xưa”. Hơn 10 năm qua anh đã sưu tầm được hơn 2.000 cuộn băng cassette, đều là băng gốc hoặc F1, chủ yếu là băng cải lương. Để “săn” được những cuộn băng này, anh phải tìm hiểu ở nhiều nơi, đặt mua trên mạng, tìm đến những cửa hàng bán băng đĩa có tiếng còn bám trụ đến nay hoặc xin lại từ họ hàng, ông bà... còn giữ lại. Nhiều cuộn băng cassette sản xuất cách đây hơn nửa thế kỷ, được anh kỳ công sưu tầm trong thời gian dài như: Thanh xà bạch xà, Đời cô Hạnh, Lấy chồng xứ lạ, Tướng cướp Bạch Hải Đường...

 

 Bộ sưu tập máy hát đĩa nhựa Victor và hơn 200 đĩa nhựa quý hiếm của anh Linh
Bộ sưu tập máy hát đĩa nhựa Victor và hơn 200 đĩa nhựa quý hiếm của anh Linh



Một bộ sưu tập khác không kém phần thú vị của anh Linh là máy hát đĩa nhựa Victor và hơn 200 đĩa nhựa quý hiếm. Để hiểu rõ về đĩa nhựa, anh phải tìm tòi thông tin từ mạng, sách báo. Theo anh Linh, đĩa nhựa có 2 loại 33 vòng và 45 vòng, thể hiện dung lượng chuyển tải nhiều hay ít. Mỗi đĩa nhựa có giá từ 300.000 - 400.000 đồng, tùy số vòng và chất lượng; nhưng cũng có đĩa giá bạc triệu tùy theo độ quý hiếm. Trong số những đĩa nhựa mà Linh sưu tầm, có nhiều giọng ca một thời lừng lẫy trong làng cổ nhạc như: Cô Năm Cần Thơ, bà Năm Sa Đéc, Út Bạch Lan... Một số dĩa nhựa rất quý hiếm như: Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Lá sầu riêng, Ngôi nhà ma... Ngoài ra, anh còn sưu tầm rất nhiều tờ nhạc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, hình gốc của những nghệ sĩ và những vở diễn được chụp lại rất hiếm hoi như: Út Bạch Lan, Kim Cương...

Thu nhập chủ yếu từ việc dạy đàn nhưng tích cóp được bao nhiêu anh Linh đều dùng để mua các cuộn băng, đĩa nhạc. Anh nói: “Thông thường, cuộn rẻ nhất cũng 50.000 đồng, đắt nhất từ 2 - 3 triệu đồng. Nhiều lúc tôi phải năn nỉ mãi chủ nhân của cuộn băng mới chịu bán. Nhưng cũng có một số người thấy niềm đam mê, thành ý của tôi nên cho luôn, không lấy tiền”.


 

 Một góc bộ sưu tập băng cassette của anh Linh
Một góc bộ sưu tập băng cassette của anh Linh



“Sở dĩ nhiều người có thú vui với đĩa nhựa, máy hát xưa chỉ vì cảm thấy lực hút từ kỹ thuật thủ công. Các thao tác trên máy đều phải dùng tay, mở cần bằng tay, lắp kim bằng tay, chọn track cũng bằng tay và khi không nghe nữa cũng phải tự tay lấy nó ra. Giải trí với máy hát đĩa nhựa giúp tâm hồn những người hoài cổ thanh thản và yêu đời hơn”, anh Linh chia sẻ.

Hiện tại, anh Linh đã thành lập nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc gồm 8 người với đàn tranh, sáo, đàn bầu, bass, đàn nhị, đàn tam thập lục, trống và đàn tứ. Nhóm nhiều lần góp mặt biểu diễn trong nhiều sự kiện lớn của Cần Thơ. Bên cạnh lớp dạy đàn ở Cần Thơ với gần 20 học viên, anh còn mở một lớp ở Q.10 (TP.HCM) với hơn 10 học viên.

Duy Tân (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm