Bồi đắp kỹ năng sống cho thiếu nhi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giúp thiếu nhi tự tin hơn khi đứng trước đám đông, biết gắn kết trong làm việc nhóm, thử thách làm một phóng viên hay anh lính cứu hỏa… là những nội dung bổ ích mà 45 em thiếu nhi (8-13 tuổi) đến từ huyện Ia Grai, Chư Sê và TP. Pleiku tiếp nhận được khi tham gia chương trình kỹ năng sống vượt qua chính mình. Chương trình do Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai tổ chức vào cuối tuần qua với chủ đề “Ước mơ em, tương lai em”.
Vượt qua chính mình
Tại khoảng sân trống của Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh có 1 bình gas bị hở van, khí gas rò rỉ và tạo ra ngọn lửa lớn. Dưới sự hướng dẫn của các chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), 1 học viên mạnh dạn cầm bình chữa cháy chạy thật nhanh đến để dập lửa. Nhờ sự hướng dẫn tận tình, các học viên lần lượt xử lý, biết cách dập tắt lửa ở bình gas bằng bình chữa cháy dạng khô.
Từ tình huống giả định khác: “cháy ở tầng 2” do các chiến sĩ đặt ra, học viên cũng được thực hành di chuyển ra khỏi căn phòng bị cháy bằng cách cúi thấp người, men theo tường và bịt mũi bằng khăn ướt. Các em cũng được hướng dẫn cách đu dây thoát hiểm khỏi nhà cao tầng khi có sự trợ giúp của người khác.
Lớp học diễn ra rất sôi nổi, học viên chăm chú quan sát, lắng nghe hướng dẫn của các chiến sĩ và bình tĩnh xử lý những thử thách trong tình huống giả định. Khi 1 học viên hoàn thành thử thách, các học viên còn lại hò reo, cổ vũ. Em Nguyễn Trần Ngọc Hân (lớp 6, Trường THCS Phạm Hồng Thái, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Dù chỉ là tình huống giả định, nhưng các chú Công an đã hướng dẫn rất tận tình, em đã tự tin dập tắt lửa ở bình gas bằng bình cứu hỏa dạng xịt khô. Qua chương trình, chúng em cũng biết về đường dây nóng để gọi khi có trường hợp cháy xảy ra”.
Học viên tự tin dùng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy từ bình gas. Ảnh: Phan Lài
Học viên tự tin dùng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy bình gas. Ảnh: Phan Lài
Cùng với trải nghiệm “em làm lính cứu hỏa nhí”, các học viên còn có cơ hội thể hiện vai trò “phóng viên nhí”. Các điều phối viên của chương trình đã hướng dẫn học viên kỹ năng đứng trước ống kính máy quay, góc chụp hình, cách khai thác thông tin và viết một bài báo. Với 4 chủ đề: môi trường, gia đình, học tập, quê hương, các học viên được chia thành từng nhóm nhỏ để thực hành viết tin, bài. Sau khi hoàn thành, đại diện mỗi nhóm sẽ đọc bài và nhận sự góp ý từ các điều phối viên.
Em Nguyễn Hoàng Gia Hân (lớp 6, Trường THCS Tôn Đức Thắng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) hào hứng chia sẻ: “Thông qua những trải nghiệm tại chương trình, em đã hiểu được phần nào tính chất đặc thù của lực lượng cứu hỏa và nghề báo. Việc tham gia các thử thách đã giúp chúng em tự tin, thoát khỏi vùng an toàn của bản thân và hình thành ước mơ trong tương lai”.
Những trải nghiệm bổ ích
Chương trình được tổ chức trong 3 ngày 2 đêm đồng nghĩa với việc các em học cách tự lập khi phải rời xa ba mẹ. Nếu như ngày đầu, một số học viên nhớ bố mẹ, còn lúng túng thì sau đó, với sự cổ vũ của điều phối viên, các em đã hòa nhập, tự tin bắt nhịp với chương trình. Các em đều tự giác vệ sinh cá nhân, sắp xếp chăn màn, vật dụng sinh hoạt ngăn nắp; tuân thủ sinh hoạt giờ giấc. Các em cũng có những phút giây vui vẻ với trò chơi vận động và những bài nhảy dân vũ hiện đại hay các kỹ năng tự vệ cơ bản.
Sau chuỗi hoạt động thể chất, các học viên còn được tham gia chương trình “Ấm áp tình bạn-Kết nối yêu thương”; chuyên đề “Thay đổi bản thân, giao tiếp, thói quen có ích” và “Nơi ấy con tìm về”. Các em được hòa vào cảm xúc của đêm gia đình ấm cúng, viết thư gửi về cho bố mẹ. Đặc biệt, chương trình đã sắp xếp để học viên và phụ huynh cùng tham gia chuyên đề “Bố mẹ! Hãy lắng nghe con”. Với sự khơi gợi, hướng dẫn của Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang-phụ trách ngành Tâm lý học (Đại học Quốc tế Sài Gòn), học viên đã có những lời “thú tội” với bố mẹ vì đã từng không nghe lời, ham chơi game, lỡ nói dối để đi chơi… Các bậc phụ huynh cũng gửi gắm những lời xin lỗi con vì không kiểm soát được cơn giận, hay la mắng, chưa bình tĩnh lắng nghe và không dành nhiều thời gian cho con. Những câu chuyện về tình cảm gia đình đã lấy đi không ít nước mắt của học viên và phụ huynh. Chị Lê Thị Mỹ Liên-phụ huynh học viên Châu Thị Quỳnh Như (tổ 2, thị trấn Chư Sê) tâm sự: “Thấy được ý nghĩa của chương trình, tôi đã đăng ký cho con tham gia trải nghiệm. Những kỹ năng, bài học được các điều phối viên đặt ra là rất cần thiết, giúp các con vận dụng linh hoạt nếu xảy ra trường hợp tương tự trong thực tế. Thấy con mình vui vẻ, tự tin, hòa nhập với các bạn, tôi rất mừng”.
Các học viên lắng nghe Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang-phụ trách ngành Tâm lý học (Đại học Quốc tế Sài Gòn) chia sẻ về chuyên đề “Bố mẹ! Hãy lắng nghe con”. Ảnh: Phan Lài
Các học viên lắng nghe Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang-phụ trách ngành Tâm lý học (Đại học Quốc tế Sài Gòn) chia sẻ về chuyên đề “Bố mẹ! Hãy lắng nghe con”. Ảnh: Phan Lài
3 ngày gắn bó với chương trình là thời gian không dài nhưng các học viên đã có thật nhiều cảm xúc, có thể tự mình làm nhiều việc mà trước kia chưa từng làm, chưa dành nhiều yêu thương, chia sẻ. Các em cũng bịn rịn, lưu luyến khi phải chia tay những người bạn mới quen. Em Châu Ngọc Lâm (lớp 4, Trường Tiểu học Hùng Vương, thị trấn Chư Sê) bày tỏ: Khi tham gia chương trình, ngoài học kỹ năng, em còn biết thêm nhiều người bạn mới và có những kỷ niệm thật thú vị. Mùa hè năm sau, nếu Trung tâm tiếp tục tổ chức lớp kỹ năng sống, em sẽ xin bố mẹ tham gia.
Trao đổi cùng P.V, anh Lê Phan Tấn Đại-Điều phối viên trưởng chương trình kỹ năng sống, cán bộ Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh-cho hay: Chúng tôi rất vui khi chương trình giáo dục kỹ năng sống nhận được sự quan tâm của phụ huynh và các em thiếu nhi. Trước khi tổ chức chương trình, Trung tâm đã lên kế hoạch chi tiết, mời những người tâm huyết, có kỹ năng để định hướng, đem đến những bài học bổ ích cho các em trong dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, những kỹ năng này chỉ mang tính khơi gợi. Thời gian tới, các em cần tiếp tục tìm hiểu, rèn luyện để ngày càng trưởng thành hơn.
PHAN LÀI
 

Có thể bạn quan tâm