Cả nhà mê Sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là một gia đình khá đặc biệt ở thôn Đồng Tâm, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Nhà có 3 cô con gái đều mê môn Lịch sử, đều giành giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh ở bộ môn này và tất cả cùng định hướng theo ngành Công an.
Nếu như chị cả Trần Thị Mỹ Trinh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2, hiện đang công tác tại Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an huyện Kbang) thì em kế Trần Thị Thu Hà đang là sinh viên năm cuối Đại học Cảnh sát nhân dân. Riêng cô em út Trần Thị Mỹ Diệu vừa đạt giải nhất môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh cũng quyết tâm vào Trường Đại học An ninh nhân dân. Nơi nuôi lớn ước mơ của cả 3 chị em là ngôi trường đứng chân ở xã vùng khó: Trường THPT Anh Hùng Núp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). 
Trò chuyện cùng chúng tôi, em Trần Thị Mỹ Diệu-học sinh lớp 12B-cho hay, em được 2 người chị truyền cho tình yêu bộ môn Lịch sử mà một số bạn cùng trang lứa cho là khó thuộc, khó nhớ vì có quá nhiều chi tiết, dấu mốc, thời kỳ. Từ những cuốn sách đầu tiên đọc được về lịch sử như “Búp sen xanh” (Sơn Tùng), “Nam Phương-Hoàng hậu cuối cùng” (Lý Nhân Phan Thứ Lang)… Diệu đã rất thích thú. Diệu cũng rất có ý thức và luôn tâm niệm “Dân ta phải biết sử ta”. Rất thích các chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên Diệu tìm hiểu khá sâu về cuộc kháng chiến chống Pháp với vai trò nổi bật của vị Cha già dân tộc. “Em rất ấn tượng thời điểm Cách mạng Tháng Tám thành công, Vua Bảo Đại thoái vị với câu nói nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm dân của một nước tự do, hơn làm vua của một nước nô lệ”-Diệu chia sẻ. 
Đam mê với sử liệu đã mang về cho Diệu nhiều giải thưởng như: giải ba cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9. Tiếp đó, năm lớp 11, Diệu đạt giải ba cấp tỉnh. Kiến thức đào sâu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp em “ghi điểm” trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 mới đây với câu hỏi: “Hãy nêu quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc” và mang về giải nhất. Điểm tổng kết môn Lịch sử của em rất đáng nể với liên tiếp hai năm lớp 10, 11 đạt 9,8; học kỳ I lớp 12 đạt 9,5. Ngoài sách giáo khoa, Diệu còn chăm chỉ tìm kiếm thêm kiến thức từ các đầu sách ở thư viện hoặc các trang web. Nói về lý do chọn xét tuyển vào ngành Công an như 2 người chị, Diệu bộc bạch: “Thấy 2 chị khoác lên người màu áo ấy em rất thích nên quyết tâm học theo”. 
Em Trần Thị Mỹ Diệu và bố. Ảnh: Phương Duyên
Em Trần Thị Mỹ Diệu và bố. Ảnh: Phương Duyên
Chị cả Trần Thị Mỹ Trinh kể thêm về khởi nguồn đam mê của cả 3 chị em: “Hồi trước, ba tôi có nhiều sách về văn học, lịch sử, tôi đọc thấy thích nên bắt đầu tìm hiểu. Cả 3 chị em lại đều được học thầy Hoàng Hồng Quân, giáo viên môn Lịch sử của trường. Thầy dạy rất giỏi, tâm huyết và vui tính. Ngoài thông tin trong sách giáo khoa, thầy còn kể thêm nhiều câu chuyện làm mình thấy thích thú với môn học này. Thầy chịu khó tìm kiếm tư liệu quý hiếm để trao đổi với học trò, giúp mở rộng kiến thức”. Nhờ vậy, năm lớp 11, chị Trinh đạt giải ba kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh; năm lớp 12 thì “ôm” luôn giải nhất. Còn Trần Thị Thu Hà tại kỳ thi trên cũng từng đạt giải khuyến khích (lớp 11) và nhì (lớp 12).
Thầy Hoàng Hồng Quân-giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Anh Hùng Núp: “Trong 14 năm thành lập, nhà trường có 3 giải nhất cấp tỉnh môn Lịch sử thì chị em Trinh, Diệu đã giành đến 2 giải. Đặc biệt, cả 3 chị em rất năng nổ, đều được bầu là Bí thư Chi Đoàn, đều mê ngành Công an. Thành tích các em mang về là niềm tự hào chung của nhà trường để từ đó tiếp tục phấn đấu dạy tốt-học tốt”. 
Nói về sự bổ trợ của môn Lịch sử trong công việc hiện tại, chị Trinh cho hay bộ môn giúp nâng cao khả năng suy luận, lập luận, không nhìn vấn đề đơn giản như sự việc xảy ra trước mắt mà chú ý tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Khi tham gia những cuộc thi viết do ngành phát động liên quan đến lịch sử, đường lối chính trị… chị có nhiều lợi thế từ sự am hiểu lịch sử nước nhà. Trên hết, môn Lịch sử giúp bồi đắp tình yêu Tổ quốc đối với mỗi công dân, đặc biệt là với những người công tác trong ngành Công an, Quân đội.  
“Tổng kết” về thành tích học tập của các con, lão nông Trần Tuấn Vinh tự hào: “Tôi rất mừng, cứ đứa sau theo đứa trước mà tự giác học hành. Riêng Hà thi năm đầu không đủ điểm vào ngành Công an nên học ngành Luật. Sau đó 1 năm, nó vẫn quyết tâm thi vào Đại học Cảnh sát nhân dân”. Ông Vinh kể, trước kia, ông đủ điểm theo học đại học ngành Sư phạm nhưng thời ấy đồng lương nghề giáo quá thấp nên ông quyết định ở nhà làm nông. Cùng gia đình từ Quảng Ngãi lên cao nguyên lập nghiệp năm 2001, vợ chồng ông chỉ biết dựa vào đôi bàn tay mà trồng lúa, mía, mở tiệm sửa xe. Có kiến thức nền tảng nên ông chú ý rèn con cái học tập ngay từ tiểu học để khỏi hổng kiến thức, từ đó mới ham học, tự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp. Lão nông một đời sương gió để lo cho con cái ăn học đúc kết: “Tôi tâm niệm mình phải là ngọn nến thắp lên soi sáng, định hướng tương lai cho con. Tài sản lớn nhất mình để lại cho chúng không có gì quý giá hơn ngoài cơ hội tìm kiếm tri thức”.  
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm