Hiện là nghiên cứu sinh năm cuối với học bổng toàn phần tại ĐH Chung Ang (Hàn Quốc), anh Võ Đình Nam (38 tuổi, người Đà Nẵng) là một minh chứng rõ nét cho câu chuyện có nghị lực lớn sẽ vượt qua mọi thử thách.
Anh Võ Đình Nam (trái) cùng đại diện ban thư ký Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc tặng kỷ niệm chương cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhân chuyến thăm và làm việc của bà với Quốc hội Hàn Quốc năm 2019 - Ảnh: N.VÕ |
Anh Võ Đình Nam, ủy viên ban thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cùng ban chấp hành VSAK hiện góp phần đáng kể giúp công tác hội và phong trào sinh viên tại Hàn Quốc không ngừng lớn mạnh, góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai nước. TS Phạm Hải Chiến (nguyên chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc) |
Từ thành phố Seoul, anh đã trải lòng với Tuổi Trẻ: "Cho dù hiện tại ở Hàn Quốc dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, tôi vẫn làm những công việc như mọi ngày theo thời gian biểu, nhưng hạn chế đi ra ngoài vào các dịp cuối tuần cũng như hạn chế tối đa gặp gỡ bạn bè, đeo khẩu trang và sát trùng tay thường xuyên theo khuyến cáo của WHO và chính quyền địa phương.
Với nghiên cứu sinh như tôi thì công việc nghiên cứu đòi hỏi sự tập trung thời gian và tính tự giác tuân thủ kỷ luật trong công việc rất cao".
* Động lực để anh du học khi độ tuổi không còn trẻ, đã có sự nghiệp ổn định và gia đình có con nhỏ?
- Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể chạy bộ, cho đến khi tôi bắt đầu tập luyện và chạy Giải Seoul marathon năm 2019. Mặc dù tuổi gần 40 và là lần đầu tiên trong đời chạy marathon nhưng tôi đã đăng ký ở hạng mục 21km.
Khi chinh phục được quãng đường đó, tôi cảm thấy việc vượt qua giới hạn của bản thân thật sự ý nghĩa. Sự học cũng như chạy marathon, đòi hỏi chúng ta phải có sự bền bỉ để vượt qua những thử thách, tiếp thêm niềm tin vào bản thân. Nhưng mặt khác, học tập là một hành trình suốt đời mà ta càng đi sẽ càng thấy bao la và thú vị.
Tôi muốn các con của mình sau này có thể nhìn vào hình ảnh của bố để hiểu rằng nếu cố gắng hết sức thì không việc gì là không thể làm được, và chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu.
* Đề tài nghiên cứu anh đang thực hiện có liên quan đến Việt Nam?
- Đề tài nghiên cứu của tôi liên quan đến việc đưa ra khuyến nghị cho khách hàng dựa vào phân tích dữ liệu thu thập được về lịch sử của hành vi người dùng. Đây là một chủ đề phổ biến hiện nay, là một trong những thế mạnh của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phục vụ cuộc sống.
Chủ đề này có thể ứng dụng trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến thương mại, dịch vụ và không giới hạn về mặt địa lý, ngành nghề nào.
Hiện nay ở Việt Nam một số ngành đang có tốc độ tăng trưởng nhanh là bán lẻ, giải trí, giáo dục, du lịch, dịch vụ tài chính cá nhân. Đối với những ngành này, việc áp dụng lĩnh vực nghiên cứu của tôi sẽ rất phù hợp và mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng.
Chẳng hạn như nếu áp dụng vào lĩnh vực dịch vụ tài chính cá nhân, dựa trên dữ liệu lịch sử hành vi khách hàng đã thu thập được, tôi có thể sử dụng mô hình phân tích của mình đưa ra khuyến nghị cho các công ty trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ, lựa chọn phương thức marketing truyền thông tích hợp nào để đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng mục tiêu. Bằng việc áp dụng AI, mô hình này có khả năng dự báo chính xác kiểu hành vi của người tiêu dùng.
* Từng rơi vào trạng thái tự kỷ vào năm cấp II, anh đã vượt qua như thế nào? - Bất kỳ ai cũng có thể gặp thử thách, khó khăn đáng kể trong một giai đoạn nào đó của cuộc sống. Quan trọng là cách chúng ta đối mặt và vượt qua điều đó như thế nào. Bản thân tôi thời cấp II đã gặp biến cố về sức khỏe như bạn đã biết. Đó quả thật là giai đoạn vô cùng khó khăn. Tôi may mắn có gia đình luôn bên cạnh, là chỗ dựa vững chắc giúp tôi vượt qua mọi thứ. Dĩ nhiên những nốt trầm trong quá khứ có thể để lại phần nào đó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình trong hiện tại và tương lai, nhưng tôi nghĩ nếu hiểu rõ được bản thân và mục đích sống của chính mình thì chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra các biện pháp cụ thể và khả thi để vượt qua, vươn lên mạnh mẽ. |
Theo CÔNG NHẬT (TTO)