Cậu học sinh ở trường huyện Chư Păh sáng tạo vì cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ X-2022, em Trần Đăng Khoa (lớp 12A7, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh) đã đạt giải nhì và giải khuyến khích với các sản phẩm thuộc lĩnh vực tin học. 2 sản phẩm này đều có tính sáng tạo với mục đích hết sức nhân văn, đó là hỗ trợ giao tiếp cho người câm/điếc và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Những ứng dụng hữu ích
“Những người câm/điếc chỉ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Trong khi đó, người bình thường biết giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu lại rất ít. Rào cản về giao tiếp khiến những người câm/điếc gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì thế, em đã nghiên cứu, lập trình “Ứng dụng học ngôn ngữ và hỗ trợ giao tiếp cho người câm/điếc (sign talk)”. Ứng dụng này giúp người bình thường hiểu được những gì người câm/điếc muốn nói, đồng thời là công cụ giúp những người bình thường có khả năng giao tiếp với người câm/điếc bằng ngôn ngữ ký hiệu”-Khoa chia sẻ.
Từ tháng 12-2021, Khoa đã lên ý tưởng thực hiện sản phẩm. Được sự hỗ trợ của thầy Nguyễn Văn Huỳnh-giáo viên môn Tin học của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, em đã lên kế hoạch tìm hiểu, sáng tạo và cuối cùng ứng dụng “sign talk” dịch ký hiệu đã ra đời.
Khoa giải thích, về nguyên lý hoạt động, người dùng chỉ cần tải, cài đặt ứng dụng về điện thoại và cho phép các quyền truy cập để sử dụng. Nếu muốn dịch từ ngôn ngữ thông thường sang ngôn ngữ ký hiệu thì server sẽ lập tức tải file “signdata.pth”-đây là file chứa dữ liệu ngôn ngữ ký hiệu. Dưới sự trợ giúp của “trợ lý ảo Ebot”, server sẽ phân tích và so sánh dữ liệu đầu vào với các thẻ chứa dữ liệu ngôn ngữ ký hiệu trong file “signdata.pth”.
Em Trần Đăng Khoa (bìa phải) chia sẻ với em trai về lập trình “Ứng dụng học ngôn ngữ và hỗ trợ giao tiếp cho người câm/điếc”. Ảnh: Phan Lài
Em Trần Đăng Khoa (bìa phải) chia sẻ với em trai về lập trình “Ứng dụng học ngôn ngữ và hỗ trợ giao tiếp cho người câm/điếc”. Ảnh: Phan Lài
Ứng dụng nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu thông qua camera, hình ảnh, video. Nếu người dùng chưa có ảnh chứa dữ liệu ngôn ngữ ký hiệu thì có thể chụp trực tiếp trên ứng dụng bằng thao tác đơn giản là hướng camera vào phía cử chỉ ngôn ngữ ký hiệu rồi chụp lại. Nếu đã có sẵn dữ liệu ảnh hay dữ liệu video muốn nhận dạng, người dùng có thể truy cập vào kho lưu trữ, tải dữ liệu lên ứng dụng. Sau đó, ứng dụng sẽ tự động chuyển đổi file ảnh hay video về dạng dữ liệu Base64 rồi gửi đến server. Server sẽ tự động chuyển đổi dữ liệu dạng Base64 về từng loại dữ liệu theo định dạng ban đầu của nó. Sau khi server nhận được dữ liệu, ứng dụng sẽ tiến hành nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu có trong video hay ảnh bằng thuật toán xử lý ảnh. Từ đó xuất kết quả (văn bản, ảnh, video) rồi trả kết quả về ứng dụng. “Ứng dụng dữ liệu có hơn 200 ngôn ngữ ký hiệu mà người câm/điếc thường sử dụng hàng ngày. Khi giao tiếp với người câm/điếc, ứng dụng có thể chuyển đổi từ ngôn ngữ của người bình thường sang ngôn ngữ ký hiệu, từ đó người bình thường sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người câm/điếc”-Khoa thông tin.
Ngoài ứng dụng trên, Khoa còn tham gia cuộc thi với sản phẩm “Ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà”. Sản phẩm được lập trình bằng ngôn ngữ python. Kho dữ liệu có hơn 3.000 câu hỏi và có phần giải đáp liên quan đến các chủ đề Covid-19, tiêm vắc xin, cách phòng một số bệnh thông thường, chế độ ăn dinh dưỡng và một số câu hỏi khác liên quan đến lĩnh vực y tế. Người dùng có thể tải và cài đặt ứng dụng để sử dụng một cách dễ dàng, thuận lợi khi tra cứu; đồng thời nâng cấp dữ liệu cho ứng dụng mà không cần phải cài đặt lại từ đầu.
Thành quả của sự nỗ lực

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ X: Qua đánh giá, 2 sản phẩm của em Trần Đăng Khoa đều có tính mới, tính ứng dụng cao và hướng đến việc chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giao tiếp cho người câm/điếc. Ban tổ chức đã chọn gửi “Ứng dụng học ngôn ngữ và hỗ trợ giao tiếp cho người câm/điếc” tham gia cuộc thi toàn quốc và hy vọng sẽ đạt kết quả cao. 

Để tạo ra những ứng dụng hữu ích này, Khoa đã trải qua không ít lần thất bại. Vì lập trình hoàn toàn trên máy tính nên em phải nắm vững rất nhiều kiến thức tin học. Khoa thử nghiệm, lựa chọn những mô hình cơ sở dữ liệu ổn định, các lệnh truy xuất, thuật toán khá phức tạp. Với sự hỗ trợ, động viên của giáo viên trong trường, Khoa đã nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm. Thầy Nguyễn Văn Huỳnh đồng hành cùng Khoa từ khi lên ý tưởng đến hoàn thành ứng dụng. “Trường THPT Mạc Đĩnh Chi rất quan tâm đến các cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh. Từ khi học sinh hình thành ý tưởng, nhà trường xem xét và cử giáo viên hướng dẫn. Với các sản phẩm sáng tạo của Khoa, tôi chỉ hỗ trợ, gợi ý cho em một số dữ liệu cần thiết, còn lại là do em tự nghiên cứu”-thầy Huỳnh cho hay.
Tại cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ X, năm 2022, em Trần Đăng Khoa (lớp 12A7, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh) đã giành được 1 giải nhì, 1 giải khuyến khích. Ảnh: Phan Lài
Tại cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ X, năm 2022, em Trần Đăng Khoa (lớp 12A7, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh) đã giành được 1 giải nhì, 1 giải khuyến khích. Ảnh: Phan Lài
Tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ X, cả 2 ứng dụng của Khoa đều được Ban giám khảo đánh giá cao vì có tính sáng tạo và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Trong đó, ứng dụng “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà” đạt giải khuyến khích; “Ứng dụng học ngôn ngữ và hỗ trợ giao tiếp cho người câm/điếc (sign talk)” đạt giải nhì và được Ban tổ chức lựa chọn tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18-2022. Khoa chia sẻ: “Khi tham gia cuộc thi, em nhận được những đánh giá, góp ý của Ban giám khảo để chỉnh sửa, hoàn thiện ứng dụng. Người dùng chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể cài đặt ứng dụng này. Sắp tới, em sẽ đem ứng dụng của mình cài đặt miễn phí cho những ai có nhu cầu, đặc biệt là người bị câm/điếc, từ đó giúp họ thuận lợi hơn trong giao tiếp cũng như chăm sóc sức khỏe”.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm