Tự mình học hỏi, tìm tòi để sáng tạo ra sản phẩm mang hình dáng độc lạ, chàng trai 27 tuổi chọn nghề rất lạ... bóp bong bóng nghệ thuật.
Không từ bỏ ý định
Không tìm được động lực học tập sau khi thi vào một trường ngành y, Hoàng Hà (xã Hải Thái, H.Gio Linh, Quảng Trị) lặn lội vào TP.HCM vào năm 2014, với hy vọng tìm kiếm được một nghề phù hợp với bản thân.
Hà quyết theo đuổi nghề tạo hình bong bóng nghệ thuật. Ảnh: Bá Cường |
Đến TP.HCM, Hà xin vào các khu trung tâm thương mại, siêu thị làm nhân viên bán hàng. Từ đó, Hà có dịp chứng kiến các anh, các chú bằng đôi tay của mình đã biến những chiếc bong bóng đơn giản thành con lân, con phượng…rất bắt mắt, vô tình đã truyền cảm hứng cho anh.
Thế là, anh tìm đến các người thợ tạo hình bong bóng, ngỏ ý xin học nghề. “Tuy nhiên, các anh ngay lập tức từ chối mình bởi đây chính là nghề duy nhất để họ kiếm sống qua ngày. Giữa thành phố lớn này, truyền nghề đồng nghĩa với việc bát cơm của họ sẽ bị chia đôi. Mặc dù khá buồn nhưng mình cũng thông cảm cho họ”, Hà nói.
Không từ bỏ ý định, Hà vẫn quyết tâm học cho bằng được nghề tạo hình bong bóng. Anh lên các trang mạng xã hội xem clip hướng dẫn rồi mua bong bóng, máy bơm về làm theo. Thời gian làm nhân viên bán hàng, Hà lại chăm chú quan sát các nghệ nhân làm như thế nào rồi về nhà vận dụng.
Với Hà mỗi quả bong bóng là cả một quá trình sáng tạo. Ảnh: Bá Cường |
Bén duyên với nghề nhanh chóng nên chỉ mất 1 tuần tự học, Hà có thể đem sản phẩm của mình ra bày bán trước cổng trường mầm non, trường tiểu học mỗi khi đến giờ tan trường. Cứ như vậy trong suốt 1 năm, chàng trai trẻ vừa tập luyện nâng cao tay nghề vừa mang sản phẩm mình đem đi bán mỗi ngày.
Tuy nhiên, sau một thời gian, cảm thấy dù mình đã tìm được công việc phù hợp nhưng những quả bong bóng vẫn chưa đủ để giúp Hà sống lâu dài tại một thành phố lớn như TP.HCM. Năm 2015, anh quyết định quay về quê hương, tiếp tục làm nghề tạo hình bong bóng.
Nghề nặn bong bóng nghệ thuật đòi hỏi đôi tay tỉ mỉ. Ảnh: Bá Cường |
Có dịp làm việc tại TP.Huế, Hà gặp được một người bạn chuyên làm về tổ chức sự kiện và được gợi ý về việc khoác lên mình bộ đồ chú hề để thu hút khách hàng. Ban đầu, Hà có hơi e ngại, nhưng sau vài lần khoác lên bộ đồ sặc sỡ của chú hề đi làm sự kiện cùng người bạn, anh thấy quen dần rồi từ đó sắm thêm áo quần, đặt nghệ danh cho mình.
Đằng sau nụ cười mua vui của “chú hề Bom Bi”
Với nghệ danh “Chú hề Bom Bi”, đến nay Hoàng Hà đã gắn bó với nghề tạo hình bong bóng nghệ thuật gần 6 năm. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra thuận lợi với “Chú hề Bom Bi”.
Chia sẻ về những khó khăn trong nghề, Hà cho biết cảm giác tồi tệ nhất có lẽ là khi bị hủy show. “Chú hề Bom Bi” mất khá nhiều thời gian để lên ý tưởng, chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi buổi tiệc, nhưng vì một lý do gì đó chương trình không cần đến sự xuất hiện của chú hề và điều đó giống như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào ngọn lửa đam mê của anh. Bên cạnh đó, không ít người vẫn xem đây là một nghề thấp kém, chỉ để kiếm vài ba đồng bạc lẻ sống qua ngày.
Những hình thù ngộ nghĩnh được Hà tạo ra từ quả bong bóng. Ảnh: Bá Cường |
“Thi thoảng bạn bè, làng xóm vẫn thì thầm to nhỏ về nghề của mình. Họ thắc mắc sao mình lại chọn cái nghề ăn mặc sặc sỡ, nhảy múa dưới trời mưa, trời nắng chỉ để làm trò mua vui. Dù cũng có chút tự ti nhưng rồi mình cũng sớm cho qua và tiếp tục với nghề. Những trái bóng, bộ quần áo sặc sỡ lại là thứ làm mình có động lực, có niềm vui và cũng để kiếm thêm thu nhập”, Hà chia sẻ.
“Chú hề Bom Bi” cũng cho biết trung bình mỗi tháng anh kiếm được 2-3 triệu đồng từ biểu diễn tạo hình bong bóng. Trong những dịp Trung thu, Giáng sinh hay Tết, có lúc anh chỉ làm vài ngày mà thu về 5-6 triệu đồng.
Mặt khác, “Chú hề Bom Bi” còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, đến những huyện vùng sâu vùng xa để biểu diễn hoặc về trường khuyết tật nặn bong bóng, nhảy múa, giúp các em có thêm tiếng cười.
Nụ cười của trẻ em chính là thứ tạo thêm động lực cho “Chú hề Bom Bi” tiếp tục cố gắng theo đuổi nghề. Ảnh: Bá Cường |
“Đối với mình, tạo hình bong bóng không chỉ là một nghề tạm bợ, kiếm đồng tiền nhỏ sống qua ngày. Đây là một nghề mang lại niềm vui cho người khác mà không phải muốn là làm được, phải có đam mê, phải bỏ công sức và cũng phải có năng khiếu. Bởi đã gọi là nghệ thuật tạo hình bong bóng thì không đơn giản chỉ dừng lại ở cái nghề mà còn là thứ làm đẹp cho đời, cho xã hội”, Hà chia sẻ.
Trong tương lai, “Chú hề Bom Bi” mong muốn sẽ thành lập một doanh nghiệp nhỏ chuyên về trang trí, tổ chức sự kiện. Chàng trai trẻ hy vọng những chiếc bong bóng màu sắc của mình sẽ luôn là thứ tô điểm, mang lại năng lượng tích cực cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, trẻ em sống tại vùng sâu vùng xa.
Theo Bá Cường (TNO)