Chàng trai Bahnar nặng lòng với văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ truyền thống, anh Rmah Mich (SN 1993, dân tộc Bahnar, làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) còn bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc đến với mọi người.
Trong hành trình “giữ lửa” truyền thống, anh Mich là thanh niên duy nhất của tỉnh được vinh danh trong lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 với chủ đề “Đường đến ước mơ”. Lễ tuyên dương do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức vào tối 29-12-2020.
Để hiểu hơn về những đóng góp của anh Mich với văn hóa dân tộc, chúng tôi tìm đến nhà của anh ở làng Hek. Trong ngôi nhà nhỏ, anh Mich cẩn thận treo bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại vị trí trang trọng. Anh Mich hào hứng kể về công việc mình đang làm: “Bố tôi đánh cồng chiêng rất giỏi và thuộc nhiều bài dân ca. Mỗi lần làng tổ chức lễ hội, ông là thành viên chính của đội. Tôi được hun đúc niềm đam mê từ bố và dần dần cũng bộc lộ được năng khiếu nghệ thuật”.
Thấy anh có năng khiếu và đam mê văn hóa truyền thống, năm 2013, gia đình đã tạo điều kiện để anh đi học chuyên ngành Thanh nhạc tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Qua nghiên cứu, anh Mich biết rằng nhiều người trẻ đang gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong khi tại nơi anh sinh ra, người trẻ lại không còn đam mê. Nếu không gìn giữ thì một ngày không xa, cồng chiêng, bản sắc văn hóa của buôn làng, dân tộc mình sẽ bị mai một. Thấy rõ thực trạng ấy, người có tâm huyết với văn hóa dân tộc như anh Mich không khỏi lo lắng.
Anh Rmah Mich nhận bằng khen của Ủy ban Dân tộc tại lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020. Ảnh: Phan Lài
Anh Rmah Mich nhận bằng khen của Ủy ban Dân tộc tại lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020. Ảnh: Phan Lài
Trở về sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, anh Mich thấy mình phải có trách nhiệm với văn hóa của dân tộc. Nghĩ là làm, anh đến nhà già làng xin ý kiến và nhận được sự cổ vũ. Anh cũng gặp gỡ những người già am hiểu truyền thống để tìm hiểu những câu chuyện, ghi chép từng bài dân ca. Nhưng nhiều bài dân ca, bài chiêng cổ, người già trong làng chỉ thuộc một vài đoạn, chàng trai trẻ Rmah Mich lại phải đi “tầm sư, học đạo” ở những người Bahnar khác trong vùng. Càng đi sâu tìm hiểu, anh Mich càng khám phá ra nhiều điều hay và say mê với công việc mình làm.
Năm 2018, anh Mich vận động 20 người trong độ tuổi từ 12 đến 29 để thành lập đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Hek. Nói thì dễ nhưng quá trình vận động gặp nhiều khó khăn, các em nhỏ tuổi bận học, thanh niên bận việc nương rẫy. Anh Mich phải nhờ cậy sự giúp đỡ, vận động của Bí thư chi bộ, người uy tín trong làng mới tập hợp được đội ngũ ưng ý nhất.
Với sự dìu dắt của anh Rmah Mich, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Ảnh: Phan Lài
Với sự dìu dắt của anh Rmah Mich, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Ảnh: Phan Lài
Ông Trần Quang Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai: Những việc làm của anh Rmah Mich đã góp phần làm thay đổi nhận thức của đoàn viên, thanh niên trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, thanh niên và các em thiếu nhi. Đảng ủy, UBND xã luôn cổ vũ, động viên và tạo điều kiện để anh Rmah Mich thực hiện các hoạt động ý nghĩa, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Sau 4 tháng, dưới sự dìu dắt của anh, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Hek đã biểu diễn thuần thục những bài chiêng truyền thống của dân tộc. Từ những âm thanh rời rạc ban đầu, qua sự hướng dẫn tận tình của anh Mich đã dần trở nên tròn vành, rõ nhịp. Đội cồng chiêng làng Hek đã tham gia rất nhiều hội diễn, hội thi cấp huyện và tỉnh. Ấn tượng là giải nhất nội dung diễn xướng cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ trong Hội thi Văn hóa-Thể dục thể thao các dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện lần thứ XI-2019; giải A thể loại hát dân ca, giải B biểu diễn nhạc cụ tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca, độc tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu niên lần thứ IV-2019 do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Những kết quả đạt được giúp chàng trai người Bahnar thêm động lực để cùng thế hệ trẻ bảo tồn, gìn giữ văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Không chỉ làng Hek, anh Mich còn giúp đỡ làng Pông (xã Chư A Thai) thành lập đội cồng chiêng thanh-thiếu niên với 20 thành viên. Tháng 10-2019, anh Mich phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai) dạy cồng chiêng miễn phí cho 25 học sinh. Từ sự tiến bộ của các em, những đội cồng chiêng thanh-thiếu niên được thành lập, anh Mich hy vọng, nhịp chiêng trong các làng sẽ còn vang mãi. Ông Đinh Mập-già làng làng Hek-cho biết: “Mich là người trẻ nhưng lại đam mê văn hóa dân tộc nên mình rất thương, rất quý. Có cháu Mich, tiếng chiêng, những lời dân ca sẽ không bị mai một. Sức trẻ và tâm huyết, mình tin đội cồng chiêng do cháu Mich thành lập sẽ có thêm nhiều thành viên tham gia, đạt được nhiều thành tích hơn nữa”.
Anh Rmah Mich đang giữ chức Phó Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Chư A Thai. Cùng với khơi dậy niềm đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, anh Mich còn vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, qua đó, huy động được hơn 1.500 ngày công giúp người dân di dời nhà ở, chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, làm vườn rau xanh. Các hoạt động tình nguyện “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ bảy tình nguyện” được Đoàn xã, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã triển khai phát huy rất tốt tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm