Chàng trai Đắk Lắk ôm mẹ bán cá gây'bão mạng':'Yêu mẹ có gì phải giấu'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 3 năm đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, chàng trai ở Đắk Lắk Nguyễn Đình Sơn bí mật trở về quê nhà, anh đóng giả là người mua cá của mẹ, mẹ anh sau phút bất ngờ đã ôm chầm lấy con trong hạnh phúc.
Sơn ôm mẹ nghẹn ngào giữa chợ cá sau 3 năm đi làm việc ở xứ người
Sơn ôm mẹ nghẹn ngào giữa chợ cá sau 3 năm đi làm việc ở xứ người
 
Trong khi đó, bố của Sơn, sau một hồi “chửi con trai không trượt phát nào” đã nhấc bổng con trai lên trong sung sướng và khóc nức nở. Mới đây, rất nhiều người trẻ dùng mạng xã hội đã cùng nhau chia sẻ (share) clip chàng trai Đắk Lắk ôm mẹ bán cá sau 3 năm đi xuất khẩu lao động, chỉ sau vài ngày, video đã đạt hàng triệu lượt xem, hàng trăm bình luận.
Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Đình Sơn, 23 tuổi, người con trai đi xa trở về trong clip này cho biết, anh muốn gây bất ngờ với bố mẹ, nên đã về Việt Nam sớm hơn lịch thông báo với bố mẹ nhiều ngày. Sau đó, bí mật bàn với người anh họ của mình quay lại clip anh và bố mẹ trong phút hội ngộ mong muốn chỉ để lưu lại kỷ niệm, không ngờ đã chinh phục cảm xúc của quá nhiều người.
Phút giây mẹ ôm tôi, tôi không thể nào quên được
Nguyễn Đình Sơn kể lại, anh từ sân bay Tân Sơn Nhất về tới xã Ea Kar Mút, huyện Ea Kar, Đắk Lắk lúc 4 giờ sáng, sau đó anh ghé nhà người anh họ để “trốn”. Sau khi đi thăm mộ ông bà nội, 6 giờ, anh xuống chợ 721 nơi mẹ đang bán cá.
Nguyễn Đình Sơn đang học ở TP.HCM
Nguyễn Đình Sơn đang học ở TP.HCM
“Vừa nhìn thấy mẹ tôi đã muốn chạy lại ngay tới chỗ mẹ, ôm mẹ, nhưng vẫn kìm lòng. Tôi bịt kín mặt và bảo mẹ là “cô ơi con lấy con cá này ạ”. Mẹ bảo con này 105.000, bớt cho con 5.000, tôi lại bảo con cá này bự quá nhà con ăn không hết lấy giùm con con khác. Có vẻ mẹ hơi nghi nghi, mẹ nghi tôi là đứa hàng xóm ở cạnh nhà. Tôi mới bỏ khẩu trang ra, mẹ cười cười nhưng vẫn chưa nhận ra tôi, sau mẹ giật mình, mẹ bảo “Ôi thằng còi mày đã về đây rồi”, mẹ chửi rồi hai mẹ con cứ thế ôm nhau giữa chợ. Cảm giác lúc đó không thể diễn tả được, đến giờ tôi vẫn không thể quên được”, Sơn xúc động.
Sơn kể tiếp: “Khi tôi về tới nhà, bố đang cho gà ăn, tôi sốt ruột lắm, muốn ôm, muốn nhìn bố lắm rồi mà không thấy. Anh họ tôi kêu bố ra nói rằng cho anh mượn chìa khóa xe, tôi chạy lại chỗ bố, bố bất ngờ quá, bố chửi tôi không trượt phát nào rồi bố nhấc bổng tôi lên, bố khóc, thương bố vô cùng”.
“Yêu thương cha mẹ, ông bà, có gì phải giấu”
Nguyễn Đình Sơn thừa nhận, mình là con trai nhưng có lúc rất yếu đuối, sống tình cảm. Anh hay tâm sự với mẹ, chia sẻ khó khăn với bố, đặc biệt rất yêu thương bà ngoại, năm nay đã 70 tuổi. Mới đây, khi bà ngoại xuống TP.HCM khám bệnh, Sơn đưa bà đi thăm nhiều nơi trong thành phố, chụp ảnh cùng bà, đưa bà đi ăn những món ăn ngon.
“Đây là lần thứ hai bà ngoại được đi chơi, bà nói với tôi như vậy, lần đầu là cậu Diệu, cậu của tôi dẫn bà đi Nha Trang một chuyến. Đi chơi xong bà nói với tôi một câu, cuộc đời bà đến nay sống như vậy là mãn nguyện lắm rồi, tôi giật mình. Ngày xưa, tôi hay bị bố đánh, mỗi lần đó lại chạy tới chỗ bà, lục cơm của bà ra ăn, bà nấu ăn ngon vô cùng, nhất là cá kho”, Sơn bồi hồi.
 Sơn bảo sẽ cố gắng làm tất cả những gì để cha mẹ không còn vất vả
Sơn bảo sẽ cố gắng làm tất cả những gì để cha mẹ không còn vất vả
Chàng trai sinh 23 tuổi chia sẻ anh không hề cảm thấy ngại khi bày tỏ tình cảm yêu thương với những người thân yêu, như ôm bố, ôm mẹ, ôm bà và nói những lời thương yêu tới bà. “Đó là những chuyện hết sức bình thường, mình yêu gia đình mà, có gì phải ngại và che giấu?”.
“Chứng kiến mẹ cha quá vất vả, tôi quyết đi Nhật lao động”
Sơn tốt nghiệp trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, chứng kiến cha mẹ nhiều lần to tiếng với nhau chuyện tiền nong, lo các con học hành mà kinh tế khó khăn, Sơn xác định không thi ĐH mà đi học tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động.
Sơn làm việc tại một công ty thực phẩm tại tỉnh Ibaraki, giáp với Tokyo, 3 tháng đầu chuyên cắt bắp cải, từ tháng thứ tư cho đến khi hết hạn 3 năm làm việc, anh chuyên công việc lái xe nâng trong nhà kho và cả ngoài trời.
“3 năm vất vả không kể hết được. Những ngày đầu mới qua Nhật, tôi hoàn toàn đơn độc không biết ai, tôi nghĩ chắc mình phải bỏ cuộc thôi nhưng nghĩ tới gia đình, bố mẹ bán ruộng vườn lấy tiền lo chi phí cho mình sang đây, tôi lại cố gắng. Chúng tôi làm việc không có lễ tết, cả tuần chỉ nghỉ một ngày. Mùa đông nhiệt độ âm 9 độ, lái xe nâng ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, tôi phải mặc 6 cái áo dài, 2 cái áo khoác, 5 cái quần mà vẫn thấy rét. Ngày nào cũng làm từ 8 giờ sáng tới 20 giờ tối, có dịp cao điểm tới 1 rưỡi sáng hôm sau mới được trở về nhà”, Sơn nhớ lại.
Gia đình hạnh phúc của Sơn với cha mẹ và anh trai, chị gái, anh rể
Gia đình hạnh phúc của Sơn với cha mẹ và anh trai, chị gái, anh rể
Nhưng, những lúc cô đơn, buồn bã nhất với chàng trai trẻ ở xứ người, chính là những ngày tết: “Ngày 30 tết bố gọi điện, tôi không kìm được nước mắt, nhà 4 người sum họp chỉ thiếu mình tôi, tôi tắt máy, trùm mền, cứ thế khóc. Hôm sau là ngày mùng 1 tết, tôi bịt kín khẩu trang, vừa lái xe nâng vừa rớt nước mắt”.
Tiết kiệm tiền sau 3 năm, chàng trai Đắk Lắk Nguyễn Đình Sơn tặng lại bố mẹ 2 năm tiền lương, chỉ giữ lại 1 năm để làm chi phí học tập tiếp. Hiện Sơn đang học thêm tiếng Anh và tiếng Nhật ở TP.HCM, mong muốn có công việc ổn định để cha mẹ yên tâm. Có một điều khiến anh luôn thấy ấm áp và có thêm động lực trước tất cả các khó khăn, đó chính là cha mẹ luôn ở trong tim, phía sau anh là cả một gia đình.
Thúy Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm