(GLO)- Trở về sau một chuyến du lịch, chàng trai Nguyễn Tú Anh (SN 1985, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) bỗng dậy lên một nỗi trăn trở phải làm gì đó để giúp cho những em nhỏ vùng cao có cuộc sống tốt hơn. Thế rồi, anh hạ quyết tâm phải lập được 1.001 thư viện miễn phí cho các em. Từ năm 2011 đến nay, anh cùng nhóm Chủ nhật yêu thương đã lập 600 thư viện, trao tặng hơn 1 triệu cuốn sách.
Mỗi sáng cuối tuần, Chủ nhật yêu thương lại tập hợp tại căn nhà rộng khoảng 90 m2 ở TP. Thủ Đức để phân loại, đóng gói, gửi sách đến nơi có nhu cầu nhận sách miễn phí.
Anh Nguyễn Tú Anh cùng Chủ nhật yêu thương đem tri thức đến với trẻ em vùng cao. Ảnh nguồn TTO |
Tú Anh chia sẻ với Vietnamnet: “Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện 5-6 hệ thống thư viện. Đầu tiên là thư viện trong trường học, thư viện trong nhà văn hóa thôn bản, thư viện trong gia đình, trong cơ sở tôn giáo như: nhà thờ, chùa, thậm chí là nhà tù… Do đó, ngoài việc nhận sách từ người có tấm lòng, nhóm còn trích tiền đóng góp của các thành viên để mua các loại sách lịch sử, văn học nghệ thuật, truyện tranh, sách giáo dục kỹ năng, nhân cách, khoa học thường thức, thể thao, ngoại ngữ… Sau đó, chúng tôi phân loại sách cho phù hợp với từng hệ thống thư viện, từng cấp học, người đọc… rồi mới đóng gói, gửi tặng”.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã tặng trên 1 triệu quyển sách các loại. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, nhóm đã tặng hơn 100.000 quyển. Hoạt động tặng sách, lập thư viện sách miễn phí của Tú Anh và nhóm bạn trải dài trên các tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
Những cuốn sách được anh nâng niu, đem đến cho các em nhỏ vùng cao. Ảnh nguồn VOV |
Tú Anh tâm sự: “Sau hơn 10 năm thực hiện ước mơ giúp đỡ các em, tôi nhận thấy con đường mình đang đi là đúng đắn dù rất chậm. Dù không thể giúp tương lai các em tốt hơn trong ngày một, ngày hai nhưng chúng tôi đã và đang tạo cho các em thói quen đọc sách, trau dồi kiến thức”.
Những năm gần đây, Tú Anh và Chủ Nhật yêu thương nhận về nhiều hơn những kết quả ngoài mong đợi từ hành trình này. Đơn cử như trường hợp của một bạn sinh viên người đồng bào S'tiêng. Sinh viên này là người đầu tiên của bản có thể học đến đại học.
PHƯƠNG VI (tổng hợp)