Chàng trai phượt xuyên Việt bằng xe máy chỉ vì... thích leo đèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong hành trình phượt xuyên Việt của mình Lê Thanh Quang (28 tuổi) chạy xe máy một mình lên nhiều đỉnh đèo, sau đó chầm chậm thả dốc tận hưởng cảm giác chinh phục các đỉnh đèo.
Vi vu khắp nơi bằng xe máy
Lê Thanh Quang sinh ra và lớn lên ở H.Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Từ nhỏ, Thanh Quang bỗng yêu thích các loại xe máy côn tay, thể thao, địa hình. Anh thường xem ti vi, đọc báo hay lướt mạng và tự nghiên cứu về những loại xe máy cho thỏa đam mê.
Năm 18 tuổi, chiếc xe đầu đời Quang có được nhờ cha mẹ mua tặng khi đã hoàn thành xong THPT. “Từ lúc mới có xe, tôi đã nghiên cứu nó, mò mẫm từng chi tiết. Thỉnh thoảng mang xe ra chỉnh sửa đôi chút, làm như vậy khiến tôi có động lực hơn, xe đẹp hơn rồi cứ ngắm hình hài của nó”, Quang chia sẻ.
 
Một trong những đỉnh đèo mà Quang từng chinh phục. Ảnh: NVCC
Một trong những đỉnh đèo mà Quang từng chinh phục. Ảnh: NVCC
Năm 19 tuổi, Quang bắt đầu dấn thân nhiều hơn với xe máy. Minh chứng cho việc này là anh mua đi bán lại nhiều loại xe yêu thích để kiếm lời. Từ số tiền kiếm được nhờ mua bán xe cũ, Quang được thỏa lòng với ước mơ vi vu khắp nơi bằng xe máy.
“Chuyến phượt đầu tiên bằng xe máy của tôi là đến TP.Vũng Tàu với người yêu. Sau đó là những chuyến xe đi đến các tỉnh khu vực Tây nguyên, Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ”, Thanh Quang cho biết.
Những chuyến đi từ ngẫu hứng, ít khi có kế hoạch từ trước cùng bạn bè. Lần vui nhất là khi 5 người bạn cùng chí hướng đi phượt bằng xe máy lên Đà Lạt. Chuyến đi đầy ấp kỷ niệm của tuổi trẻ với sự cố không tìm được nhà nghỉ, phải ngủ tạm, tránh rét ở nơi hoang vắng.
Kế đến những chuyến phượt sau Quang đều đi một mình một xe máy bởi anh muốn cảm nhận, hít thở bầu không khí hùng vĩ của núi rừng Tây nguyên. Được tự do thưởng thức những đặc sản, món ăn dân dã hoặc trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Điều này làm Quang cảm thấy yêu quê hương xứ sở của mình hơn.
Quang cho biết bản thân rất thích du lịch bụi, đặc biệt được đi trên chiếc xe máy yêu thích càng làm tăng thêm sự hứng thú. Đi xe máy với Quang để vừa đi vừa ngắm cảnh, đi tới đâu, dừng tới đó xem khung cảnh và trải nghiệm đời sống người dân bản địa.
 
Lê Thanh Quang một mình đi từ Bình Phước đến tận Tây Bắc
Lê Thanh Quang một mình đi từ Bình Phước đến tận Tây Bắc
Chinh phục các đỉnh đèo
Cuối tháng 8 vừa rồi, từ sự ngẫu hứng, một lần nữa Quang lại leo lên xe và đi. Hành trình lần này dài 20 ngày với hơn 1.000 km từ tỉnh Bình Phước đến tận vùng núi Tây Bắc xa xôi.
“Ngày đầu tiên tôi đi từ tỉnh Bình Phước qua các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum xong rồi tới tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng tham quan với quãng đường khoảng 800 km. Tiếp đến là đỉnh đèo đầu tiên tôi muốn chinh phục là đèo Hải Vân khi đi từ TP.Đà Nẵng ra TP.Huế”, Thanh Quang kể lại.
Từ Huế Quang lại rong ruổi đến các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình rồi lưu lạc đến tận các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình. Cưỡi trên con “chiến mã”, trên lưng là chiếc ba lô, chai nước cứ thế Quang một mình băng băng đến Hà Nội. Ở đây, anh đã khám phá hết các hang cùng ngõ hẻm, tận hưởng ẩm thực thủ đô.
Hành trình hấp dẫn nhất phải kể đến chuyến đi Tây Bắc. Quang rời thủ đô vào chiều mùa thu để lên các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La. Mục đích để vượt qua thử thách bản thân, chinh phục tứ đại đỉnh đèo lớn ở vùng sơn cước này.
Đèo đầu tiên Quang chinh phục là Mã Pí Lèng ở tỉnh Hà Giang, thứ hai là đèo Ô Quy Hồ của tỉnh Lai Châu, thứ ba là đèo Pha Đin thuộc tỉnh Sơn La, cuối cùng là đèo Khau Phạ thuộc tỉnh Yên Bái. Những con đèo này có độ cao lên đến 1.200 m so với mực nước biển, độ dốc lớn, đường quanh co hiểm trở. Một bên là núi còn một bên là vực sâu.
Ấy vậy mà, Quang vẫn muốn chinh phục nó không chỉ một lần mà đến 2 lần. “Tôi leo đèo rồi đổ dốc, xong tôi lại leo đèo thêm một lần nữa. Bởi vì tôi rất thích cảm giác trải nghiệm khi chạy xe máy, đặc biệt là cảm giác đổ những đỉnh đèo nổi tiếng của Việt Nam, đó là một trải nghiệm thú vị”, Quang chia sẻ.
Tuy vậy, ngoài cảm giác thú vị, cũng có những khó khăn khi du lịch một mình cần lưu ý. Khó khăn nhất là đường thường xuyên sạt lở, mưa khá là nhiều nên là đường trơn trượt. Có những đèo rất cao, không có lan can, rất nguy hiểm, mất thời gian di chuyển, khó mua xăng, tìm quán ăn ven đường. Đôi khi phải nhịn đói hoặc uống nước cầm hơi để đi.
Trong hành trình này, điều nhớ nhất của Quang là gặp được những người không quen biết làm bạn đồng hành. “Ví dụ như tôi nhờ họ chụp ảnh rồi thành bạn, kết hợp đi ăn, đi phượt chung”, Quang kể.
Quang cho biết hành trình một mình đi phượt là một trạng thái khó tả. Quang học hỏi được nhiều hơn, được thấy thế giới rộng lớn hơn. Phần khác được là chính mình, thể hiện hết sức trẻ trong những khó khăn mà bạn trẻ nào cũng có thể làm được khi chọn phượt xuyên Việt làm thử thách cho bản thân.
Theo Phạm Hữu (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm