Chàng trai xương thủy tinh chia sẻ hành trình chinh phục Fansipan bằng đầu gối

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bài trải nghiệm của Vũ Ngọc Anh, tác giả tự truyện “Không thể vỡ” sau lần đầu tiên chinh phục đỉnh Fansipan đã khiến hàng ngàn người lay động.
30 năm "kết bạn" với xương thuỷ tinh, 150 lần gãy xương không lấy đi của Vũ Ngọc Anh một giọt nước mắt. “Chàng trai xương thủy tinh” ấy đã leo Lũng Cú, đã phượt khắp Việt Nam, đã ra mắt tự truyện, đã thành lập thương hiệu chuyển phát đường không của riêng mình. Và tháng 2/2016, ngay khi cáp treo Fansipan khánh thành, chàng trai dũng cảm ấy đã ghi thêm một dấu ấn đáng tự hào trong đời: chinh phục nóc nhà Đông Dương bằng hai đầu gối.
Và cho tới tận hôm nay, khi đỉnh Fansipan không còn là điểm đến chỉ của những người thực sự dũng cảm và có đủ sức khỏe, bài viết ấy vẫn còn nguyên đó những giá trị khích lệ to lớn.
Trân trọng dẫn lại nguyên văn nội dung bài trải nghiệm của chàng trai xương thủy tinh.
 
Thử thách cuối hành trình chinh phục 4 cực và 1 điểm
Fansipan, điểm cuối cùng trong hành trình 4 cực và 1 điểm của bản thân tôi đã hoàn thành xong, nó không quá khó vì ở thời điểm tôi hoàn thành nó, đã có cáp treo lên đến gần đỉnh. 
Cũng như 3 cực khác, cực Đông, cực Bắc, và cực Nam, duy chỉ có cực Nam là tôi đi một mình, và ngồi xe lăn vào tận nơi, các điểm còn lại tôi đều sử dụng đầu gối bò lên đỉnh. Lần này cũng vậy, người ta nói Fan có cáp treo để lên tới nóc nhà Đông Dương. Đối với người bình thường thì dễ thật, đi thong thả là tới, nhưng đối với một đứa lết từng bậc cầu thang như tôi thì độ khó ở đây chỉ là “hard” chứ chưa đến mức “very hard” như một màn nào đó trong game.
 
Sau 15 phút lướt cáp qua 3 tầng mây, bước ra khỏi nhà ga đến cáp treo, muốn lên tới đỉnh, tôi sẽ phải bỏ lại xe lăn và vượt qua quãng đường khoảng hơn 600 bậc đá nữa. 600 bậc đá đó ko phải là bậc đá thấp và dễ đi như ở cực Bắc Lũng Cú, mà chúng cao khoảng 20cm, và sâu vào bên trong chỉ khoảng 15cm. Có đoạn dốc, có đoạn hơi thoai thoải, nhưng hầu hết nếu leo bình thường cũng khá mất sức. Việc làm quen với không khí trên độ cao này cũng là điều mà bạn cần phải bỏ ra 15-20 phút để thích nghi. 
Quay trở lại một chút vào những năm 2010-2011, tôi và ông anh, người mà sau này tôi luôn coi anh là anh ruột mình có những kế hoạch điên rồ là sẽ leo Fan bằng hai đầu gối. Đi đường rừng. Tất nhiên, tôi không đi theo kiểu 2 ngày 1 đêm và thuê người cõng cho nhanh, kế hoạch đó một phần có nói đến việc có thể sẽ phải ở trong rừng nhiều ngày, đến khi tôi từ bỏ. Chúng tôi đã vẽ lên một kế hoạch hoàn hảo, nhưng chỉ duy nhất một thứ mà tôi chưa có: Tiền. Vậy là tạm gác lại để lao đầu vào mục tiêu “kiếm tiền để đi 4 cực và 1 điểm” - Tôi bắt đầu làm như điên và cũng tiêu tiền điên cuồng cho những chuyến đi của mình nhiều hơn từ ngày đó. Một vài hoài niệm về ngày xưa, giờ, một điểm nữa trong hành trình “Không thể vỡ” của mình đã sắp được hoàn thành. 
 
Chinh phục
Trở lại với Fan, bắt đầu làm quen với cái khí hậu khô và lạnh, người ta sẽ phải thở ít hơn, điều độ hơn chứ ko thể hồng hộc như dưới xuôi được. Tôi mất sức, mất sức ngay ở những bước đầu tiên vì… hăng quá. Băng qua một quảng trường rộng để lên đến những bước tiếp theo, tôi mất sức khá nhiều ở đó. Dồn quá nhiều sức vào những nơi ko cần thiết, tôi thấy mình cần phải điều chỉnh lại bước đi và nhịp thở, nhớ lại lời ông anh đã từng nói “hít vào, thở ra từ từ, cố gắng để tim đập ổn định, mệt là nghỉ ngay, không cố” - Từng bước, từng bước một bằng hai đầu gối đã chai sạn từ lâu. Tôi nhớ ở Cực Đông đã suýt nữa phải vào viện vì rách da, ở Cực Bắc đau và mỏi rã rời sau khi lên tới nơi. Nhưng ở đây, nó hơn những thứ đó rất nhiều, mỗi bước đi cảm giác như có nghìn viên đá dăm hằn sâu vào đầu gối, đau rát qua lớp vải quần bò mà tôi đã nghĩ nó có thể bảo vệ mình. 
Sau khi ổn định lại nhịp thở, tôi cũng không tưởng tượng được 600 bậc lên đỉnh lại quá dài như vậy, những tưởng nó chỉ như Lũng Cú, nhưng ko, nó hơn, hơn hẳn một bậc so với Lũng Cú, mất sức nhiều hơn, cổ họng đau rát và ho liên tục do hơi lạnh. Cô người yêu đi cùng cũng thấy xót xa, cứ lặng lẽ theo bên cạnh cổ vũ, giọng nhỏ nhẹ, nửa động viên, nửa than thở: “Em thương anh lắm!”. Thế là điều gì đó lại càng thúc đẩy tính sĩ gái trong thằng đàn ông: “Em yên tâm đi, nhằm nhò gì, anh làm được”, sau đó nhoẻn miệng cười một nụ cười đầy mê hoặc. 
Hai người bạn đồng hành cùng tôi cũng vậy, họ đi cùng để giúp đỡ về mặt y tế và ứng phó kịp thời nếu có chuyện gì không hay xảy ra. Họ hay hỏi tôi có mệt không, có cần nghỉ chút không, hay giả như “Cậu có cần nước uống không?” Tất nhiên, tôi không nói được lời nào mà chỉ gật hoặc lắc. Tôi nhớ có đến một trạm nghỉ, người yêu tôi hỏi: “Anh có uống nước không?” tôi chỉ lắc mà ko nói lên lời, lấy sức, hít lấy hít để chút không khí loãng trên này cho tim đập chậm lại mới nói được vài câu đứt quãng “Anh… mệt quá!”. Người yêu tôi hốt hoảng định gọi hai người bạn giúp đỡ, nhưng tôi xua tay nói đừng, ngồi một tí là được thôi, và đúng vậy, tôi ngồi chút là đỡ, lại đi tiếp. 
Trên đường đi, mọi người không ngớt trầm trồ và ngạc nhiên với một thằng cha lên đỉnh bằng đầu gối. Có người chụp ảnh, có người vỗ tay nói động viên “cố lên, còn chút nữa là tới thôi”. Mọi người càng cổ vũ thì tôi càng không thể bỏ cuộc được, phải lên tới nơi. Và thế là lại tiếp tục từng bước một. 
Mất khoảng hơn một tiếng để tôi hoàn thành mục tiêu - Bò lên đỉnh Fansipan trong tiếng vỗ tay và hò hét của những du khách đi cùng. Họ trầm trồ thán phục, họ chụp ảnh cùng, họ bắt tay chúc mừng, nhưng tôi không còn nhìn thấy gì nữa, tai ù đi và mắt nhòe cay. Tôi hướng về phía “cục inox” mà mình vẫn ước mơ chạm đến từ bấy lâu. Nhìn nó thách thức theo kiểu “Anh mày lên được rồi đó nha!”. 
 
Sau khi ghi lại vài tấm hình kỷ niệm, ngắm non sông cho thật đã, và thả trôi những xúc động, hạnh phúc đang trào dâng trong lòng – ghi nhớ chúng, tôi đi xuống. Nhiệm vụ, à không, chuyến đi lần này thành công, nhưng tôi chưa thoả mãn vì có cái gì đó ở Fansipan, ở  Hoàng Liên thôi thúc tôi muốn được quay trở lại. Lần tới, có lẽ vào những dịp thích hợp hơn và tất nhiên có điều kiện, tôi sẽ lục lại kế hoạch đi đường rừng của mình, không phải đi chinh phục mà đi để trở về, gặp lại Fansipan, để được sống giữa Tây Bắc này thêm nhiều ngày nữa. 
Đọc đến đây, anh em sẽ nghĩ là, đi kiểu như tôi ai chả đi được. Đúng vậy, với một người ngồi xe lăn, đi được đến đâu thì người bình thường sẽ đi được đến đó, nhưng cái quan trọng ở đây tôi muốn gửi tới mọi người là ý chí, tôi không mong mình mang lại cho các bạn cái gì, nhưng tôi chỉ mong muốn những ai đang đọc được những dòng này “đừng ngại một cái gì cả, nếu cố gắng, thì các bạn có thể sẽ làm được”.
Ở bài viết này, tôi chỉ chia sẻ lại hành trình “leo” Fan của mình, trong hành trình này, tôi đã gặp những người có khi cả đời không bao giờ lên được đây nếu không có cáp treo, như những người lớn tuổi, sức khoẻ yếu và những người như tôi.
Những hành trình trải nghiệm từ bao giờ đã thực sự trở thành một phần trong cuộc sống của tôi, của một người “điên điên chập chập”. Thật may sao, tôi có những người bạn đồng hành. Quả thật thế, đi – không nhất thiết phải để chinh phục một cái gì đó, mà tôi đi để “khoe”, tôi đi để cho mọi người biết được rằng, “À anh chàng xương thủy tinh ấy - vẫn ngon lành lắm đấy!”.
Vũ Ngọc Anh (VOV)

Có thể bạn quan tâm