Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Nỗ lực đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) toàn tỉnh Gia Lai đã tích cực tham mưu triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn.
Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Xác định tuyên truyền là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân, Phòng CSGT Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan báo chí của tỉnh thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền về TTATGT trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị hướng dẫn các đội CSGT cấp huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên; tổ chức hướng dẫn cho các chủ phương tiện và tài xế xe đưa đón học sinh trên địa bàn xây dựng quy chế tự quản về việc dừng đỗ xe nhằm đảm bảo an ninh trật tự, trật tự công cộng và TTATGT.
Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai. Ảnh PVPL
Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai. Ảnh PVPL
Song song với công tác tuyên truyền, Phòng đã tham mưu giúp lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình tự quản tại cơ sở như “Tổ tự quản về TTATGT”, “Đoạn đường tự quản”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”… Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân đã có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, Phòng CSGT Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT đường bộ. Tính đến tháng 6-2019, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã thực hiện 3.780 ca tuần tra kiểm soát với 11.340 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 18.389 trường hợp vi phạm; xử phạt 17.174 trường hợp với tổng số tiền 4,82 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước; tước 234 giấy phép lái xe, tạm giữ 83 xe ô tô, 363 mô tô và 5.043 giấy tờ các loại.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng CSGT nên tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm mạnh cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 173 vụ tai nạn giao thông, làm chết 118 người, bị thương 171 người (giảm 36 vụ, giảm 19 người chết và giảm 45 người bị thương so với cùng kỳ năm 2018). Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông như: chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, uống rượu bia quá nồng độ, không nhường đường…
Triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình TTATGT ở tỉnh ta vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với việc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo đảm TTATGT.
 Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh trao danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Lê Ánh
Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh trao danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Lê Ánh
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, thường xuyên và quan trọng, đặc biệt là với đối tượng thanh-thiếu niên. Làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người dân nhận thức rõ sự nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông, từ đó đề cao trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định của Luật Giao thông Đường bộ, thực hiện nếp sống “Văn hóa giao thông”. Thực hiện nghiêm túc việc thông báo các trường hợp vi phạm về nơi cư trú, làm việc và học tập; gắn với công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, phá hoại, xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông, vi phạm quy định về kinh doanh vận tải.
 Cùng với đó, lực lượng CSGT sẽ tham mưu cấp ủy, chính quyền và Ban An toàn Giao thông các cấp bố trí, sắp xếp tổ chức giao thông hợp lý, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông hiện có gắn liền với đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại; thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tối đa việc xây dựng các khu dân cư, trường học, chợ trên các trục đường chính, quốc lộ. Lực lượng CSGT cũng sẽ chú trọng hơn nữa việc thực hiện tốt Nghị định 27/2010/NĐ-CP, Thông tư số 47/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với CSGT tham gia tuần tra kiểm soát TTATGT đường bộ trong trường hợp cần thiết, nhất là việc huy động lực lượng Công an xã tham gia đảm bảo TTATGT từ cơ sở, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông tại địa bàn khu dân cư ở nông thôn. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt không đúng quy định, sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, không có giấy phép lái xe…
Ngoài ra, Phòng CSGT và Công an các địa phương sẽ chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng lực lượng CSGT trong sạch vững mạnh, nhất là thực hiện Quyết định số 607/QĐ-BCA của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn đạo đức của CSGT; tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sĩ; phòng-chống suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống; khắc phục tình trạng mãi lộ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, vi phạm điều lệnh, quy trình, kỷ luật công tác và các biểu hiện tiêu cực khác trong công tác, sinh hoạt. Tích cực tổ chức thực hiện các cuộc vận động xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, nhất là cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống vì nhân dân phục vụ”, xây dựng văn hóa ứng xử trong lực lượng CSGT theo tinh thần “Chủ động-Kỷ cương-Trách nhiệm-Hiệu quả”, gắn với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).
 Đại tá Phạm Văn Uấn
Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh

Có thể bạn quan tâm