(GLO)- Ai cũng đôi lần huyễn hoặc về bản thân mình và phải tự chịu trách nhiệm với những ngô nghê ấy. Khi để cái tôi cá nhân lấn lướt, người ta dễ tự mãn, tự tôn, kiêu ngạo và sai lầm.
Tuổi 16, tôi từng nghĩ khả năng văn chương nhất nhì trường phổ thông của mình sẽ chẳng mấy người qua nổi, đâm ra khinh nhường, chê bai bè bạn không ít lần. Lần nọ, trong giờ văn, thầy tôi trích dẫn câu nói của Johannes Bramh-một nhạc sĩ lừng danh khi ông so sánh mình với thiên tài âm nhạc Mozart: Năm 20 tuổi, tôi nói “Tôi và Mozart”, năm 30 tuổi, tôi nói “Mozart và tôi”, năm 40 tuổi, tôi nói “chỉ có Mozart”. Tôi tự thấy hổ thẹn khi bắt đầu thấm hiểu thông điệp qua câu nói ấy, nó đánh động đến cái tôi cao vút, sự “háu đá” của chú “ngựa non” như tôi. Tôi hiểu tôi cần thời gian để chín chắn hơn và cũng điều mà Johannes Bramh nhắn nhủ: ở ngoài kia còn có nhiều người tài năng, đức độ lắm. Hai chữ “khiêm nhường” đúng là cần học cả đời và học cách kiểm soát, chiến thắng cái tôi cá nhân chính là yếu tố quan trọng. Cái tôi quy định suy nghĩ, hành động, do đó cái tôi sai trái thì hành động khó tốt đẹp chứ đừng nói đến chuyện thành công và hạnh phúc.
Ảnh minh họa |
Hiểu một cách đơn giản cái tôi là cá tính, bản chất tạo nên bản sắc riêng của mỗi người. Trong tâm lý học, “cái tôi” được hiểu là phần cốt lõi của tính cách, có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức với những tiêu chuẩn nhân cách, xã hội.
Khi xem xét cái tôi, người ta có thể hiểu theo hai khía cạnh: Tích cực-sự thể hiện phù hợp với những giá trị, nhân phẩm mỗi người; tiêu cực-nhận định và thể hiện không phù hợp với những giá trị, nhân phẩm của bản thân, dễ dẫn đến sự tự ti hay tự tôn quá mức. Do vậy, chúng ta phải canh chừng nó, nếu không biết cách kiểm soát hay cân bằng, cái tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự, tác hại lên đời sống tinh thần. Chiến thắng cái tôi thực chất là biết loại trừ hoặc gia giảm cái tôi tiêu cực trong mỗi người.
Vậy làm sao để chiến thắng cái tôi?
1. Nhận biết chính mình
Thalès de Milet-triết gia Hy Lạp cổ, bảo rằng: “Công việc khó khăn nhất là nhận biết chính mình”. Biết mình tức là trả lời được các câu hỏi “tôi là ai? vị trí của tôi ở đâu? tôi có khả năng gì? tôi dễ tự kiêu hay tự ti? tôi khéo léo hay vụng về? tôi có quyền hạn, trách nhiệm gì?…” tức là bạn hiểu và chấp nhận những gì mình có, mình yếu, thiếu và dễ dàng tự cân nhắc hành xử phù hợp với giá trị bản thân, không ảo tưởng cũng không tự ti.
2. Đừng vội “xù lông nhím”
Khi bị góp ý, chỉ trích… hãy bình tĩnh suy xét, đừng vội “xù lông nhím” lên, nếu mình sai hãy sửa, người khác sai hãy nhẹ nhàng phản hồi hoặc tha thứ nếu được, đừng tốn sức công kích họ. Sự bình tĩnh giúp bạn loại bỏ được cái tôi tiêu cực: bốc đồng, trả đũa, chống chế… một cách bản năng, đồng thời cho thấy bạn biết tôn trọng cái tôi của người khác. Rõ ràng, xoa dịu 2 cái tôi mâu thuẫn vẫn tốt hơn cứa nát chúng bằng cái tôi “sắc nhọn” của chính mình.
3. Tự nhắc nhở “không ai là cái rốn của vũ trụ”
Không có gì đảm bảo rằng tài năng hay những gì tốt nhất của bạn cũng sẽ là nhất với người khác. “Núi này cao có núi khác cao hơn”! Hơn nữa, cảm giác “nhất” rất chủ quan, thước đo của mỗi người là khác nhau. Với bạn, người này đẹp và tốt nhất nhưng với ai đó, người kia mới xứng đáng. Vậy nên nếu có sở hữu tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào, hay biệt tài hiếm thấy thì bạn vẫn chưa phải là “cái rốn của vũ trụ”. Vậy nên đừng quá đề cao hay tin tưởng tuyệt đối vào cái tôi của chính mình.
Họa sĩ người Pháp-Paul Moreau Chocarne từng nói: “Chỉ tin tưởng mình, chỉ nghe lời mình. Đó là sai lầm khốn nạn nhất”.
4. Tu dưỡng cái tôi
Tu là sửa, dưỡng là rèn luyện, trau dồi. Sửa cái tôi kém, yếu, tiêu cực; rèn luyện, trau dồi cái tôi tốt đẹp, tích cực ngày một tốt hơn. Người ta có thể tự tu dưỡng thông qua việc trò chuyện với mình mỗi ngày, viết nhật ký, ngồi thiền tĩnh tọa, tự răn mình qua các trang sách hoặc tu dưỡng bằng con đường học tập thông qua việc đến lớp và nghe thầy/cô giảng, gặp người thiện tri thức, người có phẩm hạnh, biết kiểm soát cái tôi mà tiếp thu những tri thức, kinh nghiệm, lắng nghe những lời răn dạy mà đánh thắng cái tôi tiêu cực trong mình.
Kiểm soát hay chiến thắng cái tôi là con đường quan trọng dẫn lối mỗi người tìm đến sự bình an nội tại, thành công và hạnh phúc. Đức Phật từng dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình”. Đó chắc chắn là chiến thắng hiển hách nhất!
Th.S Lê Minh Huân