Cho trẻ học tiếng Anh không đúng cách: Có thể rối loạn ngôn ngữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, nhiều phụ huynh cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh khá sớm, từ lúc mới 2-3 tuổi. Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhiều nhà sư phạm, học tiếng Anh không đúng cách sẽ dễ dẫn tới nhiều nguy hại, điển hình là tình trạng loạn ngôn ngữ.
Hệ quả từ việc lạm dụng thiết bị công nghệ
Theo Th.S Tạ Ngọc Thinh-Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Việt Anh (TP. Pleiku), việc trẻ bị loạn ngôn ngữ do học tiếng Anh sai cách dễ xảy ra khi phụ huynh để con trẻ phụ thuộc các thiết bị công nghệ như: điện thoại thông minh, máy tính bảng... “Khi tiếp xúc quá nhiều với ngôn ngữ thứ 2 sau tiếng mẹ đẻ mà không có sự hướng dẫn thì trẻ sẽ dễ bị rơi vào tình trạng rối loạn giữa 2 ngôn ngữ. Điều này có nghĩa là trẻ thuộc rất nhiều từ vựng tiếng Anh nhưng lại không biết cách sắp xếp từ để trở thành một câu, không biết sử dụng vào tình huống nhất định. Về lâu dài, trẻ sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi diễn đạt lời nói bằng tiếng Việt hoặc sử dụng loạn xạ 2 thứ tiếng”-Th.S Tạ Ngọc Thinh nhận định.
 Cô Laura và học sinh trong một tiết học từ vựng. Ảnh: Nguyễn Giang
Cô Laura và học sinh trong một tiết học từ vựng. Ảnh: Nguyễn Giang
Không những thế, khi tự do sử dụng các thiết bị công nghệ, trẻ sẽ xem nhiều trang web dạy ngôn ngữ không chuẩn, không được kiểm định chất lượng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cách phát âm và rất khó để sửa sau này. Nhiều phụ huynh quá lạm dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, ép con học tiếng Anh mà không cần biết trẻ có hứng thú hay không. Nguy hại hơn, nhiều trẻ “tận dụng” mong muốn của bố mẹ để lấy cớ sử dụng các thiết bị công nghệ rồi chuyển sang chơi game mà không bị giám sát. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Ngoại ngữ Sao Kim (TP. Pleiku) cho biết: “Trung tâm đã tiếp nhận một số trẻ 3-5 tuổi có dấu hiệu loạn ngôn ngữ khi sử dụng tiếng Anh, tiếng Việt lẫn lộn. Trong trường hợp này, trẻ không diễn đạt được mong muốn của mình bằng thuần một trong 2 ngôn ngữ mà bị loạn từ vựng, làm người nghe khó hiểu. Chúng tôi đã hỗ trợ trẻ học tiếng Anh đúng cách, khuyến khích phụ huynh dành thời gian giao tiếp thuần tiếng Việt với trẻ khi ở nhà và không lạm dụng các thiết bị công nghệ”.
Cần tạo hứng thú và môi trường học tập                    
Đồng ý với quan điểm cho trẻ học tiếng Anh sớm để tận dụng giai đoạn vàng tiếp thu ngôn ngữ, Th.S Tạ Ngọc Thinh bày tỏ: “Hiện nay, việc cho trẻ học tiếng Anh không còn phụ thuộc vào lứa tuổi nhưng phải dựa trên những nguyên tắc nhất định. Đầu tiên là phải làm cho trẻ thấy hứng thú trong việc tiếp nhận ngôn ngữ mới chứ không phải do bố mẹ ép buộc”. Cũng theo ông Thinh, trẻ 2-3 tuổi đã có thể nghe nhạc bằng tiếng Anh, xem video dạy tiếng Anh trong khoảng 30 phút/ngày dưới sự đồng hành của bố mẹ. Việc học song song 2 ngôn ngữ phải đúng cách, nếu không muốn trẻ hỏng cả 2 thứ tiếng. Học ngoại ngữ có thể chia thành 2 dạng: học song ngữ và học ngôn ngữ thứ 2. Học song ngữ đòi hỏi phải có môi trường giao tiếp liên tục cho cả 2 ngôn ngữ để giúp trẻ hình thành tốt 2 ngôn ngữ theo học. Học ngôn ngữ thứ 2 có nghĩa là trẻ đã có một ngôn ngữ làm nền tảng để theo học ngôn ngữ thứ 2.
Nói về phong trào cho trẻ 3 tuổi đi học tiếng Anh của nhiều phụ huynh, ông Nguyễn Thành cho biết: “Nhu cầu của phụ huynh là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều trung tâm ngoại ngữ có uy tín không nhận trẻ 3 tuổi vào học tiếng Anh bởi họ không chạy theo lợi nhuận mà chú trọng đến chất lượng. Trẻ 3 tuổi được nhận vào học phải là trường hợp đặc biệt. Có nghĩa là trẻ có năng khiếu, có niềm yêu thích, hứng thú trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh, có khả năng tương tác với giáo viên. Nhiều trẻ 3 tuổi đến trung tâm xin học tuy thuộc rất nhiều từ vựng nhưng lại không chịu tương tác với giáo viên nên chúng tôi cũng không thể tiếp nhận. Lứa tuổi tốt nhất để học tiếng Anh một cách có chủ đích là 4-5 tuổi”.
Giải thích lý do nhiều trẻ có vốn từ vựng tiếng Anh phong phú nhưng lại không thể tương tác với giáo viên, cô Laura Kristy-giáo viên người Mỹ tại Trung tâm Ngoại ngữ Sao Kim-nói: “Những video trên mạng chỉ phát ra tiếng nói, hình ảnh, mà không có sự tương tác giữa con người với con người, vì vậy trẻ rất nhút nhát khi giao tiếp. Trong khi đó, tiếng Anh giao tiếp quan trọng nhất là môi trường, biết lắng nghe ngôn ngữ cơ thể, biết đặt từ vựng vào từng câu chuyện, tình huống trong đời sống và dần dần biết ghép từ đúng ngữ cảnh. Là một giáo viên, tôi không đồng ý nhận dạy những học sinh quá nhỏ, nhất là khi việc học của trẻ chỉ dựa trên mong muốn của bố mẹ”. Cô Laura chia sẻ thêm, cậu con trai 7 tuổi của cô bắt đầu học tiếng Việt từ khi 5 tuổi và cậu bé tiếp thu rất tốt, chỉ sau 1 năm đã nói tiếng Việt khá sõi. Do đó, các phụ huynh không nên nóng lòng “ép” trẻ học tiếng Anh quá sớm.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm