Chơ vơ giữa phố mộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi bứt tôi ra khỏi đám bạn sinh viên đều con nông dân ngư phủ ruộng sình với biển dã như mình, từ miền Duyên hải Nam-Ngãi-Bình-Phú để đến Đà Lạt, mang chiếc máy ảnh lang thang chụp hình dịch vụ dạo. Đây là thành phố du lịch mà, du khách thì cần giữ lại hình ảnh đi chơi, thư giãn và “diễn”.

Buổi đó, trẻ trai, lang thang, nhưng không mơ mộng viển vông, kiếm tiền mà không quên khám phá nghiêm cẩn về một xứ sở mới, lạ so với đặc điểm thường thấy về thành phố trên đất nước mình. Ngỡ ngàng. Sự ngỡ ngàng trải từ nội đô ra ngoại thành, từ hàng phố bán buôn đến những ấp nhà vườn canh nông. Thị dân và nông dân chan hòa đến độ không cho phép đầu óc ta lóe lên hay hình thành sự phân biệt về nơi họ cư trú hay thành phần nghề, giàu nghèo, vị trí xã hội, xuất thân, tôn giáo, dân tộc. Cái thành phố gì kỳ lạ, nhà cửa không hàng rào, cho dù là biệt thự sang cả. Không dám bước vào bên trong căn biệt thự nào cả, dù cửa mở và không rào là chỉ dấu cho thấy những chủ nhân không có ý ngăn cách người ngoài hay phòng thủ về an ninh. Văn minh là thế này chứ thế nào nữa!

 

Những tòa nhà khổng lồ mọc trên không gian khu vực chợ Đà Lạt, nuốt chửng vẻ nền nã vốn có.                 Ảnh: N.H.T
Những tòa nhà khổng lồ mọc trên không gian khu vực chợ Đà Lạt, nuốt chửng vẻ nền nã vốn có. Ảnh: N.H.T

Ngay dinh của vua Bảo Đại ở hay làm việc buổi nào, đôi ba đoạn có hàng rào thấp bé mà chỉ cần dang chân đã bước qua được kia rõ cũng chỉ là chi tiết kiến trúc trang trí cho không gian sống chứ không phải vì mục đích an ninh, cát cứ. Trên những cung đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Phù Đổng Thiên Vương, Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai, Quang Trung, Nguyễn Du, Cô Giang, Vạn Kiếp, Hoàng Diệu, Mê Linh… nhà cửa khiêm nhường lùi đều vào cách xa mặt đường phía trước vài chục mét. Ai đó đã quen gọi thành phố này là một “Tiểu Paris” ở phương Đông.

Triết lý “nhà xây ở Đà Lạt” cao không được vượt quá ngọn thông vẫn giữ nguyên như một cam kết để thành phố vẫn còn nằm dưới bóng thông ngàn, giữ đặc trưng vốn có. Nguyên tắc không để mất các mảng rừng thông còn lại và cấm bạt núi đồi để xây công trình được đặt ra. Và cả nguyên tắc hạn chế tối đa việc cho xây dựng ở các khu vực trung tâm thành phố và đặc biệt không được xây dựng công trình che chắn tầm nhìn về hướng núi Langbian.

Đà Lạt của tôi là thế, là thành phố không của riêng tôi hay bất kỳ ai, người sinh sống ở Đà Lạt hay khách phương xa, người giàu hay người nghèo, quan chức thời nào hay công dân thời nào. Là xứ sở thơ mộng, hiền lương. Là cái chợ Đà Lạt mà vô bất cứ quầy hàng nào, người bán bao giờ cũng nói sao bán vậy, phải chăng; không nói thách hay mặc cả. Là chiếc xe máy tôi thả bên hè, đêm không cần dắt vào nhà mà vẫn không sợ mất trộm. Là những giấc ngủ của tôi trong những căn biệt thự cổ, mép cỏ bên rừng thông, bờ nước hồ Xuân Hương. Là thành phố đầy hoa, nhà nào cũng cắm xuống đầy hoa mà không cần ai vận động, hô khẩu hiệu hay đợi “lễ hội”. Nó được gọi là “Thành phố, Vương quốc hoa” từ rất lâu trước khi ai đó nghĩ ra việc tổ chức Festival hoa để làm du lịch. Là thành phố mà cả miền Nam này đều thừa nhận là “Hiền hòa-Thanh lịch-Mến khách”. Đúng là một xứ sở mà như Hàn Mặc Tử vào đầu thập niên 40 của thế kỷ trước đã viết: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu”.

*
Tôi nhớ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đến lúc về hưu vẫn còn cảnh báo nguy cơ “phá hỏng đặc trưng Đà Lạt”, “làm Đà Lạt giống những đô thị khác” và “nông thôn hóa Đà Lạt”. Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng tổ chức hội thảo về bảo vệ giá trị Đà Lạt và đã đề xuất con đường đúng đắn duy nhất cho Đà Lạt “phát triển tiếp nối”, “không để làm mất quỹ quy hoạch và quỹ kiến trúc Pháp” vốn đã định hình nên thành phố này.

Nhưng rồi, thời gian quét qua khó hiểu trên thành phố lạnh của cao nguyên Langbian này. Những định hướng tốt lành, bền vững lâu dài cho Đà Lạt bị làm ngược lại và bóp méo đi. Ví như khu biệt thự chuẩn mực đến mức từng đặt làm khu Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiều năm ở đường Nguyễn Du giờ đã bị phá nát tan không còn tí bóng dáng cũ. Hệ thống biệt thự thời thuộc Pháp một phần rơi vào tay tư nhân, một phần thuộc Nhà nước, làm nên đặc trưng, linh hồn cho kiến trúc Đà Lạt bị phá bỏ liên tục trên các trục đường.

Di tích kiến trúc Khách sạn Palace (khách sạn lớn xinh đẹp nổi tiếng và xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt, cũng là nơi từng diễn ra Hội nghị trù bị Fontainebleau giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ thuộc địa Pháp), xưa nay được gìn giữ, tưởng chừng không thể phá vỡ thì nay dám buông cho xây thêm công trình lớn xâm hại không gian văn hóa của nó. 6 chuỗi hồ bổ trợ cho sinh thái trên lưu vực hồ Xuân Hương đã bị bồi lấp, thành khu dân cư, khách sạn, homestay, quán nhậu, nhà vườn trồng lơ-ghim. Suối Hồng Lạc, suối Hà Đông, suối Nha Địa Dư, suối Đội Có… đều bị “hóa kiếp”, phân lô thành những khu dân cư, biến mất chức năng của con suối thiên nhiên, khiến hồ Xuân Hương không còn hệ sinh thái trên hệ thống lưu vực để cân bằng, lọc tự nhiên, mà thành “cống” nước thải đô thị, đến độ cứ mỗi mùa khô về là tảo độc lên xanh, mùi hôi thối bốc lên. Rừng Đà Lạt từng được Nhà nước xếp loại là “Rừng đặc dụng” (thời ông Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng còn xếp rừng Đà Lạt là “Rừng cấm Quốc gia”) nay trở thành rừng “Phòng hộ cảnh quan”. Những khối khách sạn, chợ mới chọc trời trước không dám cho xây, nay đùng đùng mọc liên tiếp lên bên trên chợ Đà Lạt, bao vây, nuốt chửng “trái tim Đà Lạt”. Như cánh rừng-tòa kiến trúc di sản-và ngọn đồi nằm giữa thành phố là “dinh Tỉnh trưởng” gần như bị biến mất bởi hoạt động xây dựng mới. Và nữa là việc bỏ rời trên 30 biệt thự mà hệ thống công sở hàng tỉnh đang hoạt động để gom hết vào một khu gọi là “Trung tâm Hành chính tỉnh” ngay ngã ba vốn bế tắc về giao thông ở giao lộ đường Trần Phú-Lê Hồng Phong. Tòa nhà tốn kém, chọc trời, và kiến trúc lạc điệu, lạnh lùng với Phố núi Đà Lạt đó được Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất gọi là “Lù lù như bóng ma kiến trúc”.

Giờ, giữa nội đô Đà Lạt không dễ nhìn thấy thông ngàn. Hình thái đô thị ở các cung đường Phù Đổng Thiên Vương, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Quang Trung, Phan Chu Trinh và kể cả A.Yersin (vị bác sĩ, nhà thám hiểm trí tuệ và nhân từ đặt nền móng cho việc ra đời thành phố này)… nay cũng y chang Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… rồi.

*
Mới đó mà đã hơn 25 năm, kể từ khi tôi rớt xuống vỉa hè, nằm ngủ bên cầu thang chợ Đà Lạt và trải dài hành trình lang thang bụi bờ với Đà Lạt. Giờ thì đi chợ Đà Lạt tôi cũng trả giá, vì không mặc cả thiên hạ bảo mình ngu, dễ bị mắc lừa, hố. Giờ thì tôi đã chứng kiến thanh niên Đà Lạt đua xe, choảng chém nhau. Thi thoảng lại nghe tin xảy ra trộm cướp vô nhà này, vườn kia, khách sạn nọ. Giờ thì căn nhà nào ở Đà Lạt cũng thấy xây tường cho cao, cũng dùng sắt thép lồng mặt trước lại, cho dù đó là nhà của trí thức, quan chức, doanh nhân hay thi sĩ. Hình như người Đà Lạt của tôi cũng không còn vững chãi với phong thái “đi không vội, ăn không nhanh, nói không lớn” nữa. Các cô gái Đà Lạt cũng ăn mặc như các em Sài Gòn rồi, thậm chí còn cố cho giống.

Phố núi không còn điềm tĩnh?

Các chuyên gia đô thị gần đây hay hỏi tôi: “Đà Lạt còn lại gì?”. Dùng ngôn ngữ thời nay, tôi trả lời: “Hên xui!”. Còn cho nói thật đáy lòng, tôi sẽ rằng: “May mà còn khí hậu mát mẻ, dù trong năm có những lúc cũng đã nóng lên hơn trước kia!”.

Nên mỗi lần nghe tin có vụ tính tiền ăn uống chém chặt ở chợ Âm Phủ (nay gọi là chợ Đêm) cho du khách, hay chuyện nói thách trên trời của các cửa hàng bán đặc sản, tôi lại chợt nhớ nhung biết mấy một Đà Lạt bản lĩnh thơ ngây hôm nào.

Mỗi chuyến giang hồ tỉnh xa, tôi nhớ quay quắt sự nền nã, thanh lành của Đà Lạt mình. Nên khi về, cứ mang rượu vào ké giữa không gian của những căn biệt thự để uống và tận hưởng “Đà Lạt” của mình (và của mọi người). Không biết một số cựu quan chức Đà Lạt, Lâm Đồng có còn nhớ những cuộc ngồi giữa trời xanh gió lộng của Đà Lạt bên hồ Xuân Hương để trò chuyện cùng tôi, cho tôi phỏng vấn, mạn đàm… nồng hậu với nhau về những chuyện liên quan đến cái đẹp của Đà Lạt và trách nhiệm phải gìn giữ hay không.

Nguyễn Hàng Tình

Có thể bạn quan tâm