Chuyển động mới của phong trào sáng tạo trẻ ở cao nguyên Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 10-2022, đồng thời phát động cuộc thi lần thứ 11-2023. Những bạn trẻ có đam mê sáng tạo hay đang ấp ủ ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai có thể thử sức ở sân chơi trí tuệ này.  
Cuộc thi lần thứ 10 có 18 mô hình, sản phẩm sáng tạo của thanh-thiếu niên, nhi đồng thuộc 11 điểm trường tham gia. Trong đó có 5 sáng kiến thuộc lĩnh vực đồ dùng học tập, 9 sáng kiến phần mềm tin học-điện tử, 4 sáng kiến thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Đồng giải nhất cuộc thi là 2 sản phẩm “Truyện giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản dành cho vị thành niên (độ tuổi 13-18)” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Yến Nhi, Nguyễn Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thiên Cơ, Võ Diệu Hà Giang (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê) và “Mã nguồn mở về trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khiếm thị” của nhóm tác giả Lê Quang Minh, Nguyễn Đức Danh (lớp 10) và Đặng Thành Tuấn (lớp 11, Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang).
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trình bày mô hình “Truyện giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản dành cho vị thành niên”. Ảnh: Trần Dung
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trình bày mô hình “Truyện giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản dành cho vị thành niên”. Ảnh: Trần Dung
3 mô hình, sản phẩm được Ban tổ chức lựa chọn để gửi tham dự cuộc thi toàn quốc, trong đó có sản phẩm đạt giải nhất là “Truyện giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản dành cho vị thành niên (độ tuổi từ 13-18)”. 2 sản phẩm còn lại là “Bộ công cụ giáo dục kiến thức tự phòng tránh bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” của nhóm tác giả Đỗ Thị Vân, Đặng Thị Như Ý (lớp 11), Thân Nữ Hà Anh (lớp 10, Trường THPT Pleime, huyện Chư Prông) và “Stella ứng dụng học ngôn ngữ và hỗ trợ giao tiếp cho người câm điếc” của tác giả Trần Đăng Khoa (lớp 11, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh).
Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm 2022 có sự ảnh hưởng sâu rộng và lan tỏa đến các trường trên địa bàn tỉnh, có nhiều ý tưởng mới, hay, sáng tạo. Đây cũng là năm có cơ cấu giải thưởng cao nhất trong các năm qua. Các mô hình thể hiện tính nhân văn sâu sắc, hướng đến hỗ trợ những người cao tuổi, đối tượng khuyết tật, người yếu thế… Qua 10 lần tổ chức (2 năm/lần), cuộc thi là nơi ươm những hạt mầm sáng tạo. Ngày càng có nhiều sản phẩm, mô hình mang tính ứng dụng cao. Điều đó cho thấy học sinh biết quan sát, lắng nghe cuộc sống và thông minh, sáng tạo khi bám vào đời sống để sáng chế những sản phẩm hữu ích.  
Bên cạnh thành công của cuộc thi lần thứ 10, những hạn chế cũng được Ban tổ chức tổng kết để tìm hướng khắc phục với nỗ lực đưa phong trào sáng tạo trẻ lan tỏa mạnh mẽ trong thanh-thiếu niên, nhi đồng. Theo một số thầy-cô giáo, sản phẩm, mô hình dự thi qua các năm vẫn rất khiêm tốn so với thực lực của học sinh. Thầy Hoàng Việt Trung (Trường THPT Pleime, huyện Chư Prông) cho rằng: “Để cuộc thi lan tỏa sâu rộng đến học sinh mọi bậc học, kích thích tinh thần sáng tạo của các em, Ban tổ chức cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ các em học sinh có sản phẩm, mô hình đạt giải như đăng ký bản quyền, kêu gọi hợp tác, sản xuất để biến các sáng tạo thành những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống”.
Trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải tại cuộc thi. Ảnh: Hoàng Ngọc
Trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải tại cuộc thi. Ảnh: Hoàng Ngọc
Lần đầu tiên tham gia cuộc thi có sản phẩm được chọn gửi tham dự cuộc thi toàn quốc, em Trần Đăng Khoa (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) bày tỏ: “Em mong những cuộc thi tới sẽ có thêm nhiều sản phẩm sáng tạo hơn, có thêm nhiều cái mới để em học hỏi. Khi tham gia sân chơi này, em càng có nhiều ý tưởng mới và hứng thú hơn với phong trào sáng tạo trẻ”.
Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi lần thứ 10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đánh giá cao tinh thần nghiên cứu, sáng tạo của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần thay đổi phương pháp tổ chức, cách thức trao giải. Hãy để các tác giả, nhóm tác giả thuyết minh về ý tưởng, cách thức vận hành và khả năng áp dụng sản phẩm vào thực tiễn tại buổi lễ để mọi người, đặc biệt là học sinh thấy được ý nghĩa của cuộc thi. Bên cạnh đó, cần có khu trưng bày các sản phẩm, mô hình dự thi nhằm tôn vinh những sáng chế của các em, để học sinh giữa các trường và thầy cô hướng dẫn có cơ hội giao lưu, học tập. “Tôi mong quý thầy cô, các nhà khoa học, Ban tổ chức tiếp tục đồng hành với học sinh sau khi trao giải. Cần hỗ trợ để biến ý tưởng, mô hình của các em thành sản phẩm đi vào cuộc sống, giúp ích được cho nhiều người, đúng với ý nghĩa và tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
MINH CHÂU
 

Có thể bạn quan tâm