Cô bé người Bahnar làm sống dậy âm thanh đàn đá ở Ya Ma

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới 11 tuổi nhưng cô bé người Bahnar Đinh Thị Thai (làng Tờ Nùng Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) có thể chơi đàn đá một cách điêu luyện. Với niềm đam mê ấy, em đang góp sức lưu giữ tiếng đàn đá vốn đã bị lãng quên ở vùng đất Ya Ma.
Bén duyên với đàn đá
Vừa đặt chân tới đầu làng Tờ Nùng Măng, chúng tôi đã nghe vang vọng âm thanh trầm bổng của đàn đá. Dưới gốc cổ thụ, cô bé Đinh Thị Thai đang say sưa tấu lên bản nhạc “Hát mừng Anh hùng Núp”. Hai tay vừa gõ nhẹ trên những thanh đá, miệng cô bé vừa hát vang lời bài hát: “Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao/Núi mây điệp trùng gió ào ào/Đây sóng nước sông Ba dâng trào/Người Bahnar như đàn chim chơ rao”… Ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của em ánh lên vẻ rạng ngời và niềm hãnh diện, tự hào.
“Ngay từ buổi đầu tiên tiếp xúc và nghe tiếng đàn đá từ cậu của mình, em đã rất say mê. Không hiểu sao em có thể nhận biết rất nhanh vị trí những thanh đá khác nhau trên chiếc đàn và hiểu được âm thanh phát ra từ chúng. Vậy là em đã quyết định theo học đàn đá từ cậu”-Đinh Thị Thai kể.
Chia sẻ về cơ duyên đưa cô cháu gái của mình đến với chiếc đàn đá, anh Đinh Hlich nói: “Đó là một buổi chiều cách đây khoảng 1 năm. Tôi vừa hoàn thành chiếc đàn đá thì cháu sang nhà chơi. Khi tôi đánh những thanh âm đầu tiên để thử tiếng đàn, con bé tròn xoe mắt dõi theo. Tôi vốn nghĩ chỉ người lớn mới cảm nhận được tiết tấu và ý nghĩa của loại đàn này nhưng không ngờ cháu lại có năng khiếu. Con bé rất nghiêm túc theo tôi học đàn và cảm âm rất nhanh”.
Đinh Thị Thai mê mẩn tiếng đàn đá tới nỗi có thể tập luyện mọi lúc, mọi nơi. Bình thường, Đinh Thị Thai là cô bé nhút nhát, rụt rè nhưng lúc hòa mình vào tiếng đàn, em bỗng trở nên mạnh mẽ, sôi nổi. Em bảo, âm thanh của đàn đá rất sống động, vừa vui nhộn, vừa trầm lắng. Khi chơi đàn, em được thả mình cùng những âm thanh ấy.
Em Đinh Thị Thai say mê với những thanh âm trầm bổng của đàn đá. Ảnh: Trần Dung
Em Đinh Thị Thai say mê với những thanh âm trầm bổng của đàn đá. Ảnh: Trần Dung
Đinh Thị Thai nhanh chóng học được những kiến thức cơ bản về tiết tấu chỉ trong vài ngày. Sau đó, em được cậu chỉ dạy những bài hát về núi rừng, con người Tây Nguyên. Những phiến đá vô tri dưới bàn tay nhỏ xinh của em đã tấu lên những bản nhạc du dương, trầm bổng. Dân làng vui mừng bởi đã nhiều năm nay họ không còn được nghe tiếng đàn đá. Nhiều người đã lãng quên, nhiều người thì nhắc nhớ trong niềm tiếc nuối.
Ông Đinh Têl-già làng Tờ Nùng Măng-tâm sự: “Trong các loại nhạc cụ của người Bahnar thì đàn đá khó làm và khó chơi nhất. Ngày trước, một vài người trong làng biết làm và chơi loại đàn này. Nhưng sau khi lớp người này mất đi thì đàn đá cũng bị quên lãng. Bây giờ, tiếng đàn đá lại vang lên bởi một đứa trẻ trong làng. Chúng tôi rất vui”.
Lưu giữ nhạc cụ truyền thống
Tiếng đàn đá của Đinh Thị Thai đã được vang lên trong những ngày hội làng hay các hội thi, hội diễn của xã và của huyện. Mới đây, em vừa đạt giải A tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi huyện Kông Chro lần thứ III-2021.
Tiếng đàn đá của em khiến nhiều người ngỡ ngàng và rung động. Nhìn cô bé lúc nhẹ nhàng, lúc dứt khoát, mạnh mẽ gõ những nhịp say mê trên chiếc đàn, mọi người không khỏi thán phục trước tài năng và niềm đam mê mãnh liệt của em.
1. Anh Đinh Hlich (cậu ruột của Thai) là người trực tiếp chỉ dạy Thai học đàn đá. Ảnh Trần Dung
Anh Đinh Hlich là người trực tiếp chỉ dạy em Đinh Thị Thai học đàn đá. Ảnh: Trần Dung
Theo chị Đinh Thị Nguyên-Bí thư Đoàn xã Ya Ma, nhiều năm qua, Đoàn xã nỗ lực hướng thanh thiếu nhi vào việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, ngoài cồng chiêng, hát dân ca, đàn t’rưng còn phổ biến thì đàn đá đã vắng bóng rất lâu.
Từ khi có sự hỗ trợ của anh Hlich cùng với việc xuất hiện tài năng trẻ Đinh Thị Thai, tiếng đàn đá đã quay trở lại với vùng đất Ya Ma. Bằng tình yêu nhạc cụ truyền thống của dân tộc, mỗi khi rảnh rỗi, Đinh Thị Thai lại đến nhà cậu để tìm hiểu, học hỏi thêm. Những bản nhạc truyền thống thường được em biểu diễn dưới gốc cổ thụ đầu làng vào những buổi chiều sau khi mọi người từ nương rẫy trở về. Tiếng đàn thánh thót của cô bé cất lên khiến cho bao mệt mỏi trong ngày của mọi người cũng tan biến.
“Dù chỉ mới biết và học chơi đàn đá trong 1 năm nhưng Đinh Thị Thai rất có năng khiếu. Nhờ vậy, khi tham gia các cuộc thi lớn nhỏ ở nhà trường hay địa phương, em đều đạt giải cao”-chị Nguyên cho biết.
Anh Đinh Công Xuân-Bí thư Huyện Đoàn Kông Chro-cho hay: “Ya Ma là vùng đất còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của người Bahnar, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ trẻ, điển hình như em Đinh Thị Thai. Nếu được gìn giữ và nhân rộng, đàn đá sẽ giúp đồng bào Bahnar phát triển loại hình du lịch văn hóa. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để thanh thiếu nhi quan tâm, hứng thú và cùng chung tay gìn giữ các nhạc cụ của dân tộc mình”.
Với Đinh Thị Thai, việc những thanh đá vô tri có thể phát ra thanh âm trong trẻo, trầm bổng, có hồn, có điệu mà không loại nhạc cụ nào có được đã trở thành niềm vui và tự hào của em.
“Em mong một ngày không xa, từ niềm đam mê của mình, nhiều bạn trẻ ở Ya Ma cũng sẽ học đánh đàn đá để tiếng đàn tiếp tục ngân vang và lan tỏa đi khắp nơi”-Đinh Thị Thai bày tỏ.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm