Cô gái Hồ Hà My (21 tuổi) quyết định tạm dừng chương trình học, liều lĩnh trở về nước bắt đầu hành trình nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu.
Cô gái Hà Nội hiện đang là sinh viên năm cuối ngành khoa học môi trường và ngôn ngữ Anh tại Đại học Lebanon Valley Hoa Kỳ.
Hồ Hà My. Ảnh: NVCC |
Đáng nói, cô là thành viên nghiên cứu người Việt duy nhất trong Dự án nghiên cứu bảo toàn châu Á của Trung tâm nghiên cứu toàn cầu của Sở thú San Diego, Hoa Kỳ.
Vô tình trở thành nghiên cứu viên
Với mong muốn nâng cao kỹ năng chuyên môn trong ngành học của mình, ngay từ năm 2 học đại học, Hà My đã ứng tuyển vào các tổ chức nghiên cứu môi trường. Cũng từ đây, cô quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này.
“Mình rất may mắn khi được tham gia thực tập tại Trung tâm nghiên cứu toàn cầu của Sở thú San Diego bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên về bảo tồn gấu tại Việt Nam. Mình cũng là nhà nghiên cứu đầu tiên người Việt Nam tại trung tâm này. Nhờ đó, mình đã được các nhà nghiên cứu bảo tồn tại đây tạo điều kiện cùng tham gia và sau khi được trải nghiệm, làm việc trực tiếp với các nhà bảo tồn học trên thế giới, bản thân có thêm động lực và theo đuổi “sân chơi” mới lạ về bảo tồn và môi trường”, My kể.
Hà My cùng thành viên BTC Hội thảo AIESEC tại New Zealand |
Trong khoảng thời gian làm việc tại trung tâm, My được nhận lượng kiến thức khổng lồ cũng như kỹ năng nghiên cứu khoa học xã hội, phân tích dữ liệu... Dần dần, My tham gia viết đề xuất, xây dựng câu hỏi, phỏng vấn và phân tích dữ liệu cùng với các nghiên cứu viên khác. Cô nhanh chóng được thực hiện nghiên cứu nhu cầu tiêu thụ mật gấu tại Việt Nam.
“Khi thực hiện phỏng vấn cho hơn 40 người từng sử dụng và tặng/nhận quà mật gấu mình đã rất hồi hộp bởi hầu hết là các cô, chú và bác lớn tuổi. Sau những cuộc trò chuyện diễn ra rất tự nhiên và đôi lúc kéo dài cả tiếng đồng hồ, trao đổi về cách sử dụng mật gấu và văn hoá của người Việt Nam, mình nhận ra nghiên cứu không chỉ là những con số mà còn là thiết lập những mối quan hệ mật thiết với cộng đồng, tạo được sự tin tưởng và có thể cùng nhau phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Từ đó, mình có niềm tin theo đuổi nghiên cứu liên quan đến cộng đồng và tạo ra lợi ích chung cho nhau”, My cho biết.
Kết quả tốt đẹp từ quyết định mạo hiểm
Tháng 3.2020, My bảo lưu khóa học bởi đại dịch Covid-19 phức tạp tại Mỹ. Cô nàng lên kế hoạch phát triển bản thân và khám phá tìm hiểu về biến đổi khí hậu tại Việt Nam để có thể đóng góp hành động vì khí hậu. Đồng thời dành thời gian hoàn thành nghiên cứu cho Dự án bảo tồn gấu tại Việt Nam, thuộc mảng bảo tồn châu Á trước đó.
Hà My (ở giữa) và thành viên AIESEC trong trang phục truyền thống của phụ nữ Myanmar mặc hàng ngày cho buổi diễn văn hóa |
“Lúc đầu, mình đã rất sợ hãi vì bỗng dưng có nhiều thời gian rảnh, trong khi đó bản thân lại chưa có kế hoạch cụ thể để tận dụng hết khoảng thời gian này. Ngay sau đó mình bắt đầu bằng các công việc mình đam mê là tình nguyện và nghiên cứu về môi trường, khí hậu. Mình đăng ký tham gia vào Tổ chức AIESEC New Zealand với vai trò quản lý truyền thông nội bộ và hỗ trợ AIESEC Việt Nam cùng Tổ chức Ynet về môi trường với vai trò Phó ban Đối ngoại. Dần dần, mọi điều trở nên tốt hơn và bản thân mình đã có được nhiều trải nghiệm bổ ích từ những hoạt động này cũng như đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng”, My nhớ lại.
Sau thời gian ổn định, My tập trung viết nghiên cứu gửi Tạp chí Khoa học Conservation & Society và xây dựng dự án Climate nhằm cung cấp tin tức về môi trường, biến đổi khí hậu, thúc đẩy nhận thức của giới trẻ trong vấn đề này thông qua mạng xã hội. Cô bạn còn tận dụng khả năng ngoại ngữ, kết hợp song ngữ (tiếng Anh, tiếng Việt) cho mỗi bài viết của mình. Do đó, dự án nhanh chóng nhận được sự quan tâm, sự đồng hành của các bạn trẻ Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Bằng sự nỗ lực, tâm huyết của mình, Hà My đã được tham gia nhiều hội thảo quốc tế, có sự tham gia của các giáo sư đầu ngành, lãnh đạo của các tổ chức bảo tồn động vật, môi trường. Đáng nói hơn sau gần 2 năm tham gia nghiên cứu, bài viết đầu tay của My đã nhận được sự phê duyệt bởi Hội đồng nghiên cứu khoa học. Đây là thành công đầu tiên trong hành trình nghiên cứu của cô.
“Trong thời gian sắp tới, mình sẽ tiếp tục phát triển bản thân, làm điều mình giỏi nhất và cảm thấy vui nhất đó chính là những công việc đóng góp cho cộng đồng, môi trường và khí hậu Việt Nam. Bên cạnh đó, mình mở rộng dự án Climate Gap để tạo ra một sân chơi mới cho truyền thông về khí hậu bằng tiếng Việt nhằm thúc đẩy các bạn trẻ hành động khí hậu. Đặc biệt là tham gia nghiên cứu, viết bài về những vấn đề khí hậu tại Việt Nam”, cô gái 21 tuổi chia sẻ.
Theo Di Yên (TNO)