Cô gái 'bỏ phố về rừng' làm thiện nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Rời khỏi TP.HCM, cô gái 23 tuổi ban đầu về quê chỉ để thử sức khám phá vùng đất mới nhưng sau đó lại gắn bó với việc tổ chức các chương trình thiện nguyện giúp đỡ trẻ em vùng cao có hoàn cảnh khó khăn.
 

Làm thiện nguyện nhằm giúp đỡ trẻ em vùng cao

Trước khi về quê ở Đắk Nông, Nguyễn Phương Thảo làm thiết kế đồ họa ở một công ty truyền thông với mức lương ổn định. Vào giữa năm 2021, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Thảo quyết định về quê để thực hiện những dự định bản thân đã ấp ủ từ lâu.


 

 Phương Thảo trao tặng các phần quà cho các em học sinh. Ảnh: NVCC
Phương Thảo trao tặng các phần quà cho các em học sinh. Ảnh: NVCC



Chia sẻ về quyết định “bỏ phố về rừng”, Phương Thảo, hiện là một blogger tự do, tiết lộ: “Tôi muốn định hướng lại tuổi trẻ của mình nên tôi quyết định về quê để thử sức khám phá ở vùng đất mới”.

Rồi cô đến thăm nhiều khu vực của Tây Nguyên và nhận thấy đời sống nhiều trẻ em ở đây còn khó khăn. Từ đó, Phương Thảo quyết định thành lập chương trình “Hành trình vẽ nụ cười cho em” để tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ trẻ em vùng cao.

Trên hành trình đi khảo sát địa phương để tổ chức chương trình, Thảo gặp không ít trở ngại. Thảo nói: “Đường đi khó khăn phải đi bộ vài km mới tới với các em. Hơn nữa, tại các nơi vùng cao người ta còn dè chừng các đoàn từ thiện nên phải thông qua chính quyền địa phương”.

Theo Phương Thảo, "Hành trình vẽ nụ cười cho em" hướng đến tổ chức chương trình hỗ trợ tổng kết năm học, khai giảng năm học và trong dịp tết.

Chẳng hạn, sau lễ tổng kết năm học vào giữa tháng 6, chương trình tặng 100 áo trắng và 300 phần bánh kẹo với tổng trị giá 12 triệu đồng cho học sinh tại điểm Trường THCS Nguyễn Khuyến, xã Đăk Rla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Thảo nói: “Ban đầu, kinh phí thực hiện là do tôi bỏ ra. Sau đó, tôi đăng bài viết trên fanpage của chương trình gồm thông tin chương trình, số tài khoản ngân hàng nhận quyên góp kêu gọi các nhà hảo tâm để góp phần mua quà thêm cho các em. Kết thúc mỗi chương trình tôi đăng trên fanpage một bản báo cáo tài chính chương trình và danh sách nhà hảo tâm đã giúp đỡ để mọi người theo dõi chi tiết”.

Bên cạnh hoạt động tổ chức chương trình cho trẻ em vùng cao, vừa qua Thảo còn kêu gọi ủng hộ tiền cho các em nhỏ đang cần chi phí mổ tim.

 

Làm thiện nguyện phải xuyên suốt

Thảo xác định làm từ thiện phải xuyên suốt và mong muốn chương trình sẽ được mở rộng ra nhiều địa phương.

“Đến nay, nhóm của tôi có 20 thành viên đồng hành xuyên suốt và có áo, đồng phục cho các bạn. Các thành viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, mỗi người phụ trách một việc từ đi khảo sát, mua quà cho đến quay clip và chụp ảnh”, cô gái sáng lập "Hành trình vẽ nụ cười cho em" nói.


 

 
Thảo cùng với các bạn tình nguyện viên của chương trình
Thảo cùng với các bạn tình nguyện viên của chương trình "Hành trình vẽ nụ cười cho em". Ảnh: NVCC


Thực hiện xong chương trình tại Đắk Nông, Thảo đi khảo sát Kon Tum để tổ chức chương trình tiếp theo. “Ở đó, chúng tôi nhận thấy các em thiếu ăn, thiếu mặc, cực kỳ khó khăn, điện thì có, nước thì không cho nên người dân ở đó cần nguồn nước. Tôi lên kế hoạch tiếp theo giúp cho họ”, cô gái thích làm thiện nguyện cho hay.

Không chỉ thích làm thiện nguyện, Phương Thảo còn thực hiện đăng ký hiến mô tạng tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Thảo đăng ký hiến mô tạng vào 11.2021, sau 6 tháng xét duyệt mới nhận được kết quả.

Thảo chia sẻ: “Tôi có ý định hiến tạng từ lúc còn là học sinh THPT. Đến năm 23 tuổi, tôi đăng ký hiến tạng. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn cần ghép tạng, tôi muốn giao một phần cơ thể cho những người cần sống, những người cần một phần của mình”.

Nói về việc đăng ký hiến, mô tạng, Thảo bật mí mẹ chính là người ủng hộ bạn thực hiện. Khi Thảo chia sẻ việc này lên Facebook, nhiều người không hiểu và có những suy nghĩ không hay. “Lúc đó, tôi nghĩ rằng bản thân chỉ muốn giúp người nên người khác có nói điều gì tiêu cực thì cũng không quan trọng”, cô chia sẻ.

Theo Phúc Kha (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm