Cô gái Stiêng bị bắt lấy chồng sớm giờ đã đến giảng đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cô bé người Stiêng bị ba bắt lấy chồng từ thuở 13 năm nào đã chạm một tay vào giấc mơ của mình. Ka Ngà đã trở thành sinh viên khoa ngôn ngữ Pháp (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) và được trao học bổng Tiếp sức đến trường 2019.

 
 Ka Ngà - cô bé dân tộc Stiêng - đã rời ngôi làng nghèo khó của mình để vào đại học với mong ước một ngày nào đó trở về làm du lịch ở quê nhà - Ảnh: VŨ THỦY
Ka Ngà - cô bé dân tộc Stiêng - đã rời ngôi làng nghèo khó của mình để vào đại học với mong ước một ngày nào đó trở về làm du lịch ở quê nhà - Ảnh: VŨ THỦY





Ngà hồn nhiên, chân thật và rất mạnh mẽ. "Nhìn con, cô thấy con "tộc" lắm không?" - Ngà chẳng ngại hỏi cô chủ ở quán bánh canh, nui gần ký túc xá làng Đại học Thủ Đức mà bạn mới lần đầu vào ăn. Đã nghe Ngà kể chuyện nãy giờ, cô chủ quán đáp ngay: "Con đâu có tộc. Con đi học nói giọng này đâu ai biết con là người Stiêng".

 


Mình tự thấy mình may mắn vì đi đâu cũng gặp người tốt. Mỗi lần nghĩ về gia đình, về những người giúp đỡ mình, mình lại tự nhủ phải cố gắng hơn.

KA NGÀ






Con không lấy chồng đâu

Thực ra Ngà chẳng ngại người ta nhận ra mình là người dân tộc Stiêng, nhưng chuyện đi học với Ngà khó khăn lại chính vì cô là người Stiêng. Chuyện của Ngà - cô tân sinh viên nghe như chuyện thời xưa lắc xưa lơ.

Nhà bạn ở một ngôi làng nhỏ của người Stiêng ở xã Tà Lài, Tân Phú, Đồng Nai. Ngà đi học trễ hai năm vì "đâu có ai bảo đi học đâu", ba mẹ bạn hầu như không để ý gì đến chuyện học hành của con. Chỉ đến khi Ngà đi chơi thấy trẻ con đi học nên cũng đòi đi học. "Con gái Stiêng làng mình 13-14 tuổi là lấy chồng hết rồi. Mấy đứa bằng tuổi mình giờ này đã có mấy đứa con" - Ngà kể.

Như rất nhiều cô gái Stiêng khác, hè năm lớp 10 ba của Ngà cũng bắt bạn đi lấy chồng nhưng "mình quyết không lấy chồng". Bạn bè đồng lứa đã nghỉ học hết cũng để lấy chồng. Cô bạn gái thân học chung cấp I cũng đã nghỉ học từ năm lớp 7, lấy chồng và giờ đã có hai đứa con.

Anh chị em, cô bác của Ngà ai khuyên Ngà đi lấy chồng vì đó là truyền thống bao nhiêu năm của người Stiêng vùng Tà Lài. "Suốt mấy tuần ba cứ nhắc đi nhắc lại, hết khuyên lại chửi. Nhưng ba chửi miết rồi cũng thôi. Còn mình quyết tâm đi học" - Ngà nhớ lại.

Ước mơ của Ngà

Suốt buổi nói chuyện ở quán ăn gần ký túc xá, cô chủ quán vừa làm vừa lắng nghe không sót chi tiết nào trong câu chuyện của cô gái người Stiêng. Thấy Ngà ho húng hắng, cô liền lấy cho bạn một ít tắc ngâm mật ong để ngậm rồi hỏi Ngà: "Chỗ con có mấy đứa như con? Con đậu vô trường nào?". "Dạ, con vô rồi cô. Con học ngành tiếng Pháp. Chỗ con còn có mình con đi học à" - Ngà trả lời.

Mấy hôm nay Ngà đã nhập học, đã nhận phòng ở ký túc xá. Đặt chân đến đây là cả một nỗ lực của Ngà, bắt đầu từ kỳ nghỉ hè năm lớp 10.

Trước đó, Ngà học hết lớp 10 với kết quả tiên tiến vì vẫn nghĩ "học hết lớp 12 thì cũng phải nghỉ thôi". Nhưng cũng dịp hè năm đó, khu du lịch Tà Lài Longhouse gần làng Bù Chắp 1 của bạn mở một lớp tiếng Anh. "Mình học dốt tiếng Anh lắm, xin đi học tiếng Anh mà ba không cho đi. Mình lén ba trốn đi. Cứ đến giờ học là mình ra sau nhà băng qua cánh đồng để đến khu du lịch" - Ngà kể.

Ở lớp học đó, Ngà gặp chị Trâm Anh - một cô gái trẻ làm dự án về du lịch địa phương gắn với phong tục tập quán của người dân tộc. "Chị Trâm Anh đã giúp mình nhận ra những điều mình cần làm cho cuộc đời mình. Và mình biết điều mình cần làm lúc này là phải đi học. Sau đợt nghỉ hè lớp 10 là ai cũng bất ngờ với tiếng Anh của mình. Nhớ lại vẫn sướng rần rần luôn. Nhưng tiếng Anh chỉ đủ để học thôi chứ giao tiếp chưa có" - Ngà kể.

Cha mẹ Ngà chỉ trồng vài sào điều, ngày ngày mẹ Ngà vào rừng hái đọt mây, măng tre, rau nhíp về bán. Những năm cấp III học nội trú, cuối tuần nào bạn cũng đi phục vụ tiệc cưới khắp nơi để kiếm tiền trang trải việc học. Nhận kết quả trúng tuyển đại học, Ngà xin vào làm thêm tại khu du lịch Tà Lài Longhouse.

"Mình chưa có chuyên ngành gì nên mình làm nhiều thứ lắm: tạp vụ, dọn dẹp, nấu ăn, kid camp, kiểm kho, dẫn khách đi rừng... Em trai mình cũng nghỉ học từ lớp 9 rồi. Mình muốn mọi người trong làng suy nghĩ về việc học hành. Mình học tiếng Anh, cũng dẫn khách du lịch nước ngoài được nên làng mình cũng bắt đầu có cái nhìn khác hơn với việc học. Lịch trình thường không đi sâu vào trong làng đâu. Nhưng vài lần mình cố tình dẫn khách đi vào làng để mọi người nhìn thấy" - Ngà kể.

Những ngày Ngà chuẩn bị nhập học, Tà Lài chìm trong lũ. Sau cơn lũ kéo dài gần ba ngày, gia đình chẳng còn gì trong nhà. Ba mẹ càng có thêm lý do để Ngà không đi học. Để thuyết phục mẹ, Ngà nhờ các anh chị trong khu du lịch tới tận nhà nói chuyện. Và để giúp đỡ cô gái nghị lực, người quản lý Tà Lài Longhouse quyết định sẽ giúp Ngà trang trải khoản học phí và tìm cho Ngà một công việc làm thêm để duy trì việc học. Nhờ vậy mà ba mẹ mới thôi ý định cho Ngà nghỉ học. Ngà bảo mình không giận ba mẹ.

"Ba mẹ không muốn cho mình đi học vì không có tiền thôi. Ba mẹ mình vất vả lắm vì nhà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, nhất là mẹ. Lúc mình ở nhà cũng ít phải làm nông, mẹ sợ mình bị vắt, rắn cắn nên ít cho mình vô rừng. Mình mới gọi cho mẹ trưa nay, thấy mắt mẹ sưng to mình hỏi mẹ ơi mẹ khóc con hả, mẹ đừng có lo cho con. Mẹ bảo: Đâu có, tao bị ong đốt" - Ngà rơm rớm kể.

Ngà lên nhập học, ngoài khoản học phí, tiền ký túc xá được Tà Lài Longhouse đóng cho, bạn chỉ có vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng tiền làm thêm dịp hè. Mấy bữa nay ngoài các buổi đi học, mỗi ngày thứ ba, thứ năm Ngà lại đi từ ký túc xá lên Q.2 làm đóng gói cà phê để tự lo ăn uống. Ước mơ của Ngà là học xong sẽ quay về quê để giúp phát triển du lịch địa phương. "Có nhiều khách Pháp đến Tà Lài lắm. Đó là lý do mình chọn học tiếng Pháp" - Ngà bảo.

Vũ Thủy (TTO)

Có thể bạn quan tâm