Cô giáo đặc biệt của trẻ khiếm thính Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cả cô và trò đều không nghe được, không nói được nhưng không khí lúc nào cũng sôi nổi, học sinh thi nhau xung phong “phát biểu”. Qua hơn 1 năm đứng lớp, cô giáo Ngô Từ Vy đã thiết lập được môi trường thuận lợi giúp nhiều trẻ khiếm thính tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) có cơ hội phát triển bản thân.

 Cô giáo Ngô Từ Vy trong một giờ dạy trẻ khiếm thính. Ảnh: Phương Duyên
Cô giáo Ngô Từ Vy trong một giờ dạy trẻ khiếm thính. Ảnh: Phương Duyên

Bẩm sinh đã là trẻ khiếm thính, chị Ngô Từ Vy (SN 1993, trú tại thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) sớm chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Không nghe được bất kỳ âm thanh nào từ cuộc sống bên ngoài, chị cũng không thể học nói. 5 tuổi, chị được gia đình đưa vào học tại Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak). Khi học ngôn ngữ ký hiệu, chị bắt đầu thắc mắc rất nhiều thứ. Ông Ngô Văn Tùng-cha của cô giáo Ngô Từ Vy không khỏi chạnh lòng nhớ lại: “Nhiều khi, tôi chảy nước mắt khi nghe con gái thắc mắc: Vì sao con không nghe nói được như 2 em, như những người khác?”.

13 năm theo học tại cơ sở trên, chị Vy đã hoàn thành chương trình THCS. Sau đó, chị được giới thiệu về các khóa tập huấn dành cho người khuyết tật ở Quảng Bình, Hà Nội… để đăng ký tham gia. Lần lữa trước những lựa chọn, cuối cùng chị học trang điểm, học may để mong tự nuôi sống bản thân, để không trở thành gánh nặng của gia đình. Nhưng cánh cửa cơ hội chưa bao giờ rộng mở với người khuyết tật. “Họ không nhận người điếc”-chị Vy lấy bút ghi mấy chữ trên tờ giấy trước mặt khi chúng tôi hỏi về công việc.

Nhờ vẫn giữ liên lạc với cô giáo cũ Trần Diễm Trinh, nay là Giám đốc Công ty TNHH Hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên (hẻm 106 Lý Thường Kiệt, thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku), tháng 10-2021, chị Vy tìm thấy cơ hội việc làm phù hợp tại đây. Trở thành cô giáo của 14 trẻ khiếm thính, chị thổi vào lớp học một không khí hoàn toàn mới mẻ, vui tươi. Tất cả là nhờ tình thương, sự thấu hiểu của người đồng cảnh ngộ. Nhìn cách chị tự tin đứng trước bảng đen phấn trắng “giảng bài”, ra dấu cho học sinh phát biểu bằng phong thái trẻ trung, khoan thai, mới thấy cuộc sống luôn có sự công bằng với những ai có nghị lực vươn lên: từ chối họ trước cơ hội này nhưng lại đem đến một cơ hội khác.

Mỗi ngày, đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, cô giáo Ngô Từ Vy chạy xe máy khoảng 17 cây số từ Đak Đoa đến trung tâm để được gặp học trò. Nhờ có cô mà các em khiếm thính được học viết, học toán và nhiều môn khác như: Lịch sử, Địa lý. Cô Trinh nhận xét: “Từ khi có cô Vy, giờ học vui hơn hẳn. Phương pháp dạy học của Vy rất gần gũi, truyền cảm hứng, giúp các em tiến bộ thấy rõ”. Trong một chuyến tham quan Bảo tàng tỉnh vào giờ ngoại khóa gần đây, nhiều em đã khiến nhân viên thuyết minh bất ngờ vì nắm vững nhiều kiến thức lịch sử liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc các vùng miền địa lý… Em Huỳnh Anh Thư (SN 2006) hào hứng huơ tay theo những ký hiệu riêng để lý giải về tình cảm dành cho cô giáo đặc biệt của mình: “Em thích cô Vy dạy vì rất vui. Nhờ cô mà em biết nhiều hơn về ngôn ngữ ký hiệu, biết diễn đạt tốt hơn suy nghĩ của mình. Trong giờ học của cô, ai cũng tranh nhau xung phong phát biểu”.  

 Phong cách trẻ trung, tự tin của cô giáo Ngô Từ Vy (bìa trái) khiến học trò rất yêu quý. Ảnh: Phương Duyên
Phong cách trẻ trung, tự tin của cô giáo Ngô Từ Vy (bìa trái) khiến học trò rất yêu quý. Ảnh: Phương Duyên


Thế giới quanh chị Vy không có âm thanh, nhưng trong lòng cô giáo trẻ lại tràn đầy những âm thanh rộn ràng của yêu thương. Sức sống ấy đã khiến chàng trai Vũ Sơn Lâm-bạn học cũ-rung động. Hai người cùng cảnh ngộ hợp lại thành một gia đình và cô con gái nhỏ đã được mẹ gửi gắm thật nhiều mong ước trong cái tên Vũ Minh Tuệ.

Nhìn lại mọi thứ, ông Tùng tự hào: Là một lão nông có “gốc” sư phạm nên ông biết cách động viên, an ủi, giúp con vượt qua mặc cảm cùng vô số khó khăn để trưởng thành. Vào những ngày mưa gió, ông tự nguyện đưa đón con vượt hàng chục cây số đến trung tâm dạy học. “Thấy con vui với nghề, tự kiếm sống bằng nghị lực của mình và trở thành người có ích cho xã hội, tôi hạnh phúc lắm”-ông Tùng chia sẻ.

Cô giáo Ngô Từ Vy và các em nhỏ khiếm thính chia tay chúng tôi bằng những nụ cười rạng rỡ. Khi tôi hỏi thêm rằng, bản thân có thấy hạnh phúc không, chị Vy phác liền một lúc 3 cử chỉ giống nhau, dứt khoát. Bằng ngôn ngữ ký hiệu, chị Vy trả lời thật gọn: Hạnh phúc, hạnh phúc, hạnh phúc. Nhờ năng lượng bình an từ tâm, cô giáo trẻ đã lan tỏa điều ấy đến với cả không gian mà mình đang có mặt.

 

PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm