(GLO)- Những năm qua, Hội Phụ nữ Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) phát động và nhân rộng mô hình “Vườn rau xanh”. Nhờ vậy, chị em phụ nữ không chỉ chủ động được nguồn rau sạch mà còn góp phần cải tạo môi trường sống.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Siu H’Nang (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) khi chị đang chăm sóc vườn rau của mình. Chị cho biết: “Trước đây, mình rất ít trồng rau, có trồng thì cũng không nhiều. Từ khi Hội Phụ nữ Công ty phát động mô hình “Vườn rau xanh” thì tất cả chị em đều trồng rau. Mình tận dụng đất vườn quanh nhà, dùng tre nứa rào xung quanh và áp dụng trồng xen canh gối vụ nhiều loại rau củ quả theo mùa. Từ khi thực hiện mô hình này, gia đình có nguồn rau sạch dồi dào”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) cũng đã trồng các loại rau xanh để có nguồn thực phẩm sạch trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Chị cho biết: “Mùa nào thức ấy, tôi tận dụng các khoảnh đất trống, thậm chí mượn đất để trồng rau. Trồng rau vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho gia đình, lại vừa có thêm thu nhập”.
Các hội viên phụ nữ giúp nhau trồng rau xanh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Công ty TNHH một thành viên 72 đóng quân trên địa bàn biên giới, hơn 50% người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Hội Phụ nữ Công ty có hơn 1.000 hội viên, sinh hoạt tại 13 chi hội. Tất cả các hội viên đều xây dựng cho mình một vườn rau xanh. “Mô hình này được chúng tôi triển khai gần 10 năm qua và đem lại hiệu quả rất thiết thực. Mỗi hội viên đều xây dựng cho mình một vườn rau có diện tích từ 15 m2 trở lên. Hàng tháng, Hội Phụ nữ Công ty đi kiểm tra, đánh giá, xếp loại. Nhờ đó, mô hình được nhân rộng, nhiều hội viên còn có thêm thu nhập từ việc bán rau xanh”-chị Nguyễn Thị Hương Phúc-Chủ tịch Hội Phụ nữ Công ty cho biết.
Chị Phạm Thị Kim-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Đội 17-cho hay: Đối với hội viên đồng bào dân tộc thiểu số, Chi hội đến hướng dẫn cách làm đất, trồng và chăm sóc từng loại rau. Những hội viên có hoàn cảnh khó khăn được Chi hội hỗ trợ cây giống và phân bón. Sau khi thực hiện mô hình này, nhiều chị em biết cải tạo đất để trồng rau tại nhà vừa không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đánh giá về mô hình “Vườn rau xanh” của Hội Phụ nữ, Thượng tá Phan Văn Phú-Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH một thành viên 72-cho biết: Mô hình đã góp phần thay đổi tư duy của người lao động, đặc biệt là công nhân dân tộc thiểu số. Đặc biệt, mô hình đã tạo điều kiện cho các gia đình có nguồn rau sạch đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, góp phần thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, với nguồn sản phẩm dôi dư, nhiều công nhân có thể đem bán ra thị trường góp phần tăng thu nhập.
VĨNH HOÀNG