Cuộc thi "Tiếng nói học đường 2020": Sôi nổi, ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thu hút 30 học sinh THPT trên địa bàn TP. Pleiku và một số huyện lân cận tham gia, cuộc thi thuyết trình “Tiếng nói học đường 2020” đã cho thấy sự tự tin và năng động của lớp trẻ trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.
“Tiếng nói học đường 2020” là chương trình do Trung tâm Anh ngữ MLa phối hợp với Câu lạc bộ Thuyết trình Pleiku tổ chức; các đơn vị: Trường THPT Chi Lăng, Trung tâm Smart Kids Gia Lai, Trung tâm Kỹ năng sinh trắc vân tay Awake Gia Lai, Công ty Tổ chức sự kiện và Trung tâm đào tạo kỹ năng nói trước công chúng Trường Nguyên đồng tài trợ. Cuộc thi đã đem đến cho học sinh THPT trên địa bàn TP. Pleiku và một số huyện lân cận cơ hội giao lưu, trau dồi kiến thức và kỹ năng thuyết trình trước đám đông, qua đó bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay.
Sau 2 ngày diễn ra vòng sơ khảo và vòng tập huấn (ngày 5 và 8-1), Ban Giám khảo đã chọn ra 10 học sinh vào vòng chung kết diễn ra tối 11-1. Em Vương Thanh Tuyền (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Pah) cho biết: “Em và các bạn từ huyện Chư Pah đến Pleiku để cổ vũ cho bạn Huỳnh Ngọc Thanh Ngân. Em hy vọng 10 thí sinh sẽ tự tin thể hiện hết khả năng của mình, thắp sáng những ước mơ”.
 Ban tổ chức trao giải nhất cho em Lê Tú Uyên (Trường THPT Pleiku). Ảnh: N.K
Ban tổ chức trao giải nhất cho em Lê Tú Uyên (Trường THPT Pleiku). Ảnh: N.K
Tại đêm chung kết, mỗi thí sinh là một sắc màu, một quan điểm riêng về cuộc sống nhưng cùng nổi bật với những lập luận rất sắc bén, nhanh nhạy, thuyết trình tự tin về những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Điển hình là em Lê Tú Uyên (Trường THPT Pleiku) với bài thuyết trình có chủ đề “Lạm dụng công cụ mạng xã hội”, qua đó nêu bật những ưu điểm cũng như tác hại của mạng xã hội nếu quá lạm dụng. Còn em Võ Thái Quỳnh Giao (Trường THPT chuyên Hùng Vương) lại mang đến cho khán giả bài thuyết trình với chủ đề luôn được các bạn trẻ quan tâm, đó chính là “Tình yêu tuổi học trò”. Bài thuyết trình nhận được sự đồng tình cao của Ban Giám khảo và khán giả khi nhận diện những rung động đầu đời của lứa tuổi học trò với những cảm xúc rất đẹp, tuy nhiên cũng cảnh báo về trách nhiệm, hậu quả có thể xảy ra nếu các bạn trẻ đi quá giới hạn. Em Nguyễn Phan Minh Thư (Trường THPT Pleiku) lại thu hút sự quan tâm của khán phòng khi bàn đến “Áp lực điểm số” của tuổi học trò. Thư khẳng định: Nếu bố mẹ không ghi nhận quá trình nỗ lực của con em mà chỉ nhìn vào điểm số để áp đặt, so sánh thì sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Một vấn đề thời sự khác cũng được Ban Giám khảo và khán giả chú ý là chủ đề “Bảo vệ môi trường” của em Nguyễn Thúy Ngân (Trường THPT Pleiku) xung quanh tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với môi trường và cuộc sống của con người…  
Các bài thuyết trình đều thể hiện những lập luận chặt chẽ, vấn đề đưa ra sát sườn với thời sự cuộc sống nên khiến Ban giám khảo phải “cân não” để chọn ra người xuất sắc nhất. Kết quả, 2 giải khuyến khích thuộc về em Võ Thái Quỳnh Giao và Lê Quốc Huy (Trường THPT Lê Lợi); giải ba thuộc về em Huỳnh Ngọc Thanh Ngân; giải nhì được trao cho em Nguyễn Phan Minh Thư. Em Lê Tú Uyên giành giải nhất với phần thuyết trình hết sức thuyết phục. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 2 giải phụ là gồm “Thí sinh được yêu thích nhất” cho em Nguyễn Phan Minh Thư và giải “Ấn tượng” cho em Nguyễn Thị Hồng Thắm (Trường THPT chuyên Hùng Vương). Ngoài cúp và tiền thưởng, mỗi thí sinh đạt giải còn nhận được một khóa học tiếng Anh (trị giá 400.000 đồng) của Trung tâm Anh ngữ MLa; một khóa học MC (trị giá 2,5 triệu đồng) của Công ty tổ chức sự kiện và Trung tâm đào tạo kỹ năng nói trước công chúng Trường Nguyên. Thí sinh đạt giải “Ấn tượng” được Trung tâm Kỹ năng sinh trắc vân tay Awake Gia Lai sinh trắc vân tay miễn phí (trị giá 2,5 triệu đồng).
Ông Phạm Hồng Thưởng-Giám đốc Trung tâm Anh ngữ MLa, Trưởng ban tổ chức-cho biết: “Đây không chỉ là một cuộc thi mà còn là sân chơi dành cho các bạn học sinh ở lứa tuổi 16-18 tuổi tại Gia Lai. Qua các vòng thi, các thí sinh đã thực sự tiến bộ để rồi đã cháy hết mình trong đêm chung kết”. Chị Trương Thị Mỹ Lệ-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku)-nhận xét: “Tôi thật sự bất ngờ trước kiến thức, sự tự tin và năng động của các em. Hy vọng năm sau chương trình sẽ được quảng bá rộng rãi hơn để nhiều người cùng biết và tham gia”.
Kết thúc phần trao giải, chương trình đã công bố số tiền bán vé và kinh phí do các Mạnh Thường Quân ủng hộ. Tổng số tiền thu được là gần 5,6 triệu đồng được trao cho đại diện Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (TP. Pleiku) để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số đón Tết. Chị Khương Thị Ngọc Ánh-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Anh Hùng Núp-xúc động cho biết: “Chương trình hôm nay thật sự rất ý nghĩa. Không chỉ giúp học sinh trang bị kỹ năng nói trước đám đông, chương trình còn hướng đến việc chia sẻ với các em học sinh nghèo của nhà trường. Tôi hy vọng những năm sau chương trình sẽ được tổ chức quy mô hơn để không chỉ một trường được giúp đỡ mà nhiều trường khó khăn khác cũng được sẻ chia”.
Đêm thi để lại cho khán giả rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng trên hết đã mở ra cho các bạn trẻ lứa tuổi thanh-thiếu niên một sân chơi đầy bổ ích, qua đó thể hiện bản lĩnh, trau dồi kiến thức cũng như những kỹ năng sống cần thiết. “Thông qua cuộc thi, tôi muốn nói với bạn trẻ rằng: Hãy bắt đầu từ số 1 thay vì nghĩ đến số 10, giống như việc chúng ta hãy thử sức mình để cống hiến thay vì ngồi một chỗ và mộng tưởng về tương lai”-ông Thưởng nhắn nhủ.
NGUYÊN KHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm