Đak Pơ: Hiệu quả công tác giúp đỡ làng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm củng cố thực lực chính trị ở cơ sở trong tình hình mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Pơ (Gia Lai) đã phân công 63 cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, giúp đỡ 34 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, giúp các làng vươn lên vững mạnh toàn diện.
Em Đinh Văn Đáp (làng Jro Ktu, xã Yang Bắc, học sinh lớp 8 Trường THCS Đào Duy Từ) mồ côi cả cha mẹ, sống cùng chị gái. Vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên em phải bỏ học vào tháng 10-2017. Trước hoàn cảnh của em, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cùng Huyện Đoàn Đak Pơ đã đến vận động, đồng thời giúp đỡ về vật chất như quần áo, sách vở và mỗi tháng hỗ trợ 10 kg gạo để giúp em tiếp tục đến trường. “Anh chị đã hỗ trợ cho em sách vở, quần áo, em rất vui. Em sẽ không bỏ học và cố gắng học tập tiến bộ”-Đáp chia sẻ.
    Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Pơ phối hợp với Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2) tặng quà Tết cho bà con làng Jro Ktu, xã Yang Bắc.               Ảnh: N.H
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Pơ phối hợp với Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2) tặng quà Tết cho bà con làng Jro Ktu, xã Yang Bắc. Ảnh: N.H
Thực hiện quyết định phân công của Huyện ủy Đak Pơ, Huyện Đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhận hỗ trợ làng Jro Ktu (xã Yang Bắc). Hàng năm, 2 cơ quan đã chủ động thống nhất về kế hoạch giúp đỡ làng, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng tháng, 2 cơ quan đều cử cán bộ, công chức xuống làng gặp gỡ, nắm tình hình; cùng tham gia sinh hoạt với bà con vào các ngày lễ, Tết, ngày hội của làng; động viên nhân dân chăm lo lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2017, 2 cơ quan đã phối hợp cùng chính quyền xã hướng dẫn cho các hộ gia đình tăng gia sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, kết quả đã giúp 6 hộ thoát nghèo. Đồng thời, tổ chức được 5 đợt tặng quà với tổng trị giá 5,1 triệu đồng; phối hợp với Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2) tổ chức thăm, tặng 5 suất quà cho hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán...
Bà Lê Thị Thanh Mai-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Pơ: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giúp đỡ các làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn những hạn chế như: một số cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách còn “nhìn nhau”, chưa có kế hoạch giúp đỡ cụ thể, chỉ mới là thăm hỏi, tặng quà…Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị được phân công cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch chi tiết hơn trong việc giúp các làng thoát nghèo nhằm góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Hội Cựu chiến binh huyện và Trường Tiểu học Trần Phú (xã Tân An) cũng được phân công theo dõi, giúp đỡ làng Jun (xã Yang Bắc) từ năm 2006. Hàng năm, 2 đơn vị thường xuyên phối hợp xuống làng để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đến nay, tỷ lệ các hộ dân trong làng được sử dụng điện và nước sạch đạt 100%, nhà ở đều được lợp ngói và lợp tôn, trên 90% hộ có phương tiện đi lại. Con em trong làng đến trường đúng độ tuổi đạt 99%. Làng cũng thành lập được đội bóng đá, bóng chuyền, đội cồng chiêng, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Đặc biệt, làng vừa được chọn làm điểm để xây dựng thành Làng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Công Thắng-Phó Trưởng Công an huyện Đak Pơ-cho biết: Công an huyện Đak Pơ được phân công giúp đỡ làng Kuk Đak (xã An Thành). Ngoài việc thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho bà con nhân các dịp lễ, Tết, tặng sách vở cho các em thiếu nhi trong làng, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện cũng đã giúp bà con làm hàng rào, dọn dẹp vệ sinh, hướng dẫn ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đồng thời, tích cực bám làng, cùng với các lực lượng cốt cán ở làng tuyên truyền pháp luật cho bà con, tham gia giúp người dân giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tham mưu củng cố hệ thống chính trị ở làng cũng như vận động từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Nhờ đó, đến nay, tà đạo “Hà Mòn” ở làng Kuk Đak đã được xóa bỏ, bà con vui vẻ, yên tâm lao động sản xuất.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách làng đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ thực hiện các mô hình kinh tế, các loại cây-con giống…; chủ động phối hợp làm tốt công tác xây dựng thực lực chính trị ở các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2017, toàn huyện đã phát triển được 22 đảng viên là người dân tộc thiểu số; 34 tổ hòa giải, tổ tự quản ở 34 làng được kiện toàn; có 22/34 làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận làng văn hóa.
Nguyễn Hiền - Tuyết Mai

Có thể bạn quan tâm