Đam mê muộn mằn, thành công chóng vánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực giải tích phức, GS Phạm Hoàng Hiệp vừa trở về từ Ý cùng Giải thưởng Ramanujan 2019.



GS Phạm Hoàng Hiệp là trường hợp khá đặc biệt. Trong khi phần lớn các nhà toán học đều đam mê những con số từ nhỏ thì đến tận năm lớp 9, anh mới phát hiện mình cũng thích toán, kiểu như người ta khoái bóng đá.

 

GS Phạm Hoàng Hiệp (đứng) và đồng nghiệp tại Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
GS Phạm Hoàng Hiệp (đứng) và đồng nghiệp tại Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học. (Ảnh do nhân vật cung cấp)



Cú hích

Thuở nhỏ, khi còn ở trường làng, Phạm Hoàng Hiệp học hành không mấy tập trung. Dù bố mua về rất nhiều sách nhưng cậu bé sinh năm 1982 này rất ít khi xem. Cho đến một lần, khi học lớp 9, Hiệp tình cờ mở một cuốn sách về số học. Càng đọc càng thấy cuốn hút, lúc ấy cậu mới nhận ra mình… thích toán!

Từ đó, Phạm Hoàng Hiệp bắt đầu cẩn thận học lại kiến thức toán từ cơ sở đến nền tảng. Cuốn sách ấy như một cú hích làm thay đổi hoàn toàn cậu học trò này. Trước đó, Hiệp học chỉ bình thường nhưng về sau thì môn nào cũng khá, nhất là toán.

Khi đã thật sự say mê, Phạm Hoàng Hiệp nuôi ước mơ thi toán quốc tế nên lao vào giải các đề trong tạp chí "Toán học và Tuổi trẻ". "Dù lỡ cơ hội thi toán quốc tế nhưng những năm tháng ấy đã giúp tôi rèn được cách tự học, đọc sách và suy nghĩ để giải quyết vấn đề" - vị giáo sư nhớ lại.

Niềm đam mê toán học, dù đến khá muộn, đã khiến ước mơ ban đầu trở thành bác sĩ của Phạm Hoàng Hiệp không còn tồn tại. Anh chỉ còn mong muốn duy nhất là làm một nghề nào đó có thể gắn bó với toán học.

Khi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2000, Phạm Hoàng Hiệp được học với GS Nguyễn Văn Khuê từ năm nhất. Ông nhận ra cậu học trò Hải Dương có năng lực nghiên cứu toán học nên định hướng anh đi theo con đường này.

Theo GS Phạm Hoàng Hiệp, giai đoạn theo học Lớp Chất lượng cao của Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là quan trọng nhất trong cuộc đời nghiên cứu của anh. Đồng nghiệp nhận xét Hiệp có sự nhạy cảm đặc biệt về giải tích toán học cũng như niềm đam mê, làm việc hết mình trong những vấn đề khó.

Được GS Nguyễn Văn Khuê giới thiệu về Phương trình Monge - Ampere phức của GS Urban  Cegrell (ĐH Umea, Thụy Điển), Phạm Hoàng Hiệp đã tìm tòi để viết các kết quả nghiên cứu theo hướng này rồi gửi các tạp chí toán học quốc tế. Từ đây, GS Urban biết đến Hiệp và nhận lời hướng dẫn anh bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Umea năm 2008.

Từ năm 2011-2014, Phạm Hoàng Hiệp dự tuyển vào một số vị trí nghiên cứu ở Pháp. Anh đã bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại ĐH Aix-Marseille năm 2013. "Tôi đã may mắn gặp nhiều GS có tâm, có tầm" - anh cảm kích.

Ưng ý

Về nước vào cuối năm 2014, vì muốn tập trung sâu hơn cho việc nghiên cứu mà vẫn có thể giảng dạy một cách chọn lọc, Phạm Hoàng Hiệp chuyển sang Viện Toán học. "Để tìm lời giải cho một bài toán, khi học phổ thông, tôi cần 3 ngày thì sau này, khi làm nghiên cứu, tôi mất đến 3 năm" - anh nói đầy ẩn ý.

Năm 2015, lúc còn là phó giáo sư, Phạm Hoàng Hiệp đã vinh dự nhận được Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho hạng mục Nhà khoa học trẻ. Với công trình "A sharp lower bound for the log canonical threshold" (Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc) viết chung cùng GS Jean-Pierre Demailly, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, đăng trên tạp chí "Acta Mathematica" năm 2014, nhà toán học 34 tuổi đã giành được số phiếu tuyệt đối của hội đồng giải thưởng.

GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, cho biết đây là lần đầu tiên, một nhà toán học Việt Nam trong nước có bài đăng trên "Acta Mathematic" - tạp chí được xếp hạng cao nhất theo chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn 5 năm trong danh mục 302 tạp chí ngành toán lý thuyết của cơ sở dữ liệu ISI. Theo GS Demailly, Phạm Hoàng Hiệp là người đề xuất vấn đề nghiên cứu và đưa ra ý tưởng chính để giải quyết, đồng thời là người đóng vai trò chủ chốt trong việc viết bài.

Phạm Hoàng Hiệp cho hay anh bắt đầu nghiên cứu công trình trên từ cuối năm 2010. Đến tháng 9-2011, khi sang Viện Fouier - ĐH Grenoble (Pháp) nghiên cứu 1 năm, anh đã gặp và trao đổi với GS Demailly để hoàn thiện công trình trong vòng 2 tháng. Đây là một trong những công trình mà anh ưng ý nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình.

Kỷ lục

Phạm Hoàng Hiệp đang là người giữ kỷ lục GS trẻ nhất Việt Nam khi anh được công nhận chức danh này năm 2017 ở tuổi 35. Trước đó, năm 2011, Hiệp cũng là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới 29 tuổi.

GS Phạm Hoàng Hiệp là người Việt Nam thứ hai được Viện Hàn lâm khoa học thế giới (TWAS, tiền thân là Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba) chọn làm thành viên trẻ nhiệm kỳ 2016-2020, sau GS Phùng Hồ Hải (nhiệm kỳ 2009-2013). Từ năm 2007, mỗi năm TWAS chọn 25 nhà khoa học trẻ xuất sắc dưới 40 tuổi đại diện các nước đang phát triển làm thành viên trẻ.

Với những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực giải tích phức, GS Phạm Hoàng Hiệp vừa trở về từ Ý cùng giải thưởng Ramanujan 2019 - mang tên nhà toán học thiên tài người Ấn Độ này, dành cho các nhà toán học trẻ từ các nước đang phát triển.

Hiện là Giám đốc Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, GS Phạm Hoàng Hiệp kỳ vọng anh sẽ xây dựng được chương trình tốt để đào tạo sau ĐH cho những người giỏi và đam mê toán. Hoạt động đào tạo của trung tâm sẽ cố gắng đạt tới chuẩn mực quốc tế để thu hút được các tài năng trong nước và cả nước ngoài.

"Chúng tôi hy vọng các thạc sĩ do trung tâm đào tạo sẽ tiếp tục có học bổng học tiếp nghiên cứu sinh, các tiến sĩ thì được nhận làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở các nước phát triển" - GS Phạm Hoàng Hiệp mong mỏi.

Hơn 1 năm giữ vai trò giám đốc Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, theo GS Phạm Hoàng Hiệp, là chặng đường dài nhưng anh cần thêm thời gian để thực hiện những điều kỳ vọng. Anh bày tỏ: "Cũng như ở các lĩnh vực lý thuyết khác, nghiên cứu toán học trước hết là phải tìm kiếm, khám phá những điều mới mẻ để làm phong phú thêm kho tàng tri thức con người. Và, việc ứng dụng chúng vào cuộc sống cần sự tổng hợp của nhiều người trong nhiều lĩnh vực".

 


"Để tìm lời giải cho một bài toán, nếu khi học phổ thông, tôi cần 3 ngày thì sau này, khi làm nghiên cứu, tôi mất đến 3 năm".

GS Phạm Hoàng Hiệp


Theo HOÀNG LAN ANH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm