(GLO)- Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện Luật Thanh niên (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006), công tác thanh niên ở tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thi hành Luật cũng bộc lộ những bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn; phát huy vai trò, trí tuệ của thanh niên trong sự phát triển của địa phương.
Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của thanh niên
Đến cuối năm 2018, Gia Lai có trên 348 ngàn thanh niên (chiếm 23,8% dân số toàn tỉnh). Đại bộ phận thanh niên trong tỉnh được tập hợp vào các tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên và đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở. Vai trò, vị trí của thanh niên ngày càng được khẳng định; các tập thể, cá nhân thanh niên điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực ngày càng tăng. Nhiều năm qua, thanh niên trở thành lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của tỉnh.
Ông Trần Đại Thắng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ-cho biết: “Căn cứ các quy định của Luật Thanh niên cùng Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2006-2010 và đến năm 2020, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Theo đó, tỉnh đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để các cấp thực hiện việc phát triển thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ; tùy tình hình thực tế của từng địa phương để lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Cũng theo ông Thắng, hàng năm, UBND tỉnh bố trí ngân sách 3-4 tỷ đồng để thực hiện dự án đào tạo nghề cho gần 6.000 thanh niên dân tộc thiểu số. Từ năm 2006 đến 2018, tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 77.000 người, giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người (trong đó có hơn 241.000 thanh niên). “Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo 405 thạc sĩ và tương đương, thu hút 284 người có trình độ thạc sĩ và tốt nghiệp đại học loại xuất sắc về công tác. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi cho thanh niên trong học tập cũng được tỉnh chú trọng. Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội ở các địa phương đã giải ngân trên 19 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có con em đang theo học vay”-ông Thắng cho biết thêm.
Đoàn viên, thanh niên khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu. Ảnh: T.D |
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên và chính sách pháp luật liên quan đến thanh niên thời gian qua cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng. Việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên. Các cấp, các ngành đã quan tâm xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên học tập, cống hiến và phát triển kinh tế. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 347 mô hình trang trại của thanh niên, giải quyết việc làm cho gần 3.000 thanh niên; 245 làng, khu kinh tế thanh niên với 6.324 thanh niên tham gia; có 904 công trình thanh niên với tổng trị giá trên 250 tỷ đồng...
Về cơ bản, các quyền và nghĩa vụ của thanh niên được bảo vệ và thực hiện theo pháp luật; đời sống vật chất cũng như tinh thần của thanh niên từng bước được nâng lên. Thanh niên đã trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Còn hạn chế trong thi hành
Qua đợt giám sát về việc thực hiện Luật Thanh niên tại một số địa phương trong tỉnh, đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã ghi nhận một số hạn chế. Trong báo cáo về kết quả giám sát, ông Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát-chỉ rõ: “Việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai Luật Thanh niên chưa thường xuyên dẫn đến nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương về quyền và nghĩa vụ của thanh niên cũng như trách nhiệm của chính quyền và xã hội đối với thanh niên còn nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư xây dựng các điều kiện đảm bảo hoạt động giải trí cho thanh niên chưa đảm bảo; công tác tập hợp thanh niên nông thôn còn yếu; đối tượng thanh niên tàn tật, thanh niên yếu thế chưa được quan tâm đúng mức...”.
Bàn về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó, đa số thành viên đoàn giám sát cho rằng, nhiều quy định trong Luật Thanh niên còn chung chung, nhiều quyền, nghĩa vụ mang tính hình thức, không khả thi; công tác quản lý nhà nước về thanh niên chưa thực sự đồng bộ; một số chỉ tiêu trong Chương trình phát triển thanh niên tỉnh đến năm 2020 còn chung chung dẫn đến khó thực hiện, khó kiểm tra, đánh giá hàng năm; công chức phụ trách công tác thanh niên tại UBND cấp xã đều kiêm nhiệm, thiếu kiến thức về công tác này, do đó việc tham mưu còn hạn chế, chưa có chiều sâu và chất lượng chưa cao.
Đại úy Trần Ngọc Tốt-Trợ lý Thanh niên Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh-cho rằng: “Việc định hướng tuyên truyền, giáo dục, nắm bắt tình hình tư tưởng thanh niên trong quân đội đối với một số vấn đề thực tiễn đôi lúc còn chậm; công tác bồi dưỡng đội ngũ đoàn viên cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; các nội dung cũng như phương thức phối hợp hoạt động giữa tổ chức Đoàn trong quân đội với tổ chức Đoàn địa phương nơi đóng quân chưa cụ thể... Nguyên nhân của những tồn tại này là do năng lực, trình độ và kiến thức xã hội của một bộ phận cán bộ Đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặt khác, ở một số đơn vị, hoạt động phối hợp với địa phương chưa đồng bộ, do đó chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện một số nhiệm vụ”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đại Thắng nhấn mạnh: “Gia Lai là một tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn nên điều kiện đầu tư, chăm lo cho thanh niên còn gặp hạn chế. Kinh phí, cơ sở vật chất dành cho công tác triển khai, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Thanh niên chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, nhiều quy định trong Luật Thanh niên còn chung chung, chưa sát với các đối tượng; một số quy định của Luật Thanh niên khó triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống”.
Để công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã đề nghị Quốc hội ban hành mới Luật Thanh niên theo hướng: quy định quyền, nghĩa vụ của thanh niên và trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với thanh niên; quy định rõ về nguồn lực để đảm bảo thực hiện chính sách phát triển thanh niên; quy định quyền, trách nhiệm của thanh niên trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bổ sung quyền khởi nghiệp, quyền tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ trong thời kỳ mới...
TRẦN DUNG